Xác ướp 2.000 năm tuổi được bảo quản ở mỏ muối lâu đời nhất thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở một góc quyến rũ của Áo là một trong những mỏ muối lâu đời nhất thế giới, có lịch sử có thể bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại.

Salzwelten Hallstatt là mỏ muối thời tiền sử ở ngôi làng ven hồ Hallstatt có lịch sử 7.000 năm. Nó chứa đựng nhiều bí mật lịch sử, trong đó có xác của một người thợ mỏ được bảo quản tốt.

Được mệnh danh là "Người đàn ông trong muối", xác ướp được ba thợ mỏ phát hiện vào năm 1734. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, không chỉ giày và quần áo của xác ướp được tìm thấy trong muối mà ngay cả da và tóc của người đàn ông cũng có thể nhìn thấy mờ nhạt.

Theo Hallstatt.net: Xác ướp "bị ép phẳng như một tấm ván và các đặc điểm đã bị đá bào mòn. Quần áo và dụng cụ khá khác thường nhưng hoàn toàn nguyên vẹn".

(Hiroki Ogawa/CC BY 3.0)
(Andrew Bossi/CC BY-SA 3.0)

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vienna, những người thợ mỏ cho rằng thi thể được chôn trong mỏ muối đá đã hàng trăm năm tuổi, nhưng sau đó họ rất ngạc nhiên khi biết rằng người đàn ông thực sự đã chết vào khoảng năm 350 trước Công nguyên, có thể do một thảm họa thiên nhiên. Điều này có nghĩa là các xác ướp đã bị ẩn giấu dưới đống đổ nát trong hơn hai nghìn năm.

Xác ướp hiện được chôn cất tại nghĩa trang Hallstatt nhưng còn rất nhiều điều khác để xem và cảm nhận sâu bên trong ngọn núi.

Xác ướp được mệnh danh là "Người đàn ông trong muối". (Shutterstock)
(D. Groebner – Hans Reschreiter – Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Vienna/CC BY 3.0)

Nằm trong một thung lũng cao phía trên ngôi làng với hồ nước lấp lánh, Hallstatt là một thế giới của những đường hầm và lối đi, với hồ muối ngầm riêng. Hầu hết mọi người chọn đi cáp treo vào cổng mỏ.

Khi đến cổng vào, tầm quan trọng của muối, hay “vàng trắng”, và vai trò của nó trong việc hình thành nên nền văn minh cổ đại bắt đầu trở nên rõ ràng. Để khám phá sâu các mỏ muối, du khách phải mạo hiểm đến độ sâu 200 mét, đòi hỏi một số cơ sở kỹ thuật đặc biệt. Thông qua tuyến đường sắt hầm mỏ và đường trượt nhanh bằng gỗ dài 64 mét, du khách có thể nhìn thoáng qua lịch sử khai thác muối, từ Thời đại đồ đá mới đến ngành công nghiệp công nghệ cao ngày nay.

(Andrew Bossi/CC BY-SA 3.0)
(Andrew Bossi/CC BY-SA 3.0)

Bằng chứng về hoạt động khai thác của con người có từ ít nhất 5000 năm trước Công nguyên. Năm 1838, những người thợ mỏ đã phát hiện ra một chiếc cuốc nguyên thủy trong một lối đi được gọi là Đường hầm Kaiser Josef.

Được làm từ gạc hươu, nó là một trong những công cụ đầu tiên "dùng để đào muối" khoảng 7.000 năm trước. Tất nhiên, những người khai thác muối cách đây hàng nghìn năm không có công cụ và công nghệ hiện đại hay hệ thống nâng hạ phức tạp.

(Andreas W. Rausch – Khoa Tiền sử, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Vienna/CC BY 3.0)
(Shutterstock)
(Hiroki Ogawa/CC BY 3.0)

Năm 2003, một cầu thang gỗ được phát hiện bên trong mỏ Christian von Tuschwerk ở Hallstatt. Bằng cách kiểm tra các vòng thân cây, các nhà khoa học xác nhận cầu thang có niên đại từ thời đồ đồng, cách đây 3.100 năm. Mỗi bậc thang rộng hơn một mét, nghĩa là những người thợ mỏ bận rộn có thể lên xuống cùng một lúc. Chiếc cầu thang dài 8 mét này là "cầu thang cổ nhất còn tồn tại ở châu Âu".

Vào tháng 12 năm 1997, UNESCO đã tuyên bố Hallstatt là "Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới".

Anna Mason - The Epoch Times

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xác ướp 2.000 năm tuổi được bảo quản ở mỏ muối lâu đời nhất thế giới