Vì sao tiếng Anh lại sử dụng từ “Thượng Hải” để chỉ một loại tội phạm

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Shanghaiing” là một thuật ngữ tiếng Anh, dùng để chỉ hành vi bắt cóc hoặc cưỡng ép người khác làm thủy thủ, có thể bằng các thủ đoạn như lừa ký văn tự, đe dọa hoặc bạo lực. Những người tham gia vào hình thức bắt cóc này được coi là tội phạm.

Thực tế hải quân của nhiều nước châu Âu đã từng dùng cách tuyển dụng cưỡng bức, đặc biệt là Hải quân Hoàng gia Anh trong Thời đại Thuyền buồm (từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19).

Bắt cóc thủy thủ

Động từ “shanghai” (Thượng Hải) được sử dụng với nghĩa “bắt cóc đi làm thủy thủ” vào khoảng thập niên 1850, khả năng cao bởi vì Thượng Hải là điểm đến phổ biến của các con tàu có thủy thủ đoàn là người bị cưỡng ép. Kể từ đó, thuật ngữ này đã được mở rộng thành nghĩa là "bị bắt cóc" hoặc "bị lừa hoặc ép buộc làm điều gì đó".

Cảnh bắt cóc thủy thủ từ bộ phim “Shanghaied” (1915) của vua hề Charlie Chaplin.

“Bắt cóc thủy thủ” phát triển mạnh ở các thành phố cảng như London và Liverpool ở Anh, cũng như San Francisco, Portland , Astoria, Seattle, Savannah và Port Townsend ở Hoa Kỳ.

Ở Bờ Tây Hoa Kỳ, Portland đã vượt qua San Francisco để trở thành thủ phủ bắt cóc thủy thủ. Thậm chí đến ngày nay, ở Portland còn lưu giữ một hệ thống địa đạo được gọi là “Đường hầm Thượng Hải” (“Shanghai tunnels”) - chạy bên dưới Khu phố Tàu cổ và kết nối với các địa điểm giao thương quan trọng.

Đường hầm Thượng Hải ở Portland. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Ở Bờ Đông Hoa Kỳ, New York xảy ra nhiều vụ phạm tội nhất, tiếp theo là Boston, Philadelphia và Baltimore.

Sự lan rộng của việc bắt cóc thủy thủ là kết quả của kẽ hở luật pháp, điều kiện kinh tế và sự thiếu hụt các thủy thủ có kinh nghiệm ở Anh và Bờ Tây Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19.

Đầu tiên, khi một thủy thủ người Mỹ ký tên lên tàu cho một chuyến đi, thì việc anh ta rời tàu trước khi chuyến đi kết thúc là bất hợp pháp. Hình phạt là bị bỏ tù, đây kết quả của luật liên bang ban hành năm 1790.

Thứ hai, tội phạm được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao trên các con tàu ở Bờ Tây. Với việc các thủy thủ đoàn bỏ tàu hàng loạt vì Cơn sốt vàng California, thì việc có một người khỏe mạnh trên tàu là cả một kho báu.

Nhờ việc bắt cóc và cưỡng ép thủy thủ mà đến năm 1886, San Francisco đã vượt qua New Bedford, Massachusetts để trở thành cảng săn cá voi hàng đầu của Hoa Kỳ .

Cuối cùng, các tay quản tàu (boarding masters) đã tích cực thực hiện hành vi này. Quản tàu là người có nhiệm vụ tìm kiếm thủy thủ đoàn cho các con tàu. Các quản tàu được trả công "tính theo đầu người", khiến họ có động lực mạnh mẽ để đưa càng nhiều thủy thủ lên tàu càng tốt. Khoản tiền này được gọi là "tiền máu" và là một trong những nguồn doanh thu dễ kiếm. Những yếu tố này tạo tiền đề cho sự bắt cóc: quản tàu sử dụng mánh khóe, đe dọa hoặc bạo lực để đưa một thủy thủ lên tàu.

Phương pháp đơn giản nhất để bắt cóc thủy thủ là khiến người đó bất tỉnh, giả mạo chữ ký của người đó trên các vật phẩm của con tàu và lấy "tiền máu". Thủ đoạn này đã được sử dụng rộng rãi, nhưng cũng có nhiều cách khác tiện lợi hơn.

