Vì sao Houthi dám bạo gan đối kháng hải quân Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi sự chú ý của thế giới tập trung cả vào cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza, thì một cuộc xung đột nhỏ hơn ở nơi khác tại Trung Đông đang dần leo thang. Các nhà quan sát quân sự lo ngại nó có thể phá vỡ nền kinh tế toàn cầu, hoặc thậm chí leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn nhấn chìm toàn bộ khu vực.

Chỉ mới đây thôi, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết 1 trận hải chiến khốc liệt vừa diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 2023, khi nhóm Houthi tấn công con tàu Maersk Hangzhou treo cờ Singapore. CENTCOM cho hay các trực thăng từ tàu sân bay USS Eisenhower và USS Gravely đã tham gia đẩy lùi cuộc tấn công sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ tàu Maersk.

Hải quân Mỹ tuyên bố: Các trực thăng của hải quân Mỹ đã bắn trả để tự vệ, đánh chìm 3 trong số 4 thuyền nhỏ và giết chết các thủy thủ đoàn của Houthi. Chiếc thuyền thứ tư đã rời khỏi khu vực.

Mỹ vừa phải thành lập cả một liên minh quốc tế sau những mối đe dọa từ một nhóm nổi dậy vũ trang với tuyến hàng hải huyết mạch qua biển Đỏ. Đó chính là Phiến quân Houthi, nhóm chiến binh Hồi giáo kiểm soát một phần lãnh thổ của Yemen. Vào giữa tháng 11, phiến quân Houthi bắt đầu tấn công các tàu container đi qua đoạn đầu phía nam của Biển Đỏ, đây được xem là tuyến đường thương mại quan trọng nối châu Á với châu Âu.

Quân đội Mỹ cho biết lực lượng Houthi này đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu chở hàng đi qua hành lang chật hẹp gần lãnh thổ của họ. Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn cho biết các cuộc tấn công này nhằm mục đích hỗ trợ phần tử khủng bố Hamas ở Palestine trong cuộc chiến chống lại Israel.

Vào ngày 28/12, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo chống hạm do phiến quân Houthi phóng ở Biển Đỏ và một chiếc máy bay không người lái của lực lượng này.

Sau các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố trên nền tảng X rằng: Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason (DDG 87) đã bắn hạ một máy bay không người lái và một tên lửa đạn đạo chống hạm do phần tử vũ trang Houthi phóng ở phía nam Biển Đỏ. Không có tổn thất nào đối với 18 tàu thuyền và nhân viên đi qua khu vực tại thời điểm đó. Đây là lần thứ 22 phiến quân Houthi cố gắng tấn công tàu hàng quốc tế kể từ ngày 19/10 đến nay.

Hai ngày trước sự kiện tấn công ngày 28/12, tàu khu trục USS Laboon và máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower đã bắn hạ 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất và 3 tên lửa đạn đạo chống hạm, cùng 12 máy bay không người lái tấn công. Ngày hôm đó, phần tử vũ trang Houthi đã tấn công quân đội Mỹ ở Biển Đỏ trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Patrick S. Ryder khi nói về các vụ tấn công ở Biển Đỏ trong tháng 12 đã cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tình hình ở Biển Đỏ một cách nghiêm túc, đây là điều không phải nghi ngờ. Chúng ta đã thấy những hành động gây bất ổn và nguy hiểm của phiến quân Houthi, đây rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn. Vậy nên, đây là vấn đề quốc tế và cần có giải pháp quốc tế”.

Là một phần của giải pháp quốc tế, ngày 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập Lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia Mới nhằm áp dụng các biện pháp giải quyết các mối đe dọa từ lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đối với các tàu thuyền khi đi ngang qua Biển Đỏ. Lực lượng đặc nhiệm Biển Đỏ do Lầu Năm Góc lãnh đạo, còn được gọi là Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, hoặc Liên minh Phòng thủ, lực lượng đặc nhiệm này gồm 10 quốc gia được thành lập để bảo vệ các tàu thương mại và quân sự trên các tuyến đường thủy quốc tế.

