WHO cảnh báo về tình trạng thiếu ống tiêm vắc xin COVID-19 trên toàn cầu vào năm tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Ba đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt ống tiêm trên toàn cầu. Con số thiếu hụt này có thể lên tới 1 đến 2 tỷ ống tiêm cần thiết để tiêm chủng COVID-19 vào năm tới.

Chuyên gia Lisa Hedman của WHO phát biểu trong một cuộc họp báo của Liên hợp quốc (LHQ) rằng, các cơ quan y tế quốc gia nên lập kế hoạch trước để ngăn chặn tình trạng “tích trữ, mua dự phòng” có thể xảy ra trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19. Đây có thể là nguy cơ thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trên toàn cầu.

Bà Lisa Hedman - Cố vấn cấp cao của WHO, từ bộ phận Tiếp cận Thuốc và Sản phẩm Y tế, cho biết: “Chúng ta có thể gặp phải tình trạng thiếu ống tiêm chủng trên toàn cầu, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác như làm chậm các nỗ lực tiêm chủng hoặc gây ra những mối lo ngại về an toàn sức khoẻ”.

Bà Hedman cho rằng, sự thiếu hụt tiềm năng từ 1 đến 2 tỷ ống tiêm có thể ảnh hưởng đến việc chủng ngừa định kỳ, và làm suy yếu tính an toàn của kim tiêm thông qua việc khuyến khích tái sử dụng ống tiêm và kim tiêm không an toàn, đặc biệt là ở một số quốc gia nghèo hơn. Bà nói rằng, biện pháp tái sử dụng ống tiêm hoặc kim tiêm là không an toàn, vì nguy cơ vi khuẩn có hại vẫn tồn tại trong các thiết bị y tế này.

Việc tái sử dụng lại ống tiêm không được khuyến khích vì những lo ngại về yêu tố an toàn (Ảnh: Pixabay)
Việc tái sử dụng lại ống tiêm không được khuyến khích vì những lo ngại về yêu tố an toàn (Ảnh: Pixabay)

Phát biểu tại cuộc họp báo bà Hedman cho biết, khoảng 6,8 tỷ mũi tiêm COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới, so với tổng công suất sản xuất vào khoảng 6 tỷ ống tiêm chủng mỗi năm. Bà nhấn mạnh rằng, tình trạng thiếu ống tiêm "rất tiếc là một khả năng có thật".

Bà Hedman nói thêm, để tránh tình trạng thiếu ống tiêm vắc xin trong năm tới, nhiều nhà máy nên chuyển sang sản xuất loại thiết bị phù hợp cho việc tiêm chủng vắc xin.

Bà nói: “Nếu chúng ta chuyển đổi công suất từ ​​loại ống tiêm này sang loại ống tiêm khác, hoặc cố gắng mở rộng công suất để sản xuất các loại ống, kim tiêm chuyên dụng thì cần phải có thời gian và đầu tư. Khi chúng ta nghĩ về tầm vóc quan trọng của số lượng mũi tiêm được sử dụng để ứng phó với dịch COVID-19, thì đây không phải là nơi mà chúng ta có thể sử dụng các biện pháp đi tắt để bù đắp cho sự thiếu hụt, hoặc bất cứ thứ gì thiếu an toàn cho bệnh nhân và các nhân viên y tế”.

Tháng trước, WHO cũng đưa ra cảnh báo tương tự về khả năng thiếu ống tiêm vắc xin trong tương lai.

"Đầu năm tới, vắc-xin COVID-19 sẽ bắt đầu tràn vào châu Phi, nhưng sự khan hiếm ống tiêm có thể sẽ làm tê liệt tiến trình" - Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết vào tháng trước, được The New York Times đưa tin.

“Cần phải có những biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh sản xuất bơm kim tiêm nhanh chóng. Vô số cuộc sống của người châu Phi phụ thuộc vào nó” - ông Moeti nói thêm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), WHO và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hôm thứ Ba đã tổ chức một cuộc họp với các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 hàng đầu, về việc tăng cường cung cấp các liều vắc xin COVID-19 cho những quốc gia nghèo, nơi người dân có thu nhập thấp và tỉ lệ chưa đến 2,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Đông Mai

The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

WHO cảnh báo về tình trạng thiếu ống tiêm vắc xin COVID-19 trên toàn cầu vào năm tới