5 dấu hiệu của đứa trẻ ‘phá gia chi tử’: Cha mẹ cần chú ý và uốn nắn kịp thời!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục con cái là vấn đề nhức nhối đối với nhiều bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh bị “mắc kẹt” trong quá trình nuôi dạy con cái, có trẻ thì bướng bỉnh, lớn lên phá phách, có trẻ nói "không" và chống lại tất cả những yêu cầu của cha mẹ, thậm chí chúng còn có những hành động nổi loạn như cãi lại, hò hét, ném đồ... Khi lớn lên, chúng dễ trở thành những người ích kỷ, sống ăn bám, đòi hỏi hoặc tiêu xài phung phí.

Vạn sự vạn vật trên thế gian con người đều có “khởi nguồn”, có bắt đầu sẽ có kết thúc, có nguyên nhân ắt sẽ có kết quả, đây cũng chính là chìa khóa cho sự phát triển không ngừng của vạn vật. Ngay cả sự phát triển của gia đình, con cháu đời sau của chúng ta cũng đều nhận sự ảnh hưởng của quy luật này. Có những đứa trẻ được gọi là “phá gia chi tử” (đứa trẻ phá phách, nổi loạn, gây họa cho gia đình), đa số có những biểu hiện sau đây, cha mẹ cần cảnh giác và uốn nắn kịp thời:

1. Đứa trẻ sống trong vật chất dư dả nhưng lại không có kỹ năng sống

Các bậc cha mẹ hiện đại đều mong muốn con cái của mình sống trong điều kiện kinh tế dư dả, họ không “tiếc tay” khi chi tiêu tiền bạc để nuôi dạy con, mong muốn mang lại cho con những điều kiện tốt nhất. Họ cho rằng, mang lại cho con điều kiện vật chất xa hoa sẽ giúp con đạt được hạnh phúc, tương lai không phải chịu khổ sở. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, điều này ngược lại sẽ khiến con trẻ phải chịu thiệt thòi.

Hãy thử nghĩ, cha mẹ nuôi con trong điều kiện vật chất dư dả, chúng sẽ dần hình thành tính cách ỷ lại, lười biếng, không có cơ hội tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Sau khi trưởng thành, chúng sẽ thiếu kỹ năng sống, không có khả năng sống tự lập, thậm chí không thể nuôi nổi bản thân, vậy chúng có thể đạt được sự nghiệp gì đây?

Bởi vậy mới nói, cung cấp cho con cuộc sống vật chất dư dả, trên bề mặt là vì nghĩ cho con, nhưng thực chất là đang hại con.

Điều con trẻ cần là sự tự lập trong tính cách, khả năng đối mặt với thử thách và khó khăn sau khi lớn lên. Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ cần cho trẻ có không gian để “chịu khổ”, để chúng hiểu rằng cuộc sống không hề dễ dàng, như vậy chúng mới có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân.

2. Đứa trẻ không biết quý trọng tiền bạc

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong “nhà kính” và sống quá thoải mái về cơ bản không hiểu được khó khăn của việc kiếm tiền.

Một người nếu chưa từng kiếm tiền thì sẽ không biết được giá trị của đồng tiền, khó hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ trong việc mưu sinh cuộc sống, từ đó mà không tiếc tay phung phí tiền bạc, sống cuộc sống xa hoa lãng phí.

Tại sao những đứa con “phá gia chi tử” lại không biết quý trọng của cải cha mẹ kiếm được? Bởi vì nếu chúng chưa kiếm tiền, chúng sẽ không biết kiếm tiền khó như thế nào và sẽ không biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Do vậy, chúng sẽ cảm thấy “yên tâm” khi tiêu tiền của cha mẹ.

Nếu có thể, đừng để đứa trẻ trở thành người ăn bám cha mẹ. Thậm chí, nếu chúng muốn ăn bám, cha mẹ cũng nên mặc kệ, phải để chúng khổ sở kiếm tiền. Chỉ khi phải vất vả kiếm tiền, chúng mới biết trân trọng tài sản cha mẹ để lại.

Bởi vậy, cha mẹ cần dạy con biết quý trọng đồng tiền và thành quả lao động, dạy trẻ cách biết ơn những điều mình đang có!

