4 tội nghiệp cha mẹ tạo ra, tương lai con cái phải gánh chịu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa có câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, những ‘nghiệp’ mà cha mẹ tạo ra có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con sau này.

Cha mẹ không chỉ mang lại cho con cái cuộc sống mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, giá trị và hành vi của chúng. Đôi khi, một số hành động và quyết định của cha mẹ có thể gây ra những hậu quả không thể cứu vãn cho con cái, từ đó khiến con cũng phải gánh tội thay.

4 nghiệp cha mẹ tạo ra, con cái phải gánh chịu

Bất hiếu với cha mẹ

Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, con cháu bất hiếu với cha mẹ là tội rất nặng, đây là việc xấu bố mẹ làm trong đời sẽ khiến con cái phải gánh tội sau này.

Đừng bao giờ bất hiếu với đấng sinh thành. Nên nhớ rằng, tội bất hiếu với cha mẹ mình thì sẽ phải gánh chịu quả báo rất nặng về sau. Luật nhân quả là tuyệt đối đúng đắn, bạn đối xử tệ với cha mẹ, sau này con cái bạn rất có thể cũng sẽ đối xử hệt như vậy với bạn.

Cha mẹ hành ác, con cái sau này gánh tội. Cha mẹ hành thiện, con cháu đời sau hưởng phúc phận

Người xưa có câu: Cha mẹ hành ác, con cái sau này gánh tội. Cha mẹ hành thiện, con cháu đời sau hưởng phúc phận, đắc được nhiều may mắn. Bởi vậy, chi bằng tích tiền tài của cải, cha mẹ từ bây giờ hãy tích đức cho con!

Tạo khẩu nghiệp

Trong cuộc sống hàng ngày, cần phải lựa lời mà nói, trước khi nói một điều gì đó, nhất định phải cẩn trọng và suy xét cẩn thận, không được dùng từ đay nghiến hay làm tổn thương đến người khác.

Biết nói lời hay ý đẹp là việc mà cha mẹ cần làm để tích đức cho con. Khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nó dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não… “Người nói vô tình, người nghe hữu ý”, một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ ray rứt cả cuộc đời, bởi vậy, nhất định phải thận trọng.

Có những người thường nói, tôi là người “khẩu xà, tâm Phật”, tuy lời nói ra không dễ lọt tai nhưng tâm tôi thiện, không suy nghĩ gì xấu cả. Trên thực tế, nếu một người cả đời không làm việc thất đức và chẳng hại ai bao giờ, thế nhưng lại tạo khẩu nghiệp mỗi ngày, thường nói ra những lời gây tổn thương đến người khác, đây cũng là đang tạo nghiệp ác, đời con cháu sẽ phải gánh đủ.

Trộm cắp, phá thai

Trộm cắp là hành vi sai trái và thiếu lương tâm. Người trộm cắp sẽ chịu quả báo nặng nề đó là nghèo khổ cả đời, con cái sau này sẽ bị người khác lấy mất tài sản.

Nhiều người cho rằng, phá thai không tính là hành vi sát sinh, không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo Phật gia, sát sinh mang lại tội nghiệp rất nặng, phá thai cũng tính là sát sinh, hơn nữa, hành vi này mang lại “tội nghiệp” to lớn cho con cháu sau này.

Người trộm ċướp và phá thai, cho dù có thoát khỏi lưới pháp luật nhưng lương tâm lúc nào cũng lo sợ và nhân quả nghiệp báo ở kiếp sau không thể tránh khỏi.

So đo tính toán, không làm điều thiện

Người sống ki bo, chỉ biết tới mình nhất định không phải là người có phúc phận. Người không có tấm lòng bác ái, thiện lương thì nhân duyên sẽ rời xa, cuộc sống sẽ bi đát, gặp nhiều điều không như ý.

Khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn thì nên giúp đỡ chứ đừng quay lưng bỏ đi, vô cảm thì ắt về sau sẽ gặp quả báo. Bố mẹ muốn đời này và đời con được hưởng những điều tốt đẹp thì phải chăm làm điều thiện, xuất phát từ tấm lòng từ bi.

Cuộc sống ngắn ngủi, cần phải biết tận dụng thời gian, của cải để làm việc thiện. Biết san sẻ của cải vật chất cho người khốn khó, chính là làm vơi đi tính ích kỷ, keo kiệt, mở rộng lòng thương. Chỉ khi bố mẹ làm được việc này, con cái sau này sẽ sống sung sướng, được mọi người và quý nhân giúp đỡ.

Câu chuyện có thật: Cha mẹ hành ác, con phải gánh tội

Đây là một câu chuyện có thật xảy ra ở huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), một đôi vợ chồng nọ có 5 đứa con, 3 trai và 2 gái. Ngoài thôn làng họ sinh sống có một con sông, hai vợ chồng mua chiếc thuyền nhỏ để mưu sinh qua ngày.

