Vương quốc Anh chưa 'mạnh tay' trong đối phó với gián điệp và can thiệp từ Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Vương quốc Anh đã không kịp thời hành động để xử lý các rủi ro do Bắc Kinh gây ra, và các phản ứng của Anh là “hoàn toàn chưa thỏa đáng”, theo một báo cáo.

Báo cáo - dài 222 trang, do Ủy ban Tình báo và An ninh (ISC) của Nghị viện Anh công bố - cho biết Trung Quốc đã công khai “thâm nhập mọi lĩnh vực của nền kinh tế Anh” thông qua mua bán, sáp nhập các công ty và gây dựng mối quan hệ với giới học thuật và các ngành công nghiệp của Anh.

Báo cáo cũng cho biết Vương quốc Anh nằm trong danh sách các mục tiêu gián điệp và can thiệp của Bắc Kinh, do ảnh hưởng trên toàn cầu của Anh và mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ.

Báo cáo đã gay gắt chỉ trích chính phủ và các cơ quan an ninh Anh vì họ đã “thất bại nghiêm trọng” trong việc bảo vệ tài sản của Vương quốc Anh và đã cẩu thả trong việc xử lý các hoạt động can thiệp của Trung Quốc vào Anh.

Theo báo cáo, cách tiếp cận của chính phủ Anh đối với mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là chưa quyết liệt, chưa tập trung nguồn lực, không nhất quán và thiển cận.

Thủ tướng Rishi Sunak cho biết chính phủ của ông sẽ xem xét các khuyến nghị từ Ủy ban Tình báo và An ninh (ISC), đồng thời sẽ phản hồi đầy đủ “trong thời gian thích hợp”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, báo cáo này không có tính cập nhật vì chính phủ Anh đã hành động kể từ năm 2020 - thời điểm xảy ra nhiều vụ việc mà ISC nêu trong báo cáo làm bằng chứng.

Các thành viên ISC đã bác bỏ ý kiến cho rằng bản báo cáo là lỗi thời.

Chủ tịch ISC, ông Julian Lewis, nói trong một cuộc họp báo rằng ủy ban phải có mốc thời gian giới hạn trong công tác thu thập bằng chứng. Ông nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không liên tục đối thoại và nhận báo cáo hàng quý, chẳng hạn như báo cáo từ tất cả các cơ quan tình báo phụ trách tất cả những vấn đề này".

Ông Tom Tugendhat - Bộ trưởng An ninh, người từng lên tiếng chỉ trích chính sách Trung Quốc của chính phủ Anh trước khi trở thành bộ trưởng vào năm ngoái - khẳng định rằng Vương quốc Anh đã “tỉnh giấc đúng lúc” trước mối đe dọa từ ĐCSTQ.

Ông Tugendhat nói với các đài truyền hình rằng ông đã nêu ra “những vấn đề tương tự” khi còn là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, và rằng báo cáo của ISC là “quan trọng” và cần được xem xét nghiêm túc.

Trong báo cáo, ISC nói rằng chính quyền Trung Quốc nhìn nhận Vương quốc Anh dưới lăng kính là Bắc Kinh đang đối đầu với Washington. Điều này, kết hợp với tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong các cơ quan quốc tế quan trọng, đồng thời Anh được coi là quốc gia có tiếng nói trên trường quốc tế, đã đặt Vương quốc Anh gần như trở thành “một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc” về hoạt động gián điệp và can thiệp.

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vào việc ĐCSTQ không ngừng tiếp cận giới học thuật, ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh như năng lượng hạt nhân.

Trong giới học thuật, ĐCSTQ “tạo dựng ảnh hưởng đối với các tổ chức của Anh bằng cách trả các khoản phí và cung cấp các khoản tài trợ, đối với từng học giả tại Anh bằng cách mua chuộc hoặc đe dọa, đối với du học sinh Trung Quốc bằng cách giám sát và kiểm soát, và đối với các trung tâm tư vấn / viện nghiên cứu bằng các hình thức ép buộc”, trích báo cáo.

Giới học thuật cũng là cửa ngõ thuận tiện để ĐCSTQ đánh cắp tài sản trí tuệ, nhưng “vẫn chưa có danh sách toàn diện về những lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm của Vương quốc Anh mà cần được bảo vệ”, báo cáo cho biết.

Trong các ngành công nghiệp của Anh, ĐCSTQ “sử dụng tất cả các con đường hợp pháp có thể để có được công nghệ, tài sản trí tuệ và dữ liệu của Vương quốc Anh”, tuy nhiên những thương vụ mua lại như vậy lại được chính phủ Anh “hoan nghênh” vì lý do kinh tế, theo báo cáo. Báo cáo của ISC đồng thời cảnh báo về một “kịch bản ác mộng khi mà Trung Quốc đánh cắp các bản thiết kế [về tòa nhà, máy móc, v.v], đặt ra các tiêu chuẩn và tạo ra sản phẩm, gây ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế ở mọi bước”.

Báo cáo thừa nhận rằng chính phủ Anh đã có một số bước đi tích cực trong những năm gần đây, chẳng hạn như thông qua Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia (NSI) - cho phép chính phủ có quyền can thiệp các vụ mua lại mà gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Tuy vậy, ISC vẫn thất vọng về tốc độ của chính phủ trong việc đưa ra quy trình xác định và bảo vệ tài sản của Vương quốc Anh. Các thành viên ISC gọi đó là “một thất bại nghiêm trọng và là một thất bại mà Vương quốc Anh có thể phải chịu hậu quả trong nhiều năm tới”.

Phương pháp tiếp cận ‘toàn quốc’

Bên cạnh các chiến dịch công khai gây dựng ảnh hưởng, các tổ chức tình báo Trung Quốc cũng “nhắm mục tiêu vào Vương quốc Anh và các lợi ích ở nước ngoài của nước này một cách tích cực và hung hăng” bằng cách thu thập cả thông tin mật và thông tin nguồn mở, báo cáo cho biết.

Ngoài bộ máy tình báo nhà nước lớn nhất thế giới của mình, ĐCSTQ đang sử dụng cách tiếp cận “toàn quốc”, trong đó bất kỳ tổ chức hoặc công dân Trung Quốc nào, dù sẵn lòng hay không sẵn lòng, cũng phải đồng ý tham gia các hoạt động gián điệp và can thiệp ở nước ngoài; điều này khiến London khó khăn hơn trong việc phát hiện và xử lý các vụ gián điệp và can thiệp từ Bắc Kinh.

Đồng thời, nguồn lực tại các cơ quan an ninh của Anh lại “hết lần này đến lần khác” bị chuyển hướng để giải quyết các mối đe dọa khủng bố phát sinh từ Syria và các nơi khác; “cho đến gần đây, các cơ quan của chúng ta thậm chí vẫn không nhận ra rằng họ có bất kỳ trách nhiệm nào trong việc chống lại hoạt động can thiệp của Trung Quốc vào Vương quốc Anh”, theo báo cáo.

ISC cho biết mức độ nguồn lực dành riêng để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc là “hoàn toàn chưa thỏa đáng”, và “không có bằng chứng” cho thấy các cơ quan chính phủ Anh có đủ chuyên môn hoặc kiến thức về mối đe dọa từ Trung Quốc để có thể điều tra và chống lại cách tiếp cận “toàn quốc” của Trung Quốc.

ISC nói thêm: “Mối nguy hiểm do làm quá ít và quá muộn trong lĩnh vực này là quá nghiêm trọng”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vương quốc Anh chưa 'mạnh tay' trong đối phó với gián điệp và can thiệp từ Bắc Kinh