3. Đứa trẻ có chỉ số vượt khó thấp

Chỉ số thông minh (IQ) thể hiện mức độ thông minh của một người, chỉ số cảm xúc (EQ) thể hiện năng lực biểu đạt và tiêu chuẩn năng lực giao tiếp của một người, chỉ số vượt khó (AQ) là chỉ số đo lường khả năng của một người đối phó với những nghịch cảnh trong cuộc sống của mình.

Chỉ số IQ và EQ của người bình thường là không sai biệt lắm. Lúc này, những gì để so sánh chính là chỉ số vượt khó. Thái độ khi đối mặt với thất bại của mỗi người là khác nhau, thái độ khác nhau cũng sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Những người tích cực khi đối mặt với thất bại sẽ dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống, ngược lại, những người tiêu cực khi đối mặt với sóng gió sẽ khó có được thành tựu trong cuộc sống.

Có những người, chỉ cần trải qua một lần thất bại, họ sẽ trở nên đau đớn và tuyệt vọng, từ đó không dám làm điều gì nữa, cuối cùng họ phải sống một cuộc đời đầy rẫy bất hạnh.

Thành công chỉ đến với những người tích cực, lạc quan, luôn dũng cảm đối mặt với thất bại và thử thách trong cuộc sống, từ đó sống một cuộc đời ý nghĩa.

4. Đứa trẻ kiêu ngạo, luôn cho mình là trung tâm

Phúc và họa luôn tồn tại tương hỗ với nhau, đằng sau phúc thường có họa, đằng sau họa cũng có phúc.

Ví như, khi tạo nên thành tựu nào đó, có người sẽ khoe khoang và kiêu ngạo, có người lại khiêm tốn và giữ một tâm thái bình hòa.

Đằng sau những thành tựu, rất có khả năng đây là khởi đầu cho những thất bại lớn. Nhiều người chỉ vì một chút danh tiếng, lợi ích thiết thân và sự kiêu ngạo của bản thân mà rước lấy tai họa, rắc rối.

Làm cha mẹ, ai cũng yêu thương con và mong muốn con có được cuộc sống tốt đẹp. Nhiều cha mẹ đặc biệt chiều chuộng con cái, từ đó dưỡng thành cho trẻ tính cách ích kỷ, luôn coi mình là trung tâm, bản thân luôn tự cao tự đại. Điều này vô cùng có hại đối với trẻ.

Trong cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại những biến cố không thể lường trước, ngày hôm nay bạn có thể sống trong vinh quang phú quý, ngày mai rất có thể là hủy hoại đến đáy. Bởi vậy, mang một tâm thái bình hòa và một trái tim khiêm nhường mới là cách sống thông minh.

Sống trên đời, đừng tỏ ra kiêu ngạo và tự cao, chỉ duy có khiêm tốn làm người mới có thể đắc phúc, tránh họa.

5. Đứa trẻ không nhận thức rõ được giá trị của bản thân

Người xưa thường nói: “Biết đủ thường vui”, hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với ai luôn biết đủ, thỏa mãn và quý trọng với những gì mình đang có. Ngược lại, dục vọng và ham muốn quá mức sẽ mang đến cho con người đau khổ.

Một người không nhận thức được giá trị và năng lực của bản thân, họ cứ luôn muốn đạt được thành tựu này, có được tài sản như thế kia, nhưng năng lực của họ lại hoàn toàn không đủ, vậy thì cuộc sống của họ sẽ ngập tràn tuyệt vọng.

Nhận ra giá trị của bản thân là chìa khóa giúp bạn sống một cuộc sống ý nghĩa hơn, biết được sứ mệnh thực sự của mình là gì. Nếu bạn là một người ưu tú, hãy làm những việc lớn lao, nếu bạn là một người bình thường, hãy tận tâm chăm sóc thật tốt gia đình của mình, đó cũng coi là thành công rồi.

Khi con còn nhỏ, cha mẹ cần định hướng con nhận ra giá trị đích thực của mình, tránh để trẻ có những suy nghĩ lệch lạc và vấp phải con đường sai lầm.

Gia Hân biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

5 dấu hiệu của đứa trẻ ‘phá gia chi tử’: Cha mẹ cần chú ý và uốn nắn kịp thời!