Vệ tinh do thám và vũ khí tầm xa của NATO khoét vào yếu huyệt quân Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa chiến tranh ngày nay và các cuộc xung đột trước đây trong lịch sử là tình báo, giám sát và trinh sát trực tuyến một cách toàn diện, trong mọi điều kiện thời tiết và liên tục trên chiến trường. Cho dù hỏa lực của bạn mạnh đến đâu và xa đến đâu, nếu không thể hiểu rõ tình hình chiến trường, xác định chính xác mục tiêu và truyền dữ liệu mục tiêu một cách nhanh chóng, bạn sẽ chẳng làm được gì. Giống như quân đội Nga bây giờ, cầm gậy trong tay có thể đánh được con voi nhưng lại không đánh được con thỏ.

Đầu tháng 2 năm nay, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: Toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang không ngừng chiến đấu chống lại Nga. Do đó, Moscow không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự thù địch mà NATO đang tạo ra. Phía Nga nói rằng: Toàn bộ cơ sở hạ tầng tình báo của NATO, bao gồm máy bay trinh sát và vệ tinh tình báo, hoạt động suốt ngày đêm vì lợi ích của Ukraine. Tất nhiên, tất cả điều này là khá nghiêm trọng và Nga không thể bỏ qua.

Điện Kremlin cho biết năng lực không gian đã đóng một vai trò trung tâm chưa từng có trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Năng lực vệ tinh tập thể của các thành viên NATO mang lại lợi thế đáng kể cho quân đội Ukraine và các nhóm vũ trang hỗ trợ Kyiv. Những lợi thế mà NATO mang lại cho Ukraine bao gồm việc cung cấp dữ liệu mục tiêu nhanh chóng cho tên lửa và pháo nhắm vào, vốn đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Nga. Và khi Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine các tên lửa và đạn dược tầm xa, điều đó có thể khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn nữa đối với Nga.

Sau nhiều tháng tranh cãi, các quan chức Lầu Năm Góc cũng đồng ý gửi cho Ukraine những tên lửa có tầm tấn công xa hàng trăm km, giúp Kyiv thọc sâu vào phòng tuyến của Nga. Hôm 3/2, Mỹ thông báo gói vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD dành cho Ukraine với rocket tầm xa có thể bắn trúng mục tiêu cách 150 km. Tên chính thức của loại vũ khí này là: Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB). Nó là loại đạn kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MRLS) và Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS). Với tầm bắn 150 km, GLSDB có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea.

GLSDB không bay theo quỹ đạo đạn đạo mà có thể di chuyển linh hoạt nên khó bị ngăn chặn và được sử dụng để tấn công các mục tiêu mà các loại vũ khí có cơ chế ngắm bắn trực tiếp thông thường không thể bắn tới. Hiện tại, GLSDB chưa tương thích với HIMARS và Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các giàn phóng mới chuyên cho loại vũ khí này.

Với GLSDB, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu xa hơn với tiền tuyến. Rốc két có tầm tấn công xa nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến nay là loại được phóng từ HIMARS, chỉ tấn công mục tiêu cách xa khoảng 80 km. HIMARS có thể phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300 km nhưng Mỹ chưa đồng ý gửi cho Ukraine.

GLSDB không uy lực bằng ATACMS nhưng rẻ hơn, nhỏ và dễ triển khai hơn, phù hợp mục tiêu của Ukraine là cản trở hoạt động của Nga và tạo ưu thế chiến thuật. Vũ khí này với tầm bắn 150 km cũng đủ đặt toàn bộ tuyến tiếp tế của Nga tại miền đông Ukraine và một phần bán đảo Crimea nằm trong tầm tấn công.

Tên lửa Storm Shadow bên trong Bảo tàng RAF, London. (Ảnh: Wikimedia)

Khi đó, Nga sẽ phải di chuyển nguồn tiếp tế xa khỏi tiền tuyến, khiến binh sĩ gặp nguy hiểm hơn và gây phức tạp cho kế hoạch tiến quân mới. Điều này có thể làm chậm cuộc tấn công của Nga. Như HIMARS đã ảnh hưởng lớn đến diễn tiến các sự kiện, những rốc két này có thể ảnh hưởng lớn hơn. Nếu Ukraine có thể tấn công đến biên giới Nga hoặc tại Crimea, điều này sẽ giảm đáng kể khả năng tấn công của lực lượng Nga.

Nga đang sử dụng Crimea như một căn cứ quân sự lớn để đưa lực lượng tăng viện cho binh sĩ ở tiền tuyến. Nếu Ukraine có vũ khí tầm xa 150 km, họ có thể tấn công đến đó và bẻ gãy kết nối hậu cần với Crimea. Mặt khác, các chuyên gia vũ khí cho rằng việc Ukraine bổ sung vũ khí tầm xa sẽ làm ảnh hưởng tâm lý, sự tự tin của Nga.