Tuy nhiên, dường như các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vẫn chưa có hồi kết. Ông Austin cho biết, điều quan trọng là phải hiểu rằng họ không chỉ tấn công một quốc gia, mà là toàn bộ xã hội quốc tế. Họ đang tấn công phúc lợi kinh tế và sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Do vậy, trên thực tế họ đã trở thành bè lũ cướp bóc dọc theo Biển Đỏ - vốn được xem là một trong những cung đường thương mại huyết mạch của thế giới.

Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” và các cuộc tấn công khủng bố đang diễn ra của nhóm vũ trang Houthi đã đặt ra câu hỏi về việc Hải quân Hoa Kỳ và các hạm đội đồng minh có thể làm gì để bảo vệ vận tải biển toàn cầu và những người đi biển khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của phiến quân Houthi.

Cho đến nay, các tàu khu trục và máy bay chiến đấu dựa trên tàu sân bay của Nhóm tấn công tàu sân bay Eisenhower chỉ dừng ở việc ngăn chặn tên lửa và máy bay không người lái của Houthi . Tuy nhiên, khả năng hoạt động của nhóm vũ trang này không hề bị hạn chế; cộng thêm vũ khí, đạn dược do Iran cung cấp đã khiến khả năng tấn công và mức độ nguy hiểm của họ ngày càng tăng.

Với tư cách là lực lượng ủy quyền của Iran, phần tử vũ trang Houthi đang sử dụng một số lượng lớn tên lửa hành trình của Iran, một số trong đó có tầm bắn có thể lên tới hàng nghìn km. Ví dụ, tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất Soumar của Iran có tầm bắn tối đa 700 km. Vào tháng 2 năm 2019, Iran đã phóng một biến thể của Soumar, tên lửa hành trình có tên Hoveyzeh với tầm bắn lên tới 1.350 km.

Tên lửa đạn đạo của Iran cũng đáng lo ngại, nhưng chúng khó có khả năng theo dõi và tấn công các tàu đang di chuyển trên biển. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran có thể mang đầu đạn nặng 1.000 kg và có tầm bắn ít nhất 1.300 km. Còn tên lửa đạn đạo Khorramshahr thế hệ thứ 4 có khả năng đe dọa lớn hơn, nó được cho là sử dụng nhiên liệu lỏng và có thể mang đầu đạn nặng 1.800 kg với tầm bắn từ 2.000 đến 3.000 km. Những tên lửa này có thể được lực lượng Houthi phóng đi, và cũng có thể tấn công trực tiếp vào Israel từ nhiều địa điểm trên lãnh thổ Iran. Iran cũng có tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình như tên lửa Emad và tên lửa Paveh có tầm bắn hơn 1.600 km.

Mặc dù tàu chiến Mỹ đã tiêu diệt thành công hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái cỡ nhỏ do phần tử Houthi phóng đi, nhưng những tên lửa cỡ lớn được phóng cùng một lúc, hoặc các cuộc tấn công bất ngờ của phiến quân Houthi vẫn có thể đưa đến nguy hiểm. Nếu hạm đội Mỹ không đáp trả thành công cuộc tấn công của Houthi trên một khu vực chiến đấu rộng hơn, lực lượng này có thể sử dụng một loạt tên lửa quy mô lớn phóng cùng thời điểm để leo thang xung đột ngay lập tức, kết quả của nó có thể khiến các tàu buôn, hoặc thậm chí cả hạm đội Mỹ rơi vào nguy hiểm.

Bởi các cuộc tấn công mang tính thù địch của lực lượng Houthi ngày càng gia tăng, nên mối nguy hiểm này là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, Hải quân Mỹ có khả năng ngăn chặn những mối nguy hiểm này gây ra tác hại thực sự. Lực lượng Houthi thực hiện vụ phóng tên lửa, thì Hệ thống Aegis, tình báo vệ tinh, giám sát và trinh sát cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến trường chung thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có thể phát hiện mối nguy hiểm ngay trong giai đoạn đầu, và đánh chặn nó.

