Vì sao người Đức thường chiếm một nửa giải Nobel? Hãy xem trẻ em ở Đức học gì từ 0-6 tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thế kỷ 20, nước Đức đã giành được một nửa số giải thưởng Nobel của thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Người Đức nổi tiếng là thông minh, tỉ mỉ và cẩn thận. Có được kết quả đáng ngưỡng mộ như vậy không thể không kể đến nền giáo dục tiên tiến của người Đức!

Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ phát triển nhanh chóng về thể chất và chỉ số IQ của trẻ. Người Đức đã làm thế nào để có thể bồi dưỡng ra nhiều người đoạt giải Nobel như vậy?

1. "Chơi" là nhiệm vụ quan trọng nhất

Trường mẫu giáo của Đức rất đặc biệt, trường mẫu giáo ở đây không có cấp bậc rõ ràng, thông thường là hỗn hợp giữa các độ tuổi khác nhau. Một số trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo từ 2-3 tuổi.

Mỗi ngày sau khi đến trường mẫu giáo, trẻ sẽ tự chơi, chúng sẽ tìm những người bạn chúng thích chơi cùng, chúng cũng tự chọn đồ chơi mình yêu thích. Bởi vì đối với trẻ nhỏ, "chơi" là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Có lúc, giáo viên sẽ dẫn trẻ đến những địa điểm khác nhau để tham quan như: Tiệm mỳ, trại trẻ mồ côi, đồn cảnh sát, thậm chí là nhà tang lễ,... giáo viên sẽ mời những người tại địa điểm đó trở thành 'hướng dẫn viên', từ đó giúp trẻ có thêm những kiến thức về những nơi chúng tham quan.

Điều quan trọng nhất chính là, sách giáo khoa ở mỗi trường mẫu giáo là do giáo viên tự quyết định, chứ không phải là quy định thống nhất của hệ thống Giáo dục.

2. Trẻ không có nhiệm vụ đọc viết, không có bài tập về nhà

Trường mẫu giáo Đức quy định rằng không giao bài tập về nhà cho trẻ cũng như các nhiệm vụ đọc viết, do vậy các trường mẫu giáo ở Đức không nghe thấy tiếng đọc sách, cũng không nhìn thấy trẻ em làm bài tập về nhà sau giờ học.

Người Đức cho rằng, phát triển trí lực của trẻ quá sớm sẽ gây tổn hại đến hứng thú học tập của trẻ, do vậy, người Đức sẵn sàng cho trẻ đi học muộn vài năm.

3. Cách thích nghi với trường mẫu giáo rất đặc biệt

Người mẹ được phép đến trường mẫu giáo cùng con trước buổi nhập học 3-4 ngày, người mẹ sẽ ở bên cạnh chơi và nói chuyện cùng con.

Đến ngày thứ 4, người mẹ sẽ nói với con rằng: "Mẹ không thể lúc nào cũng ở đây với con", từ đó giúp chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Đến ngày thứ 5, mẹ đến trường chơi với con 1 tiếng rồi ra về. Như vậy, cha mẹ sẽ giúp trẻ giảm thiểu tâm lý lo lắng khi đi học.

4. Bồi dưỡng năng lực tự chủ cho trẻ

Trong tình huống thông thường, sau 2 tuổi trẻ thường có mong muốn tự chủ động mọi việc.

Người Đức sẽ cho trẻ tự dùng thìa để ăn cơm, họ không sợ con sẽ ăn không no, cũng không sợ con bị vấy bẩn khi ăn, bởi vì họ luôn kiên trì tâm niệm: Ăn như thế nào là do trẻ tự quyết định.

5. Bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho trẻ

Các bà mẹ Đức không bao giờ đẩy trách nhiệm của bản thân cho người khác, tất nhiên, họ sẽ giáo dục con cái của mình bồi dưỡng ý thức trách nhiệm.

Khi trẻ không cẩn thận va phải người khác, trẻ cần phải tự mình xin lỗi; khi trẻ chơi đồ chơi, chơi xong cũng phải tự mình thu dọn.

Hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm về việc mình đã làm, dù là việc tốt hay xấu, trẻ cũng cần tự bản thân gánh chịu kết quả. Hy vọng rằng, trẻ sẽ có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ và biết cách chăm sóc người khác, thay vì luôn được người khác chăm sóc.

6. Bồi dưỡng phẩm cách kiên trì, không nản lòng trước khó khăn

Theo quan điểm của các gia đình Đức: "Con không thất bại, chỉ là con tạm thời chưa thành công". Do vậy, trẻ em Đức ngay từ nhỏ đã hiểu đạo lý này.

Trong khi đó, người mẹ Trung Quốc lại an ủi con: "Mặc dù con thất bại, chưa có được thành công, nhưng con đã nỗ lực rồi".

Mặc dù chỉ là một câu nói, nhưng quan điểm giáo dục mang lại cho đứa trẻ lại khác nhau, từ đó ảnh hưởng cũng khác biệt.

7. Tôn trọng sự lựa chọn của trẻ

Nhiều bà mẹ cho rằng, việc trẻ học cách chia sẻ là quan trọng nhất, khi trẻ nhận được thứ gì thì nên học cách chia sẻ. Nhưng trong mắt các bà mẹ Đức thì chỉ có "Ai lấy đầu tiên thì người đó chơi, những bạn nhỏ khác cũng cần học cách chờ đợi", đây là hành vi thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ và đề cao nhân cách độc lập của trẻ.

Bởi vì một mặt là để bồi dưỡng sự tự tôn và sự tự tin cho trẻ, một mặt khác là truyền tải đến trẻ một thông điệp: "Con nỗ lực thì điều con đạt được trước tiên chính là của con, người khác có muốn lấy cũng không được”. Do vậy, trẻ em Đức sẽ được dạy dỗ về việc nỗ lực để đạt mục tiêu cho mình.

8. Bồi dưỡng thói quen đọc sách lành mạnh

Sách có thể mở ra một thế giới mới cho trẻ, bởi vậy mà người Đức rất yêu thích việc đọc. Sách không chỉ mang lại kiến thức mà còn đem lại cho chúng ta thế giới cảm xúc tinh thần phong phú.

Các bậc cha mẹ Đức sẽ nói với con rằng, sách chính là nguồn sống. Vì vậy, bồi dưỡng thói quen đọc sách lành mạnh có thể giúp trẻ thành công hơn.

9. Phát triển các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống

Trẻ em Đức có năng lực tự chăm sóc cho bản thân rất tốt, nguyên do là ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã được giáo viên mầm non dạy cho cách tự mình thu xếp đồ đạc, lựa chọn và phối quần áo với nhau, tự học cách lên kế hoạch vui chơi và nghỉ ngơi,...

Các giáo viên còn giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề trong những tình huống khó khăn, ví như gọi cảnh sát, gọi đội cứu hỏa khi xảy ra sự cố. Khi trẻ đến độ tuổi thứ 6, chúng đã có những khả năng tự chăm sóc bản thân!

Mỗi quốc gia đều có những cách giáo dục khác nhau, mỗi cách giáo dục lại có những ưu thế riêng. Nền giáo dục Đức có nhiều ưu điểm đáng để chúng ta học hỏi, nhưng chúng ta cũng không thể mù quáng chạy theo.

Các bậc cha mẹ có thể đọc và tham khảo, từ đó rút ra những bài học và kinh nghiệm phù hợp với con mình, từ đó giúp con tự tin và trưởng thành tốt hơn.

Theo Hạ Vũ Hà - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người Đức thường chiếm một nửa giải Nobel? Hãy xem trẻ em ở Đức học gì từ 0-6 tuổi