Trong một số tình huống, quản tàu có thể nhận được hai, ba hoặc bốn tháng lương đầu tiên của một người mà ông ta đưa đến. Các thủy thủ có thể nhận trước tiền lương của họ cho chuyến đi sắp tới để cho phép họ mua quần áo và thiết bị, nhưng khoản tạm ứng này không được trả trực tiếp cho thủy thủ vì anh ta có thể bỏ trốn với số tiền đó. Thay vào đó, những người ta sẽ đưa cho quản tàu. Quản tàu có thể bổ sung thu nhập của mình bằng cách cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thủy thủ với giá cao ngất ngưởng, đồng thời trả lương thông qua thuyền trưởng của thủy thủ đoàn.

Một số tay bắt cóc kiếm được tới 9.500 đô la mỗi năm (tương đương 310.000 đô la thời nay). Ngoài ra các tay bắt cóc cũng tìm cách định vị tốt về mặt chính trị để bảo vệ ngành thương mại béo bở của họ.

Những tay bắt cóc khét tiếng

James "Shanghai" Kelly ở San Francisco, và Joseph "Bunko" Kelly ở Portland là hai nhân vật điển hình của tội phạm bắt cóc thủy thủ. Có vô số câu chuyện về sự xảo quyệt của họ, và một số đã được in thành sách.

James Kelly, được biết đến nhiều hơn với cái tên "Shanghai" Kelly, là một kẻ tội phạm người Mỹ, chuyên bắt cóc thủy thủ vào thế kỷ 19. Kelly có bộ râu đỏ và tính tình nóng nảy. Là một nhân vật huyền thoại trong lịch sử San Francisco, Kelly được biết đến với tài năng cung cấp hoặc vận chuyển người cho những con tàu thiếu nhân viên.

James Kelly có một nhà trọ lớn ở San Francisco. Ông ta cũng điều hành một số quán bar, quán rượu và nhà trọ nằm ở gần bờ sông hoặc nút giao thông tấp nập. Những nơi này đã cung cấp cho Kelly một nguồn nạn nhân ổn định.

Vào đầu những năm 1870, James Kelly được cho là đã giao 100 người cho ba con tàu thiếu nhân lực chỉ trong một buổi tối. Ông ta thuê một chiếc tàu hơi nước có mái chèo mang tên Goliath, sau đó thông báo rằng đang trên tàu đang tổ chức một chuyến du ngoạn uống rượu miễn phí để kỷ niệm "sinh nhật" của mình, đồng thời gửi lời "cảm ơn" tới những bạn đồng hành đã giúp đỡ trong suốt nhiều năm qua.

Sau khi rời cảng, những người pha chế đã phục vụ rượu whisky pha thuốc phiện cho những vị khách, sau đó đưa họ xuống những con tàu đang chờ sẵn. Mối lo lớn nhất của ông ta - giải thích thế nào về việc con tàu trở về vắng khách, nhất là khi nó đã thu hút sự chú ý của nhiều người - đã được giải quyết một cách may mắn, khi ông ta thấy con tàu Yankee Blade va phải đá và đang chìm. Sau khi giải cứu, đưa tất cả mọi người bị nạn lên tàu của mình, ông ta chỉ đơn giản là tiếp tục lễ kỷ niệm, và những người trên bờ đã hoàn toàn không để ý hay nghi ngờ gì khi con tàu của ông ta trở lại.

Chân dung Joseph "Bunko" Kelly. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Joseph "Bunko" Kelly là một chủ khách sạn ở thế kỷ 19, được biết đến với nguồn gốc Anh quốc. Theo lời kể của chính ông ta, ông ta đã bắt cóc khoảng 2.000 đàn ông và phụ nữ trong suốt 15 năm sự nghiệp của mình, vốn bắt đầu từ năm 1879.

Joseph Kelly, sau này được gọi là “Vua bắt cóc thủy thủ", đã nhận được biệt danh "Bunko" (“Tay lừa đảo”) vào năm 1885 bằng cách giao một thủy thủ nhưng hóa ra lại là một bức tượng người da đỏ. Kelly đã kiếm được 50 đô la trong phi vụ này.