Người chồng mỗi ngày đều chèo thuyền qua sông để kiếm sống, thu nhập hàng tháng không hề ít. Thu nhập ngày một tăng, điều kiện kinh tế gia đình họ cũng ngày một cải thiện, 2 người con trai cả đều khôi ngô, tuấn tú, điều này khiến mọi người xung quanh đều ngưỡng mộ.

Gia đình họ từng có một cuộc sống tốt đẹp, họ tính rằng: 2 cậu con trai cả đều cao ráo đẹp trai, khi điều kiện kinh tế tốt lên, họ nhất định sẽ cưới cho chúng những người vợ ngoan hiền.

Thế nhưng điều không may đã xảy đến, người con trai cả đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, không lâu sau đó thì qua đời, 2 vợ chồng vì quá đau buồn dẫn đến tinh thần suy sụp. 2 năm sau, đứa con trai thứ 2 của họ cũng lâm bệnh nặng và qua đời. Người con trai thứ ba khi đến độ tuổi của người anh cả cũng chết vì lâm bệnh nặng. Cả ba người con trai đều ra đi khi còn quá trẻ, chỉ còn lại 2 người con gái, cả nhà họ đều vô cùng đau xót.

Nhìn 2 người con gái ngày một trưởng thành, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo; mừng vì 2 đứa con gái nay đã lớn khôn, nhưng cũng lo sợ chúng sẽ gặp phải điều không may như 3 người anh trai. Tuy nhiên, điều không may cuối cùng cũng xảy ra, cô con gái út bị tai nạn và trở thành người tàn tật, duy chỉ có cô con gái lớn là bình an vô sự.

Một hôm, người chồng đi xây tường và bị một tảng đá đè gãy chân, sau đó phải nằm liệt giường 40 ngày. Đến một ngày, người chồng không thể chịu đựng được nữa, ông khóc lóc thảm thiết: “Gia đình tôi gặp nhiều tai họa như vậy, hết thảy là do ông Trời đang trừng phạt tôi! Tất cả đều là tội nghiệp mà tôi đã gây ra, sau đó liên lụy đến các con tôi, là ông Trời đang trừng phạt tôi!

Mọi người nghe xong, ai nấy đều bàng hoàng, họ cho rằng gia đình ông xảy ra nhiều chuyện như vậy, ắt trong tâm ông phải gánh chịu nhiều áp lực to lớn nên mới nói ra những điều như vậy. Cuối cùng, người chồng cũng cũng nói ra điều “kinh thiên động địa” mà ông đã từng làm trong quá khứ, điều mà chỉ mình ông biết mà thôi.

Chuyện là, vào một buổi trưa hè năm 1976, trên đường trở về nhà, người chồng đột nhiên nhìn thấy một đứa trẻ đang vùng vẫy dưới nước, cậu bé vì nô đùa mà vô ý trượt chân xuống hồ.

Khi người chồng nhận ra cậu bé đó chính là con trai của gia đình hàng xóm (2 gia đình thường phát sinh mâu thuẫn với nhau), ông không những không ra tay cứu vớt mà còn nảy ra ý đồ xấu, nhân lúc xung quanh không có ai, ông dùng chiếc sào trong tay dìm đầu cậu bé xuống nước… Một lúc sau, đầu đứa trẻ có thể ngoi lên, người chồng lại tiếp tục dìm đầu cậu bé xuống, mãi đến khi cậu bé chìm hẳn thì mới thôi.

Cứ như vậy thời gian trôi qua, mọi việc trong nhà đều bình yên vô sự, người chồng thường nghĩ trong tâm: “Lúc đó không có ai nhìn thấy, chuyện quá khứ thì nhắc lại làm gì, mình không nói thì không ai biết cả”. Tuy nhiên, giấu được người chứ không giấu được Trời, người xưa có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, người hành ác thì nhất định phải chịu báo ứng.

Mãi cho đến khi gia đình rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, người chồng mới hối hận, nhưng mọi thứ đã quá muộn rồi.

‘Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác’, đây là Thiên lý muôn đời. Nếu như cha mẹ làm điều thất đức thì con cái đời sau của họ cũng sẽ bị vạ lây, cả đời phải khổ sở vì những điều xấu xa mà cha mẹ gây nên. Bởi vậy, cha mẹ cần hiểu được đạo lý ‘thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ để ước thúc bản thân, tạo cho con cái đời sau tương lai tốt đẹp.

Gia Hân biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

4 tội nghiệp cha mẹ tạo ra, tương lai con cái phải gánh chịu