Vì cứu người mà chịu ô danh, rốt cuộc là vì điều gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế gian có không ít người làm việc thiện, nhưng người hành thiện một cách âm thầm lặng lẽ lại không nhiều. Lại có người chỉ vì làm việc tốt mà chấp nhận bị ô danh, ngay cả một lời thanh minh cũng không thể nói. Những người như vậy như vàng trong cát, làm cảm động cả Thượng Thiên.

Ở vùng Thường Châu (nay là phía nam tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), có vị quan Án sát sứ tên là Ngụy Liêm Phóng. Cha của ông là một danh y không chỉ có phẩm đức cao thượng, y thuật cao siêu, mà còn yêu thích làm việc thiện, hơn nữa lại nhân ái khoan hòa, quả không hổ danh là “lương y như từ mẫu”. Những bệnh nhân đến thăm khám, bất kể giàu sang hay nghèo hèn, ông đều tận tâm chữa trị, không cầu đối phương phải báo đáp. Thậm chí với những bệnh nhân có gia cảnh bần hàn, ông còn cấp thuốc men và tặng họ một món tiền giúp đỡ.

Với những thôn dân từ miền quê xa xôi đến tìm Ngụy lão tiên sinh để chữa bệnh, ông thường mời họ ăn bát cháo hoặc miếng bánh, rồi lại đợi họ dùng bữa xong mới tiến hành bắt mạch. Có người hỏi Ngụy lão tiên sinh rằng vì sao ông lại chu đáo đến vậy? Ông nói: “Họ đã lặn lội từ xa đến, miệng khô bụng đói hẳn là huyết mạch sẽ rối loạn. Tôi mời họ ăn chút gì đó để họ có thời gian nghỉ ngơi, mà mạch tượng cũng hồi phục lại bình thường, như thế việc chẩn mạch mới chính xác được. Đó chỉ là chút việc cỏn con, sao gọi là hành thiện được?”

Một lần, có gia đình nọ mời Ngụy lão tiên sinh tới khám bệnh. Ngụy lão tiên sinh vừa rời đi, người nhà bệnh nhân liền phát hiện mười lạng bạc để bên cạnh gối bệnh nhân đã không cánh mà bay. Con trai người bệnh nghi ngờ ông Ngụy “tiện tay dắt dê”, nhưng lại không dám hỏi, chỉ đành thì thầm to nhỏ với người khác. Có người chỉ cách cho anh ta, đến trước cửa nhà họ Ngụy cầm hương quỳ bái, thể nào cũng lấy được bạc về.

Ngụy lão tiên sinh thấy anh ta cầm hương quỳ trước cửa thì vô cùng kinh ngạc, liền hỏi: “Cậu sao thế, đã xảy ra chuyện gì à?”

Anh ta đáp: “Thưa lão tiên sinh, tôi có chuyện muốn hỏi ngài, nhưng lại sợ ngài trách cứ nên không dám mở lời”.

Ngụy lão tiên sinh nói: “Cậu cứ nói đi, tôi sẽ không trách đâu”. Sau đó, anh ta kể lại chuyện mất bạc.

Ngụy lão tiên sinh mời anh ta vào trong mật thất và nói: “Đích xác có chuyện này. Ta có việc gấp nên tạm thời mượn chỗ ngân lượng ấy, ta vẫn định chờ đến giờ tái khám ngày mai sẽ trả lại. Nhưng giờ thì cậu cũng ở đây rồi, vậy ta có thể lập tức trả lại, nhưng mong cậu đừng kể lại chuyện này cho người ngoài biết”.

Sau đó, Ngụy lão tiên sinh liền lấy ra mười lạng bạc đưa cho đối phương.

Hàng xóm láng giềng thấy người này cầm hương đến trước cửa nhà họ Ngụy, ai nấy đều nói rằng xưa nay lão tiên sinh luôn thận trọng trong mọi việc, yêu cầu bản thân rất nghiêm khắc, không nên nghĩ oan cho ngài. Nhưng sau đó thấy người này cầm bạc trở về, họ đều thất vọng thở dài mà rằng: “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người? Nhân tâm thật là khôn lường, không ngờ đã đến bước này rồi!”.

Người ta rì rầm xôn xao đồn thổi, dần dần những lời phỉ báng lan truyền khắp nơi.

