Bí quyết gì giúp Hoàng đế Khang Hy trở thành một cao thủ thư pháp?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàng đế Khang Hy không chỉ giỏi toán học, am hiểu y thuật, mà còn có nhiều tác phẩm lưu lại bút tích phóng khoáng thanh nhã, phong cách phiêu nhiên an dật, thể hiện thế giới nội tâm du nhàn.

Hoàng đế Khang Hy (1654~1722 CN), nổi bật trong lịch sử Trung Hoa là vị Hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất, sử thư gọi ông là Thánh Quân. Ông hùng tài đại lược, văn trị võ công hiếm ai sánh nổi, một đời nam chinh bắc chiến, mở mang biên cương, dẹp loạn, bắt Ngao Bái, định tam phiên (bình định ba nước phiên thuộc), thân chinh đánh Đại Mạc, bác học đa tài. Ông không chỉ giỏi toán học, am hiểu y thuật, mà còn có nhiều tác phẩm lưu lại bút tích phóng khoáng thanh nhã, phong cách phiêu nhiên an dật, thể hiện thế giới nội tâm du nhàn. Làm thế nào mà ông có được công phu này?

Tuần du biên thùy, tiêu khiển bằng mực bút

Những năm tuổi trẻ tuần du biên thùy, Hoàng đế Khang Hy đã đi hàng vạn dặm, mỗi ngày chỉ lấy việc bắn cung và viết chữ làm tiêu khiển. “Văn phòng hữu bút mặc, sái hàn khởi long tường”(Văn phòng có bút mực, vung bút rồng lượn quanh), đó là thế giới văn chương mực bút để ông đắm mình trong thú vui tự tại. Tùy tùng hộ vệ hàng ngày đều thấy tài thiện xạ như Thần của Hoàng đế, trăm phát trăm trúng, nhưng thư pháp của Hoàng đế ra sao thì không ai nhìn thấy, nên rất đỗi hiếu kỳ.

Một ngày, hộ tòng đại học sĩ hàn lâm cùng các quan viên tề tựu trước cung, thỉnh cầu hoàng thượng hiển lộ bút pháp cho bề tôi chiêm ngưỡng. Thế là Hoàng đế dắt theo các hoàng tử đi ra ngoài cung, rồi ngồi xuống viết, trong thời gian ngắn, ông viết ra tới mười tờ chữ to, chữ nhỏ, chúng thần vây quanh xem, ai nấy đều lộ ra thần sắc vui mừng kinh ngạc.

Thư pháp “Liễu điều biên vọng nguyệt thi” (ngắm trăng bên rặng liễu) của Hoàng đế Khang Hy, bút tích trong cung. (Miền công cộng)

Bài thơ “Ngắm trăng bên rặng liễu” thuộc thể thơ thất ngôn tuyệt cú:

Vũ quá cao thiên tế vãn hồng,
Quan sơn thiều đệ nguyệt minh trung.
Xuân phong tịch tịch xuy dương liễu,
Dao duệ hàn quang độ viễn không.

Tạm dịch:

Mưa tạnh trời cao ráng cầu vồng
Trông xa vách núi ánh trăng trong
Gió xuân lặng lẽ lay rặng liễu
Hàn quang lay động vượt bầu không

Nội dung tả cảnh mưa tạnh trời trong của một chiều xuân nơi biên thùy: Gió xuân nhè nhẹ thổi, rặng dương liễu lay động, mưa xuân vừa dứt chiều chậm xuống, chân trời cầu vồng hiện, trăng sáng cũng lấp ló sau núi.

Gió lay tơ liễu buông mành, hàn quang lấp lánh, thật tự tại vô biên! Dương liễu vô tâm trong cảnh hữu tình, vô hạn tình gửi nơi dương liễu, phất phơ bay trước trời đất bao la! Nét bút tròn đầy, an dật nhẹ nhàng, đạm bạc chất phác. Hàng lối các chữ rộng rãi, khoáng đạt, đều đặn, thể hiện sự du nhàn, hứng thú tự nhiên, nét bút uyển chuyển mạnh mẽ, thể hiện công lực thâm hậu cùng nghệ thuật thư pháp thành thục. Thư pháp tuyệt luân kết hợp ý thơ trong vắt, đã tạo lên một kiệt tác để đời!

Trình độ thư pháp đến từ đâu?

Bí quyết thư pháp của Hoàng đế Khang Hy đến từ đâu? Ông từ nhỏ yêu thích văn chương, đặt tâm nơi nghiên bút, thường phỏng theo bút tích của các danh nhân cổ đại mà luyện chữ. Khi các cận thần quây quần xem thư pháp, ông đã kể lại quá trình luyện chữ:

Trẫm từ nhỏ đã thích luyện thư pháp, ngày viết hơn nghìn chữ, không bỏ buổi nào. Các bút tích, khắc đá của danh nhân cổ đại, đều cẩn thận mô phỏng học theo. Tích lũy tới nay là hơn 30 năm, đã thành sở thích. Trẫm viết chữ rõ nét, viết nhanh mà thực, không chút sai sót. Tất cả các giấy tờ phê chuẩn, cho đến chỉ dụ dùng mực đỏ, đều do trẫm đích thân hạ bút.”

