'Cà phê là vua của các loại thuốc': Bác sĩ chia sẻ bí quyết giúp khỏe mạnh hơn khi uống cà phê

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kitaro Oka, giáo sư danh dự tại Đại học Dược Tokyo, đã ví cà phê như “vua của trăm loại thuốc”. Trương Kim Kiên, bác sĩ ung thư vú nổi tiếng ở Đài Loan, qua nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cà phê có công dụng chống ung thư và ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Đồng thời, trong quá trình “nếm” cà phê, dopamine và các chất hóa học khác được sản sinh ra trong não trở thành nguồn gốc của hạnh phúc.

Trương Kim Kiên là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng ở Đài Loan. Năm nay đã 78 tuổi, ông vẫn duy trì ba phòng khám ngoại trú và hai ca phẫu thuật mỗi tuần, giảng dạy, phỏng vấn, viết sách và thúc đẩy việc phòng ngừa và điều trị ung thư vú. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn sống một cuộc sống bận rộn và viên mãn, ông chia sẻ bí quyết của mình là leo núi và uống cà phê mỗi ngày.

“Ở tuổi chúng tôi, ngoài sự nghiệp đích thực, chúng tôi còn phải suy nghĩ làm sao để sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Có hai việc tôi chắc chắn sẽ làm, một là đi leo núi và đi bộ nhiều hơn, và hai là uống cà phê", Trương Kim Kiên nói.

Có hàng nghìn thành phần trong hạt cà phê xanh nhưng 3 loại được chú ý nhiều hơn

Nói về việc bắt đầu nghiên cứu sâu về cà phê, Trương Kim Kiên cho biết ông đã trải qua một quá trình “tự thuyết phục”: “Tôi nghỉ hưu sớm ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan và trở thành giám đốc Bệnh viện Trừng Thanh Đài Trung. Lúc đó tôi phải đi tàu cao tốc tới lui, thấy các hành khách khác gọi một cốc cà phê tàu cao tốc, thấy ngon lắm nên tôi cũng thử gọi một cốc thì thấy rất ngon. Tôi từ chỗ ghét cà phê chuyển sang thấy nó ngon và tôi đã thuyết phục bản thân mình".

Bác sĩ Trương cho biết cà phê chứa hàng nghìn thành phần phức tạp và các hoạt chất được nhiều người biết đến bao gồm caffeine, cafestol, kahweol và axit chlorogen. “Hạt cà phê xanh là một kho chứa đầy các chất hóa học. Ví dụ, một loại Arabica nhất định chứa hơn một nghìn thành phần, trong đó có hàng trăm thành phần có mùi thơm, khiến nó trở thành loại đồ uống có mùi thơm nhất trong số các loại đồ uống của con người".

Vậy thành phần sức khỏe hấp dẫn nhất trong cà phê là gì?

Caffeine: Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể xua tan cơn buồn ngủ và giúp phục hồi năng lượng. Hàm lượng caffeine sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại cà phê, thời gian chiết xuất và phương pháp, dao động từ 40 mg đến 300 mg. Người lớn không nên tiêu thụ quá 400 mg caffeine mỗi ngày. Nếu bạn dễ bị tim đập nhanh, hãy chọn cà phê đã khử caffein.

Axit chlorogen: Nhiều năm mệt mỏi, căng thẳng và ăn thực phẩm không lành mạnh có thể dễ dàng tạo ra "các gốc tự do." Các gốc tự do quá mức là kẻ giết người đối với sức khỏe con người và có thể dễ dàng gây ra tắc mạch máu, tiểu đường, huyết áp cao, ung thư, v.v. Trong tự nhiên có rất nhiều chất chống oxy hóa có thể chống lại các gốc tự do, axit chlorogen trong cà phê là một chất chống oxy hóa quan trọng nên đã thu hút được sự chú ý.

Trigonelline: Trigonelline trong cà phê có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, ngoài ra uống cà phê còn có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Ba thành phần caffeine, axit chlorogen và trigonelline trong cà phê đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn. (nerudol/Shutterstock)

4 lợi ích chính của cà phê mà ai cũng cần

Theo nguồn gốc thực vật, cà phê có nguồn gốc từ cao nguyên trung tâm của Ethiopia, vào thế kỷ 13, nó được đưa đến Yemen cùng với quân đội Ethiopia, tiến vào thế giới Ả Rập, sau đó lan sang Thổ Nhĩ Kỳ và đến thế kỷ 16, nó được du nhập vào châu Âu. Người đầu tiên nhắc đến cà phê ở châu Âu là một bác sĩ người Đức, ông mô tả cà phê là “thứ đồ uống ngon, đen như mực, tốt cho bệnh tật, đặc biệt là các vấn đề về dạ dày”.

Sau đây là bốn lợi ích chính của cà phê mà Trương Kim Kiên đưa ra, đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người:

1. Chống ung thư

Trương Kim Kiên cho rằng hầu hết tác dụng của cà phê đều có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều cà phê có thể làm giảm ung thư gan và làm giảm bớt tình trạng trầm trọng của bệnh gan; giảm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng hoặc trực tràng; và cũng có tác dụng đối với một số bệnh nhân ung thư vú.

2. Cải thiện các bệnh về chuyển hóa và tim mạch

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, cải thiện độ nhạy insulin và lượng đường trong máu sau bữa ăn, cải thiện hội chứng chuyển hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh gút, cao huyết áp và bệnh tim mạch.