Lời truyền đến tai Ngụy lão tiên sinh, nhưng ông hoàn toàn không để tâm mà vẫn ung dung bình thản như chưa hề có gì xảy ra. Chẳng bao lâu, bệnh nhân cũng hồi phục, hai cha con liền sắp xếp lại chăn màn giường chiếu, đến lúc này họ mới phát hiện số ngân lượng thất lạc nằm ở dưới đệm. Họ hối hận nói: “Trời ơi, thì ra cha con ta đã nghi oan cho tiên sinh rồi, phải mau mau công khai trả lại bạc, không thể để lão tiên sinh phải chịu tiếng oan mãi thế được”.

Hai cha con vội vàng đến nhà họ Ngụy, họ cùng cầm hương quỳ trước cửa. Ngụy lão tiên sinh nhìn thấy liền hỏi: “Hôm nay là vì chuyện gì vậy?”

Cậu con trai ngượng ngùng nói: “Trước kia tôi đã nghi oan cho tiên sinh, không ngờ số bạc ấy vẫn ở trong nhà chứ chưa hề bị mất. Hôm nay chúng tôi đến trả lại số bạc cho ngài, mong ngài chiếu cố nhận cho. Kẻ tiểu tử này tội thật đáng chết, xin ngài cứ tùy ý đánh đòn trừng phạt”.

Ngụy lão tiên sinh đỡ họ dậy, ân cần nói: “Không sao mà, các vị bất tất phải lo lắng thế”.

Cậu con trai nói tiếp: “Trước kia tôi đã nói ra những lời sàm ngôn bất kính, quả là đã đắc tội với tiên sinh, tôi thực sự hổ thẹn không còn mặt mũi nào. Nay may được ngài khoan hồng đại lượng, tôi mạo muội xin hỏi: Vì sao ngài vẫn cam chịu bị bôi nhọ thanh danh mà vẫn không một lời thanh minh nào vậy?”

Ngụy lão tiên sinh chỉ cười xòa: “Lão gia đây là đồng môn với tôi, tôi biết lão gia xưa nay vẫn cần kiệm tích cóp. Khi ấy đúng vào lúc lão gia mắc trọng bệnh, nếu nghe tin số bạc trong nhà đã mất thì thể nào bệnh tình cũng trầm trọng thêm, thậm chí có thể nằm liệt giường mà không dậy nổi. Nhưng nếu biết rằng tiền đã lấy lại được, hẳn sẽ biến buồn thành vui, bệnh tự nhiên cũng thuyên giảm. Vì thế, tôi chỉ nhẫn chịu một chút mà lão gia được khỏi bệnh, thì chút rắc rối ấy có đáng kể gì?”

Hai cha con nghe xong cảm động không nói nên lời, chỉ quỳ xuống dập đầu mãi một hồi lâu. Lát sau người cha nói: “Cảm tạ đại ân đại đức của ngài, chỉ vì cứu sống tôi mà ngài không ngại để người ta phỉ báng… Tôi không biết lấy gì hậu tạ, nguyện kiếp sau làm trâu làm ngựa báo đáp ngài”.

Ngụy tiên sinh liền mời hai cha con vào trong nhà thiết đãi, cả ba người cùng vui vẻ uống rượu rồi mới cáo từ.

Những người chứng kiến câu chuyện này đều tấm tắc khen ngợi: “Việc làm của tiên sinh quả nhiên không phải là điều mà người bình thường có thể đoán biết được”.

Từ đó, ai cũng biết Ngụy lão tiên sinh đã chịu oan để cứu người, danh tiếng “Ngụy Thiện Nhân” cũng vang xa khắp nơi.

Sau này, con trai của Ngụy lão tiên sinh là Ngụy Liêm Phóng thi đỗ tiến sĩ, làm quan đến tam phẩm, nhậm chức Án sát sứ ở tỉnh nọ, nắm giữ quyền tư pháp. Ngụy lão tiên sinh đại thọ 80 và nhiều lần được thụ phong, các đời con cháu cũng có nhiều người hiển quý. “Hán Thư - Bính Cát truyện” có câu: “Hữu âm đức giả tất hưởng kỳ lạc dĩ cập tử tôn”, nghĩa là: Người có âm đức tất được hưởng phúc cho tới đời con cháu sau này. Thượng Thiên ban phúc cho người thiện, Thiên Đạo chứng nghiệm quả chẳng sai.

(Tài liệu tham khảo: “Tọa Hoa Chí Quả: quyển hạ 1”)

Theo Hoài Nhẫn Nhẫn
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì cứu người mà chịu ô danh, rốt cuộc là vì điều gì?