Hoàng đế Khang Hy từ nhỏ đã thích luyện thư pháp, không gián đoạn buổi nào, khi ông kể cho các cận thần thì đã luyện được hơn ba mươi năm rồi. Đối với các bút tích, bia đá danh nhân, ông đều cẩn thận mô phỏng. Công phu như vậy được triển hiện trong thư pháp của ông là “Mẫn tốc, tòng vô thác ngộ” (Nhanh nhẹ, không chút sai sót). Hoàng đế Khang Hy lưu lại rất nhiều ngự bút về pháp luật, viết lại các tác phẩm của danh nhân như Đường Thái Tông, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Triệu Mạnh Phủ, Đổng Kỳ Xương v.v.

Hoàng đế Khang Hy yêu thích thư pháp của Đổng Kỳ Xương thời nhà Minh. Đại gia thư pháp khi ấy là Hàn lâm quan Thẩm Thuyên (Đậu tiến sĩ năm Thuận Trị thứ 9) rất giỏi thư pháp phong cách Đổng Kỳ Xương, Khang Hy cho mời ông vào cung hầu cận, bái ông làm thầy, ra sức học tập. Hoàng đế Khang Hy từng truyền dụ cho quan nội các Lý Quang rằng: “Trẫm ban đầu luyện chữ, được thầy giáo tôn kính là Thẩm Thuyên dạy dỗ như cha, nhiều lần chỉ cho chỗ hay chỗ dở, nên nay mỗi khi đọc sách, luôn nhớ đến sự ân cần của thầy.”

Từ sự dạy bảo chu đáo của thầy dạy, cũng thấy được sự siêng năng không mệt mỏi trong học tập của Hoàng đế Khang Hy.

Bức thư pháp Hoàng đế Khang Hy phỏng theo thư pháp của Đổng Kỳ Xương. (Bảo tàng cố cung Đài Bắc)

Trân quý thi thư

Hoàng đế Khang Hy thích thư pháp, dụng công luyện tập, coi trọng thư pháp của các quan viên trong Hàn lâm viện, khi tuyển lựa nhân tài cũng chú trọng đến trình độ thư pháp. Có một ví dụ, kết quả khoa thi năm Khang Hy thứ 30 (năm 1691), quan chủ khảo dự định vinh danh ba thí sinh: Thứ nhất là Ngô Bính, thứ hai là Đới Hữu Kỳ, thứ ba là Dương Trung Nạp. Hoàng đế Khang Hy sau khi đọc quyển, thấy bài của Đới Hữu Kỳ “Thư pháp vưu gia” (thư pháp rất đẹp), thế là chấm cho lên hàng đầu, đỗ Trạng nguyên.

Còn ví dụ khác, trong kỳ thi tuyển bạt tiến sĩ cuối cùng thời Khang Hy (năm 1721), Đặng Trung Nhạc (1674~1748) người Liêu Thành, vào kinh dự thi, văn chương của ông thì bình thường nhưng thư pháp thì siêu xuất, kết quả được Hoàng đế Khang Hy bình thưởng là: “Tự giáp thiên hạ” (chữ đứng đầu thiên hạ), chấm đỗ Trạng nguyên.

Hoàng đế Khang Hy cho rằng thư pháp có thể đào luyện tâm tính người ta, hun đúc nhân tâm chính khí, từ đó hòa nhập vào huyền diệu, cho nên đó là đạo dưỡng sinh, trường thọ. Trong bài thơ: “Phỏng nhị vương mặc tích” (Phỏng theo bút tích của nhị vương) có viết: “Ngân câu vận xứ tu sư cổ, tượng quản huy thời tại chính tâm.” (nét móc câu như dáng râu của thầy thuở trước, tâm ngay chính mà múa bút).

Hoàng đế Khang Hy cả đời không ngừng học thư pháp theo các danh tác cổ nhân, từ đó mà tự mình lĩnh hội yếu lĩnh, phong thái “sư cổ chính tâm” (Học người xưa, tâm ngay chính) biểu hiện trong thế giới bút nghiên cùng cổ nhân và đất trời hòa hợp.

Có một lần ông tới chùa Pháp Hải để chiêm ngưỡng Hoàng Khảo ngự thư, tự tay ngự bút hai chữ “Kính Phật”, trong bài thơ “Pháp Hải tự chiêm Hoàng Lão ngự thư kính Phật nhị tự”, có câu: “Pháp tắc quang hoa viễn, thiên niên chiếu Phật luân” (ánh sáng Phật Pháp hóa độ rộng khắp, nghìn năm vẫn rọi nẻo luân hồi)!

Tất cả nội hàm tư tưởng của bậc quân vương thiên cổ Thánh quân cùng thư pháp tuyệt luân đều nằm ở sự kính Phật, kính Trời! Hoàng đế Khang Hy còn có câu đối, hoành phi đề: “Kính Thiên”, câu đối viết: “Dĩ ái kỷ chi tâm ái nhân, dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ” (Lấy cái tâm yêu mình để yêu người, lấy cái tâm trách người để trách mình). Hoàng đế Khang Hy mang câu đối này đặt trong thư phòng, hàng ngày đọc niệm, thể hiện khí độ của bậc Thánh quân kính Trời, thương dân, nghiêm với mình, khoan dung với người.

“Kính Phật, Kính Thiên” là bút tích mà vị Thánh quân Hoàng đế Khang Hy lưu lại cho hậu thế, là lời tâm huyết đối với tín ngưỡng, sinh tồn của sinh mệnh, cũng lưu lại cho thế nhân cốt cách cao khiết của một Thánh quân.

Thái Bình
Theo Đạp Tuyết Phi Hồng - Epochtimes

Tư liệu tham khảo: "Lãng tiềm kỷ văn"; "Thanh thực lục Khang Hy triều thực lục"



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết gì giúp Hoàng đế Khang Hy trở thành một cao thủ thư pháp?