Bí quyết tăng thu giảm chi: 10 kỹ năng quản lý tài chính cho gia đình có thu nhập thấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đa số các gia đình có thu nhập thấp đều đối mặt với vấn đề thu nhập thấp nhưng nhu cầu tiêu dùng cao. Nhiều người cho rằng, gia đình có thu nhập thấp không cần quản lý tài chính, bởi số tiền của họ không có nhiều để quản lý.

Trên thực tế, những gia đình có thu nhập thấp, việc quản lý tài chính lại càng quan trọng hơn, thậm chí nếu học được cách quản lý tiền tốt, gia đình có thể trở nên giàu có.

Quản lý tài chính thực ra không liên quan gì đến thu nhập, nó chỉ liên quan đến thói quen sinh hoạt. Với phương pháp quản lý tài chính tốt, các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể tiết kiệm tiền của mình và đạt được tự do tài chính. Dưới đây là 10 cách quản lý tài chính dành cho gia đình có thu nhập thấp:

1. Tích cực gửi tiết kiệm theo định kỳ

Làm thế nào để tăng thu, giảm chi là bước đầu tiên trong quản lý tài chính. Tăng nguồn thu nhập của bạn, tính toán xem bạn nên tiết kiệm bao nhiêu, phần còn lại sẽ là số tiền bạn có thể chi tiêu.

Mặc dù tiền lương là có hạn nhưng việc đầu tiên sau khi nhận lương hàng tháng là lấy số tiền dự định tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Số tiền tiết kiệm có thể không nhiều, nhưng chỉ cần bạn kiên trì, thói quen này sẽ mang lại lợi ích cho bạn suốt đời.

2. Học cách ghi chép sổ tính toán

Lập ngân sách chi tiêu hợp lý cho các chi phí và hình thành thói quen ghi sổ. Thông qua việc tính toán và thống kê đơn giản các khoản chi tiêu trong gia đình, tiến hành phân tích cẩn thận để tìm ra khoản tiêu dùng nào là cần thiết và khoản tiêu dùng nào là không cần thiết.

Đối với những gia đình có thu nhập thấp, việc này lại càng quan trọng hơn.

3. Giảm thiểu những 'món nợ nhân tình'

Trong xã hội ngày nay, chi phí dành cho các mối quan hệ cũng ngày càng nhiều, hơn nữa còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Ví như, gia đình bạn có việc hỷ như cưới xin, liên hoan, tổ chức sinh nhật, nếu chi phí không nhiều thì nên thu nhỏ quy mô của buổi tiệc.

Bạn nên mời những người thực sự thân thiết và quan trọng, như vậy cũng sẽ giảm đi "món nợ tình nghĩa". Đồng thời, bạn cũng sẽ tiết kiệm được cho mình một khoản tiền đáng kể khi tổ chức với quy mô nhỏ hơn.

4. Lập kế hoạch mua sắm

Vào cuối mỗi tháng, bạn nên kiểm kê cẩn thận những thứ bạn muốn mua trong tháng tới, chẳng hạn như mua quần áo, rau quả, nhu yếu phẩm hàng ngày, v.v. và ghi chúng vào cuốn sổ đặc biệt của riêng bạn.

Khi muốn mua hàng, bạn có thể đến nơi đã định, thay vì mua đồ một cách mù quáng và tiêu nhiều vô hạn độ, bạn cũng có thể bỏ được thói quen xấu là tiêu tiền hoang phí.

5. Dưỡng thành thói quen sống cần cù, tiết kiệm

Trong cuộc sống có rất nhiều khoản chi tiêu không cần thiết, số tiền tuy tưởng chừng không lớn nhưng theo thời gian nó sẽ trở thành một khoản lớn, vì vậy chúng ta phải học cách tiết kiệm chi tiêu hàng ngày.

Chẳng hạn như: tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện v.v. Hạn chế đi ăn ngoài và tự nấu cho gia đình những bữa ăn ngon, như vậy bạn cũng có thể tiết kiệm được một số tiền.