Bên cạnh đó, việc cung cấp GLSDB là một bước tiến tới gần khả năng Ukraine có thể nhận được ATACMS. Ngoại giới dự đoán Ukraine có thể nhận được vũ khí tầm xa hơn trong tương lai. Nó tương tự như việc chuyển giao HIMARS, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng M1 Abrams. Ban đầu, Mỹ đều từ chối đề nghị của Ukraine nhưng khi tình hình chiến sự xấu đi, Nhà Trắng đã gật đầu.

Tất nhiên, Mỹ vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine ATACMS có tầm bắn khoảng 320 km vì lo ngại tên lửa có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang căng thẳng. Để có được loại vũ khí này, Ukraine đã nhiều lần cam kết sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp một cách có trách nhiệm, cẩn thận, thậm chí trao đổi trước với phía Mỹ về các mục tiêu của Nga mà Ukraine dự định sẽ tấn công.

Song nước Anh - một đồng minh thân cận của Mỹ - đã quyết định đi trước một bước. Hôm 11/5, nước này quyết định viện trợ cho Ukraine các tên lửa Storm Shadow, bổ trợ năng lực tấn công chính xác tầm xa cho cuộc phản công lớn của Kyiv. Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thì việc cung cấp tên lửa sẽ cho phép Ukraine tiếp tục đẩy lùi các lực lượng Nga.

Storm Shadow là một tên lửa hành trình không đối đất hiện đại, khó bị theo dõi và bắn hạ hơn tên lửa hành trình thông thường. Loại tên lửa do Anh và Pháp đồng phát triển này có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau, từ 155km đến 560km và mang đầu đạn 450kg. Kể cả ở tầm bắn ngắn nhất, tên lửa này vẫn có thể bắn đến mọi vị trí Nga đang kiểm soát ở Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Phát biệt tại Hạ viện Anh, Bộ trưởng Wallace xác nhận Ukraine sẽ trang bị tên lửa này lên các máy bay chiến đấu thời Liên Xô cũ. Ukraine đã từng hoán cải chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 của mình để dùng vũ khí chuẩn NATO như tên lửa diệt radar HARM và bom thông minh JDAM dẫn đường bằng GPS.

Và đương nhiên đó là những diễn biến không thể nào khiến Nga hài lòng, bất kể CNN dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết London đã nhận được đảm bảo từ Kyiv rằng sẽ không dùng loại vũ khí này tấn công vào lãnh thổ Nga. Phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga xem động thái của Anh là “cực kỳ tiêu cực” và tuyên bố “sẽ cần đến phản ứng thích đáng”.

Giờ đây, Ukraine đã có vũ khí với tầm bắn xa hơn trước, cộng thêm sự trợ giúp của hệ thống tình báo trên không và vũ trụ của NATO, nước này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào của Nga vào bất kỳ thời điểm nào. Mặt khác, Nga sẽ phải đối mặt với tình thế chờ đợi vô cùng bị động vì không có sự hỗ trợ của hệ thống tình báo trên không và vũ trụ.

Nga thiếu năng lực vệ tinh giám sát

Nga từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lực vệ tinh giám sát và liên lạc. Trong nhiều trường hợp, họ buộc phải dựa vào công nghệ lạc hậu hoặc các linh kiện nhập khẩu hiện đã bị cắt hoàn toàn do lệnh trừng phạt của phương Tây. Ukraine cũng không có lực lượng vệ tinh riêng. Nhưng họ đã được hưởng lợi không chỉ từ Hoa Kỳ với số lượng lớn thiết bị quân sự, mà còn từ một lượng thông tin tình báo lớn chưa từng có của phương Tây, bao gồm cả dữ liệu động, thời gian thực về các lực lượng Nga.

Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ phương Tây đã dẫn đến sự bùng nổ của hình ảnh vệ tinh thời gian thực, chất lượng cao, lần đầu tiên thay đổi tình báo quân sự. Và sự thay đổi đó dường như không xảy ra ở Nga. Bart Hendrix, một chuyên gia về chương trình vũ trụ của Nga cho biết: Về nguyên tắc Nga gần như mù mịt về vấn đề này.

Theo cơ sở dữ liệu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ, Nga hiện có khoảng 100 vệ tinh quân sự hoặc vệ tinh lưỡng dụng. Chỉ 19 vệ tinh trong số đó được phân loại là vệ tinh viễn thám, có công nghệ cho phép chụp ảnh quang học hoặc giám sát tín hiệu vô tuyến, trong khi số còn lại được sử dụng cho các mục đích khác.

Các chuyên gia cho biết, hai vệ tinh trinh sát quang học quay quanh quỹ đạo của Nga, được gọi là Persona, được phóng cách đây 7 hoặc 8 năm, có thể sắp hết tuổi thọ hoạt động. Độ phân giải tối đa của các vệ tinh này chỉ là 50 cm.

