Thần tướng Nhạc Phi: Quốc sĩ bốn lần tòng quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1127, nhà Triệu Tống đổi niên hiệu từ ‘Tĩnh Khang’ thành ‘Kiến Viêm’. Tống Cao Tông lên ngôi xưng đế, lịch sử chính thức chuyển từ Bắc Tống sang Nam Tống. Thiên tử tuổi mới hai mươi, đối với việc hòa hay đánh người Kim vẫn còn do dự bất định. Nhưng Nhạc Phi cũng cùng  lứa tuổi ấy, đã dâng bản tấu chương với ngôn từ khẩn thiết mạch lạc, ông nói: ‘Bệ hạ đăng cơ, bách tính quy về, quốc gia có chủ, đã phá tan âm mưu diệt Tống của nhà Kim.’

Quân đội cần vương ngày càng lớn mạnh, quân Kim thì ngày một lỏng lẻo biếng lười, đây chính là thời cơ cực tốt để xuất quân bắc phạt. Nhưng Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn xúi giục hoàng đế dời đô tránh giặc. Nhạc Phi hy vọng hoàng đế Cao Tông có thể về Khai Phong Đông Kinh để chủ trì đại nghiệp kháng Kim. Ông còn biểu thị tín tâm sâu sắc: ‘Tới khi đó tướng soái đồng lòng, sĩ khí dâng cao, đợi ngày phục hưng mảnh đất Trung Nguyên’.

Khi ấy Nhạc Phi mới 25 tuổi, chỉ là một chức vị quan võ thất phẩm nhỏ bé, mà viết ra được những lời can gián khẩn thiết, lòng can đảm trung dũng phi phàm của ông làm người ta cảm phục. Thế nhưng trong triều đình, những gian thần phái thủ hòa vẫn xúi bẩy hoàng đế khuất tiết đầu hàng. Các trung thần chủ chiến có chí khí nhưng không được dung nạp, bọn Hoàng Tiềm Thiện còn lấy lý do ‘Quan nhỏ vượt chức, lời lẽ không thích hợp’ để cách chức quan của Nhạc Phi, đuổi ông ra khỏi quân doanh, làm ông lâm cảnh đơn độc không chốn dung thân.

Thư pháp Nhạc Phi (Miền công cộng)

Buộc tóc tòng quân từ khi tuổi 20, do chịu tang cha mà Nhạc Phi phải về quê thủ hiếu, sau mãn tang ông lại tòng quân, nhưng do để mất giấy ủy nhiệm nên bị buộc phải rời quân ngũ. Còn lần tòng quân thứ ba, do dâng biểu trực ngôn can gián mà bị gian thần biếm chức. Cho dù ma nạn trùng trùng vào thời đầu quân ngũ, không làm giảm chí hướng tận trung báo quốc trong tâm ông. Tháng tám, ông kiên nghị đi lên phía bắc, gia nhập vào tiền tuyến kháng Kim ở Đại Danh Phủ (nay là huyện Đại Danh, Đông Nam Bộ Hà Bắc), lúc đó đang chiêu mộ nghĩa binh.

Tại điểm tuyển quân, có một người tên là Triệu Cửu Linh đón tiếp Nhạc Phi. Triệu Cửu Linh là quan viên do danh thần kháng Kim Lý Cương tiến cử vào cuối thời Bắc Tống, ông hết sức tán thưởng năng lực tác chiến của Nhạc Phi, đồng thời nhận định Nhạc Phi là ‘bậc kỳ tài trong thiên hạ’, ra sức tiến cử Nhạc Phi cho quan trên là Trương Sở.

Trương Sở cũng là một vị đại tướng biết quý trọng nhân tài, sử sách có ghi, mặc dù biết Nhạc Phi bị gian thần quyền quý miễn chức quan, nhưng vẫn trịnh trọng tiếp đãi ông như hàng quốc sĩ. ‘Quốc sĩ’ là chỉ những nhân tài ưu tú, xuất chúng, là rường cột quốc gia, thường tôn xưng là ‘Quốc sĩ vô song’. Trong lịch sử, chỉ có vị đại tướng dụng binh như Thần, thống nhất thiên hạ - Hàn Tín, mới xứng với danh hiệu tôn quý này. Trương Sở xem Nhạc Phi như chiến Thần tái sinh, tiến cử Nhạc Phi vào vị trí quan trọng bậc nhất trong đội quân kháng Kim cứu quốc.

Trương Sở đã đối đãi với vị quốc sĩ này như thế nào? Đầu tiên, ông nóng lòng muốn biết bản lĩnh thực của Nhạc Phi, liền hỏi: “Một mình ông thì có thể địch nổi bao nhiêu người?”

Nhạc Phi đáp: “Dũng bất túc thị dã, dụng binh tại tiên định mưu.” (chỉ dựa vào dũng là không đủ, việc dụng binh trước tiên phải hoạch định mưu lược).