6. Kéo dài tuổi thọ của những đồ vật trong gia đình

Mỗi món đồ đều có tuổi thọ riêng, nếu bạn chăm sóc cẩn thận thì không chỉ có thể kéo dài tuổi thọ mà còn cải thiện chức năng sử dụng của món đồ.

Phương pháp này vô hình chung cũng sẽ giúp bạn giảm bớt việc tiêu hao thay cái cũ bằng cái mới, đồng thời cũng khiến bản thân siêng năng chịu khó hơn. Vì vậy, chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến các thiết bị gia dụng như TV, tủ lạnh, dàn âm thanh, máy giặt, xe đạp, xe máy và các phương tiện vận tải khác,...

7. Học cách sửa chữa một số đồ kỹ thuật

Cố gắng hiểu cách bảo trì các đồ cơ khí, đồ gia dụng và trang bị một số dụng cụ bảo trì đơn giản như cờ lê, tua vít, cưa, đinh, v.v.

Khi bạn hình thành thói quen tốt như vậy, nếu trong nhà có một số trục trặc nhỏ đối với các thiết bị điện, máy móc, đồ gỗ, đồ trang trí, v.v. Bạn có thể tự sửa chữa và từ đó tiết kiệm một số chi phí bảo trì cho gia đình, tăng thu nhập ở mức tối đa. Bên cạnh đó, đây cũng là cách giúp bạn gia tăng trải nghiệm thực tế.

8. Gia tăng thu nhập thông qua việc làm thêm bán thời gian

Đối với những gia đình có thu nhập thấp, ngoài việc tiết kiệm chi tiêu, họ cũng cần tìm cách tăng thêm thu nhập, tăng thu nhập bằng cách đi làm thêm cũng là một ý kiến hay, dù đôi khi số tiền từ việc làm thêm không nhiều nhưng cũng có thể giúp chúng ta có thêm nguồn tiền.

9. Mua bảo hiểm xã hội

Đối với những gia đình có thu nhập thấp, nếu chẳng may gặp sự cố như tai nạn thì chắc chắn mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn vì điều này có thể sẽ khiến họ phải gánh nặng nợ nần. Vì vậy, hãy mua bảo hiểm xã hội để giảm bớt rủi ro cho gia đình và thoát khỏi rắc rối.

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe là bảo hiểm chính, có thể bổ sung thêm bảo hiểm tai nạn. Đối với những gia đình có điều kiện chăm sóc sức khỏe không cao, việc mua bảo hiểm y tế bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm y tế thương tích do tai nạn và gói bảo hiểm y tế chi phí nằm viện là lựa chọn lý tưởng. Vì phần lớn chi phí của các gia đình có thu nhập thấp là dành cho việc học hành của con cái và chi phí sinh hoạt hàng ngày nên tốt nhất nên mua bảo hiểm với mức dưới 10% thu nhập của gia đình.

10. Học cách đầu tư thận trọng

Đối với những gia đình có thu nhập thấp, việc đầu tư cũng là một cách quản lý và tiết kiệm tiền tốt, tuy nhiên, ở những gia đình có thu nhập thấp, bạn phải chuẩn bị tinh thần trước khi đầu tư, nên chọn tỷ lệ hồi báo cao và cần hiểu rõ cách vận hành của các phương thức đầu tư. Đầu tư cũng có thể mang đến cho bạn những rủi ro không đáng có, điều quan trọng nhất là bạn phải luôn thận trọng khi quyết định đầu tư.

Khi đầu tư, bạn không nên đầu tư một cách mù quáng. Bạn phải nhìn vào điều kiện kinh tế của mình và khả năng nắm vững kiến ​​thức đầu tư của chính mình. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể kiểm soát tốt hơn những rủi ro do đầu tư mang lại.

Đối với những gia đình có thu nhập không cao, đừng chỉ biết phàn nàn về thu nhập thấp và không đủ tiền tiêu, miễn là bạn chú ý đến quản lý tài chính trong cuộc sống, học cách tăng thu và giảm chi, bạn vẫn có thể giàu có theo cách riêng của mình!

Theo Tống Vân - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết tăng thu giảm chi: 10 kỹ năng quản lý tài chính cho gia đình có thu nhập thấp