Một phi vụ khét tiếng khác vào năm 1893, ông ta gặp một vụ tai nạn khi 22 người tưởng nhầm hầm mở nhà xác là hầm rượu và đã uống dung dịch ướp xác ở đó. Ông ta đã gom và bán tất cả những người này (hầu hết đều đã chết) cho một thuyền trưởng - người đã vội vàng ra khơi trước khi kịp phát hiện sự thật. Joseph Kelly nhận được 52 đô la cho mỗi người ông ta bán.

Một lần, ông ta đã lập kỷ lục về bắt cóc khi thu thập được 50 người trong vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ.

Joseph Kelly chưa bao giờ bị bắt vì hành vi bắt cóc thủy thủ không phải là bất hợp pháp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông ta đã bị bắt vì tội giết người vào năm 1894. Ông bị kết án vào tháng 3 năm 1895 và bị đưa đến Nhà tù Bang Oregon ở Salem, Oregon. Ông ta được trả tự do vào năm 1908. Sau đó, ông ta viết một cuốn sách có tựa đề “Mười ba năm ở trại giam Oregon”. Dữ liệu trong hồ sơ điều tra dân số cho thấy ông ta sinh ra ở Connecticut, không phải Vương quốc Anh như mọi người vẫn tưởng.

Sau khi cuốn sách của mình được xuất bản, ông ta lên đường tới California và không bao giờ quay trở lại.

Chấm dứt nạn tội phạm

Nhu cầu về nhân lực để giữ cho các con tàu đi đến những vùng đất xa xôi như Alaska và Klondike tiếp tục tạo ra động lực tội phạm vào đầu thế kỷ 20, nhưng thực tế cuối cùng đã bị chấm dứt bởi một loạt cải cách lập pháp kéo dài gần 50 năm.

Trước năm 1865, luật lao động hàng hải chủ yếu chỉ áp dụng với những gì xảy ra trên tàu. Tuy nhiên, sau năm 1865, điều này bắt đầu thay đổi. Năm 1868, Bang New York bắt đầu xóa sổ bớt các nhà trọ thủy thủ. Họ giảm số lượng từ 169 vào năm 1863 xuống còn 90 vào năm 1872. Sau đó, vào năm 1871, Quốc hội đã thông qua luật thu hồi giấy phép của các sĩ quan phạm tội ngược đãi thủy thủ.

Năm 1872, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Ủy viên Vận chuyển để chống lại các vụ ép buộc. Theo đạo luật này, một thủy thủ phải ghi tên vào một con tàu với sự có mặt của một ủy viên vận chuyển liên bang. Sự hiện diện của một ủy viên vận chuyển nhằm đảm bảo thủy thủ không bị "cưỡng bức hoặc vô tình ký kết bởi một tay mánh khóe".

Năm 1884, Đạo luật Dingley có hiệu lực. Luật này cấm việc các thủy thủ tạm ứng tiền lương. Nó cũng hạn chế việc phân chia tài sản của thủy thủ mà chỉ những người họ hàng thân thiết mới được phép. Tuy nhiên, các tay bắt cóc đã chiến đấu trở lại. Năm 1886, họ đã lách qua kẽ hở của Đạo luật Dingley, cho phép những người trông coi nhà trọ nhận tiền phân bổ của các thủy thủ.

Việc áp dụng rộng rãi các tàu chạy bằng hơi nước trong thương mại dịch vụ hàng hải trên thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã thay đổi hoàn toàn tính kinh tế của việc đi biển. Không còn những cột buồm với hàng trăm mét vải bạt để cuộn vào và trải ra nữa, nhu cầu về lao động phổ thông giảm đi đáng kể. Vụ đắm tàu Titanic, sau đó là sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất (khiến biển cả trở thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều do mối đe dọa bị tàu ngầm tấn công), đã đặt dấu chấm hết cho loại tội phạm này. Năm 1915, Andrew Furuseth và Thượng nghị sĩ Robert M. La Follette đã thông qua Đạo luật Thủy thủ quy định việc bắt cóc thủy thủ là một tội phạm liên bang và cuối cùng chấm dứt nó.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao tiếng Anh lại sử dụng từ “Thượng Hải” để chỉ một loại tội phạm