Kể từ khi chiến tranh giữa Israel và Hamas bùng nổ, chính quyền Iran và lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã tiến hành hơn 33 cuộc tấn công trên biển, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu thương mại, thu giữ bất hợp pháp và quấy rối tàu thuyền của Hải quân Mỹ và các lực lượng liên minh ở vùng biển Trung Đông. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Do Thái tại Hoa Kỳ (JINSA), chỉ riêng trong tháng 12 đã có khoảng 27 vụ tấn công hàng hải liên quan đến Iran. Vũ trang Houthi và các nhà tài trợ Tehran của họ không chỉ tìm cách gia tăng áp lực lên Israel, mà còn thực sự gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc tấn công này đã có tác động đến kinh tế, khi một số tàu thuyền đã tránh né các tuyến đường gần hơn ở vùng biển Trung Đông, và thay vào đó đi vòng qua châu Phi với tuyến đường dài hơn và chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ chỉ cam kết tiếp tục đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái với sự hỗ trợ của hải quân các nước đồng minh. Hoa Kỳ vẫn chưa thực sự bắt đầu thực hiện các cuộc phản công thực chất chống lại sự xâm lược trên biển của Iran và lực lượng vũ trang Houthi ở vùng biển Trung Đông, mà chỉ thực hiện các biện pháp phòng thủ trước các cuộc tấn công leo thang do Iran hỗ trợ. Ở một mức độ nhất định, điều này tương đương với việc khuyến khích Iran và lực lượng vũ trang Houthi tiếp tục các cuộc tấn công.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đòi hỏi Hoa Kỳ phải đưa ra hành động để buộc chính quyền Iran và nhóm vũ trang Houthi phải chịu trách nhiệm về những hậu quả trực tiếp từ hành động gây hấn của họ. “Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng” là một bước quan trọng trong việc tổ chức các nỗ lực phối hợp của các đối tác nhằm ngăn chặn và chống lại hành vi xâm lược hàng hải do Iran hậu thuẫn. Các quốc gia đã công khai tuyên bố tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Liên minh lỏng lẻo này sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lực lượng Đặc nhiệm 153 của Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp (CMF) do Mỹ đứng đầu, chịu trách nhiệm về an ninh Biển Đỏ.

Tư lệnh cấp cao của Hải quân Mỹ đóng trú ở Trung Đông cho rằng, để ngăn chặn nhóm vũ trang Houthi tiến hành các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, Mỹ cần chuyển từ phòng thủ sang tấn công, thay vì chỉ thực hiện các biện pháp phòng thủ thụ động; bây giờ là lúc Hoa Kỳ cần có những hành động cụ thể. Nếu muốn ngăn chặn và làm suy yếu khả năng thực hiện các cuộc tấn công này của Iran và nhóm vũ trang Houthi, thì cần phải thực hiện các cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ và bền vững nhằm vào các căn cứ của lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen, các khẩu đội phóng tên lửa, và thậm chí cả các tài sản liên quan ở Iran. Từ đó đạt được mục đích ngăn cản tổ chức này và các lực lượng ủy nhiệm khác được Iran hậu thuẫn cho việc mở rộng xung đột.

Mỹ chắc chắn có khả năng phá hủy các bãi phóng tên lửa của Houthi. Mỹ đã tiêu diệt ba mục tiêu của lực lượng vũ trang Houthi trong cuộc đối đầu năm 2016 và đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran trong những năm gần đây, bao gồm cả các cuộc tấn công nhắm vào nhóm dân quân Iraq trong thời gian qua.

Bất kể thế nào, Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ (NAVCENT) có thể ngay lập tức triển khai hành động sử dụng Lực lượng hàng hải chung và các lực lượng đặc nhiệm khác trong Cơ cấu An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC). Lực lượng Hàng hải chung và Cơ cấu An ninh Hàng hải Quốc tế đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm tập trung vào việc loại bỏ các mối đe dọa đối với vận tải biển quốc tế trên các tuyến đường thủy ở Trung Đông. Có thể thông qua sự phối hợp của Hải quân Hoa Kỳ, liên hợp cùng các đồng minh để thực hiện hành động quyết đoán và phối hợp hơn nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ những mối đe dọa này.

Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Houthi dám bạo gan đối kháng hải quân Mỹ?