Nhạc Phi nhận định, chỉ dựa vào một thân võ nghệ cao cường thì không thể trở thành một tráng sĩ xuất sắc, trí mưu mới là chỗ then chốt để quyết định thắng bại, đây cũng là đạo lý trong binh pháp ‘thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao’ (dùng mưu đánh là bậc thượng, giao chiến xếp hàng sau.)

Nhạc Phi còn lấy dẫn chứng thời cổ có Tấn đại phu Loan Kỳ dùng bụi mù dụ địch đánh bại quân Sở, rồi Mạc Ngao nước Sở dùng kế tiều phu đánh bại quân nước Giao, làm luận chứng cho tầm quan trọng của mưu lược. Trương Sở nghe xong sinh lòng kính phục, kinh ngạc thốt lên: “Ông là người hiếm trong quân ngũ đó!”

Nhạc Phi tinh trung báo quốc, văn võ song toàn. (Nguồn tư liệu Epoch Times)

Hai người đàm đạo tâm đầu ý hợp, Nhạc Phi cũng khẳng khái bộc bạch ý đồ lấy lại những vùng đất đã bị quân Kim lấy mất. Khai Phong là đô thành Bắc Tống, phải dựa vào tấm bình phong Hà Bắc thì mới vững bền. Nếu Trương Sở nguyện ý xuất binh chinh phạt, ông sẽ nguyện lấy thân báo quốc, chết chẳng từ nan. Qua đàm luận suy xét kỹ lưỡng, Trương Sở càng thêm kiên tín rằng: Nhạc Phi là bậc kỳ tài Trời ban chỉ có thể gặp mà không thể cầu, liền đặc cách đưa ông từ thân phận bình dân đảm nhiệm chức Tu Vũ Lang, thống lĩnh trung quân, rồi rất nhanh sau đó thăng chức lên Vũ Kinh Lang.

Tuy nhiên, Nhạc Phi không như Hàn Tín là đại tướng quân, nhưng ngoài Tông Trạch ra, ông lại gặp được người hiểu thấu được bản lĩnh cùng tài năng của ông, mở ra một quãng đời binh nghiệp trong lần thứ tư nhập ngũ. Nhờ Thần lực Trời ban cùng lòng son trung nghĩa, Nhạc phi nhanh chóng lập nhiều chiến công, trở thành vị đại anh hùng dũng quán tam quân.

Ví dụ khi đối kháng quân Kim đông hàng vạn, thủ lĩnh Vương Ngạn chuẩn bị ngừng chiến, Nhạc Phi vũ dũng khuyên can không thành, đành dẫn theo thuộc hạ cô độc xuất chiến. Ông khích lệ tinh thần binh sĩ: ‘Chúng ta tuy ít người, nhưng phải cố sức đánh thắng, ai không liều mình sát địch thì chém!’.

Thế là Nhạc Phi đánh trận sống còn với quân Kim, bản thân ông cũng bị thương hơn chục vết, cuối cùng quân Kim phải lui quân.

Tranh vẽ “Trung Hưng tứ tướng: Nhạc Phi, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, Lưu quang Thế” của Lưu Tùng Niên thời Tống. Nhạc Phi là người thứ 2 từ trái sang. (Miền công cộng)

Năm Kiến Viêm thứ ba (năm 1129), Nhạc Phi binh lực chỉ có tám trăm quân ở Nam Huân Môn, thành nam Khai Phong, đối kháng với 50 vạn quân Kim do Vương Thiện, Tào Thành cầm đầu. Khi đó, bên ngoài thành, tiếng trống nổi vang trời, quân Tống lo sợ khó mà thủ thắng, Nhạc Phi nói một cách chắc chắn khẳng định chiến thắng: “Hãy xem ta phá địch đây!

Ông lên ngựa xông lên trước, bên trái mang cung, bên phải cầm thương, cùng các dũng sĩ ứng chiến. Các dũng sĩ tả xung hữu đột, kịch chiến ác liệt trong khoảng năm, sáu giờ, cuối cùng quân Kim đại loạn mà vỡ trận. Trong chiến trận, những tố chất hàng đầu của ông: Võ công - Mưu lược - Can đảm gánh vác - Trung nghĩa đã làm lên một vị anh hùng, thực xứng với tôn xưng: Lưỡng Tống Chiến Thần (Chiến Thần của hai triều nhà Tống)! Ông luôn xông lên trước binh sĩ, truyền tải sĩ khí anh hùng cho quân đội, cũng kết tập được quanh ông lượng lớn dũng sĩ trung can nghĩa đảm, tổ thành lên một đội quân uy dũng nhất, tinh nhuệ nhất Nam Tống - Nhạc Gia Quân!

Theo Liễu Địch - Epoch Times

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thần tướng Nhạc Phi: Quốc sĩ bốn lần tòng quân