3. Có lợi cho chức năng đường tiêu hóa

Cà phê có thể làm tăng nhu động dạ dày ruột và thúc đẩy bài tiết axit dạ dày. Những người bị táo bón có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách uống cà phê. Người bị loét tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản không nên uống cà phê. Nếu thực sự muốn uống, bạn có thể uống sau bữa ăn.

4. Giảm nguy cơ mất trí nhớ ở người già

Một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể giúp tăng cường trí nhớ ngắn hạn, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở tuổi già. Tuy nhiên, đối với phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương nặng cần bổ sung canxi hợp lý sau khi uống cà phê, còn bệnh nhân loãng xương nên giảm lượng cà phê uống.

Các chất chống oxy hóa có trong cà phê có rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người. (Sức khỏe 1+1/The Epoch Times)

Uống cà phê thế nào để tốt cho sức khỏe? 3 nguyên tắc cần nhớ

Nguyên tắc 1. Thêm đường, kem vào cà phê có hại cho cơ thể

Trương Kim Kiên cho rằng, các polyphenol như axit caffeic và axit chlorogen có tác dụng chống oxy hóa trong cà phê, có thể tăng cường khả năng sửa chữa của axit deoxyribonucleic (DNA), tuy nhiên, một số chất phụ gia dùng để thêm hương vị cà phê như chất béo chuyển hóa và creamer có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gây ra gánh nặng cho sức khỏe.

Nguyên tắc 2. Nên uống 3 cốc mỗi ngày

"Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ" khuyến nghị rằng lượng caffeine hàng ngày của người lớn khỏe mạnh nên ở mức 400 mg, tức là khoảng 3 đến 5 tách cà phê; Ủy ban Y tế Quốc gia Đài Loan khuyến cáo rằng lượng caffeine hàng ngày của người lớn không được vượt quá 300 mg và phụ nữ mang thai không nên vượt quá 200 mg. Trương Kim Kiên gợi ý rằng cà phê có thể được chia thành loại đậm đặc hoặc kiểu Mỹ, cốc có thể lớn hoặc nhỏ, hàm lượng caffeine trung bình trong một cốc là 100 mg, nên uống ba cốc mỗi ngày. Nếu lo lắng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, không uống cà phê sau buổi chiều.

Nguyên tắc 3. Cà phê rang nhẹ giữ lại nhiều axit chlorogen hơn

Hương vị và thành phần của cà phê sẽ thay đổi theo thời gian rang, rang nhẹ với thời gian rang ngắn sẽ ít gây hư hại cho axit chlorogen hơn, nhưng vì rang nhẹ giữ được nhiều vị chua trái cây hơn nên đối với một số người sẽ phải mất một thời gian mới chấp nhận được hương vị này. Lượng axit chlorogen trong cà phê cũng liên quan đến phương pháp pha cà phê. Cà phê Americano rang nhẹ hơn có nhiều axit chlorogen hơn.

Tuy nhiên, Trương Kim Kiên cho biết người Đài Loan thích hương vị socola và caramel rang đậm. Một nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu từ Đại học Copenhagen cho thấy việc trộn polyphenol trong cà phê với axit amin trong sữa có thể tăng gấp đôi tác dụng chống viêm. Nếu thích hương vị latte, bạn có thể cho thêm sữa tươi nhưng vẫn nên tránh đường và kem tươi.

Năm giác quan kích hoạt morphin trong não mang lại hạnh phúc

Ngoài việc uống 3 tách cà phê mỗi ngày, Trương Kim Kiên còn chia sẻ chế độ ăn uống lành mạnh của mình, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ nguyên tắc “một thanh, hai nhạt, ba nhỏ, bốn chậm” trong chế độ ăn uống, đó là không ăn quá nhiều dầu mỡ, không thêm quá nhiều gia vị, không ăn quá nhiều và ăn chậm.

Đồng thời, hãy duy trì tâm trạng vui vẻ trong cuộc sống, bao gồm việc trồng hoa, trồng cây, nghe nhiều bản nhạc hay và ngửi những mùi hương yêu thích. Thông qua “năm giác quan” thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, việc tiếp xúc với những thứ đẹp đẽ có thể kích hoạt morphine trong não, bao gồm dopamine, serotonin, oxytocin và các hóa chất khác mang lại niềm vui và hạnh phúc.

Trương Kim Kiên cho biết, giống như cà phê có mùi thơm và hương vị đậm đà, nó không chỉ có thể kích hoạt khứu giác và vị giác của bạn và bước vào thế giới cà phê mà còn cho phép bạn nếm trải những thẩm mỹ khác nhau của cuộc sống. “Cà phê có mùi thơm đặc biệt pha chút đắng, giống như cuộc sống vậy. Đối với tôi, nếm cà phê đậm đà, êm dịu, thơm ngát cũng giống như nếm được hương vị ngọt, đắng của cuộc đời”.

Trương Kim Kiên, một bác sĩ ung thư vú nổi tiếng, đã hơn bảy mươi tuổi nhưng vẫn duy trì công việc giảng dạy và phòng khám, chế độ chăm sóc sức khỏe của ông bao gồm đi bộ đường dài, uống cà phê và trồng hoa, cây cối. (Lin Shijie/The Epoch Times)

Theo Lý Phàm - Epochtimes

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

'Cà phê là vua của các loại thuốc': Bác sĩ chia sẻ bí quyết giúp khỏe mạnh hơn khi uống cà phê