Năm 1997, mô-đun Spektr bị hỏng ngoài không gian trên Trạm vũ trụ MIR của Nga sau một vụ va chạm với phương tiện Progress của Nga khi nhìn từ tàu con thoi STS-86 của NASA. (Ảnh: Space Frontiers/Space Frontiers/Getty Images)

Để so sánh, các vệ tinh do thám của Mỹ có độ phân giải khoảng 5 cm. Ở độ phân giải này, các chữ V được sơn trên các phương tiện quân sự của Nga hoạt động ở Ukraine có thể được nhìn thấy dễ dàng và rõ ràng từ độ cao điển hình của các hoạt động vệ tinh. Ngay cả độ phân giải tối đa được cung cấp bởi các vệ tinh thương mại như Maxar và Planet cũng thường là khoảng 15 cm.

Tất nhiên, Lực lượng không gian của Nga cũng có một số lượng nhỏ vệ tinh radar, nhưng chúng kém NATO cả về số lượng và chất lượng.

Hệ thống định vị quan trọng nhất trên thế giới là Hệ thống Định vị Vệ tinh Toàn cầu của Hoa Kỳ, viết tắt là GPS. Đó là một hệ thống mở được sử dụng rộng rãi trong mọi thứ, từ điều hướng đến điện thoại thông minh. Nhưng vì hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ, Nga từ lâu đã tìm cách xây dựng giải pháp thay thế của riêng mình, cho ra đời mạng định vị vệ tinh GLONASS của Nga. Để nó hoạt động đầy đủ, cần có ít nhất 24 vệ tinh. Nga hiện chỉ có 23 vệ tinh được khai triển và một số vệ tinh trong số đó sắp hết tuổi thọ.

Bản cập nhật mạng GLONASS của Nga đã bị cản trở một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow về việc chiếm đóng Crimea vào năm 2014. 90% linh kiện điện tử cần thiết cho các vệ tinh GLONASS thế hệ tiếp theo được nhập khẩu. Những linh kiện này phải có khả năng chống lại hư hỏng do bức xạ không gian gây ra. Nga đã cố gắng thiết kế và sản xuất một vệ tinh thay thế trong nước, nhưng kết quả là vệ tinh đó vẫn nặng gấp đôi và vẫn chưa được đưa lên quỹ đạo.

Pavel Podvig, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho biết Nga cũng gặp vấn đề về xử lý dữ liệu. Ông nói, có vệ tinh là một chuyện, nhưng có thể sử dụng chúng hay không lại là chuyện khác. Bạn cần một hệ thống cho phép nhanh chóng truyền thông tin từ vệ tinh đến đúng người. Đến lượt mình, họ sẽ xử lý thông tin đó và truyền nó cho người thực thi, chẳng hạn như một đơn vị pháo binh.

Điều đó nói rằng, thực tế là dù Nga có một số vệ tinh vẫn còn trong quỹ đạo nhưng nó không phải là bằng chứng về sự tồn tại của một hệ thống tình báo hiệu quả. Ít nhất, trong cuộc chiến với Ukraine, không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã giải quyết thành công những vấn đề này. Thay vào đó, Moscow phải chuyển sự chú ý sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Vào ngày 26/1, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: Một công ty Trung Quốc có tên Spacety China đã cung cấp cho Terra Tech có trụ sở tại Nga hình ảnh vệ tinh Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) của Ukraine để hỗ trợ Tập đoàn Wagner chiến đấu ở Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với công ty con của công ty Trung Quốc có trụ sở tại Luxembourg.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố rằng: Các biện pháp trừng phạt mới sẽ cản trở hơn nữa khả năng trang bị bộ máy chiến tranh của Điện Kremlin và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về Nga và các hành vi liên quan khác.

Một báo cáo 6 tháng trước đã chỉ ra rằng "mạng lưới tàng hình" của CIA là chìa khóa của cuộc chiến, đề cập rằng Hoa Kỳ đã thiết lập một mạng lưới tàng hình bao gồm các biệt kích và nhân viên tình báo ở Ukraine để cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện. Các dấu hiệu về sự hỗ trợ bí mật về hậu cần, đào tạo và tình báo của họ đã xuất hiện trên chiến trường, và không có gì bí mật khi phương Tây chưa bao giờ che giấu sự ủng hộ của mình đối với cuộc kháng chiến của Ukraine.

Vào ngày 15/11/2021, Moscow phá hủy một vệ tinh do thám của Liên Xô cũ không còn hữu dụng bằng tên lửa, tạo ra hàng nghìn mảnh rác vũ trụ. Nga đã đe dọa rằng nếu NATO vượt qua ranh giới đỏ, họ sẽ phá hủy 32 vệ tinh của NATO bằng tên lửa chống vệ tinh (ASAT), nhằm làm mù tất cả các tên lửa, máy bay, tàu và bộ binh của NATO.

Giờ đây, lời đe dọa đó đã biến thành một lời phàn nàn đầy sợ hãi từ Dmitri Peskov. Nga đã không dám nhắm mục tiêu và tiêu diệt vệ tinh hoặc máy bay giám sát bên ngoài Ukraine. Bởi thế các cơ sở tình báo của NATO này đang đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Và rất có thể, đây chính là lý do thực sự dẫn đến thất bại của quân đội Nga.

Viên Minh

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh do thám và vũ khí tầm xa của NATO khoét vào yếu huyệt quân Nga