Cậu bé duy nhất trong lớp không có điện thoại di động, nhiều năm sau cậu cảm ơn bố mẹ mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Chúng ta không thể mong đợi con mình suy nghĩ hoặc hành động như người lớn, khi chúng ta đưa điện thoại di động cho chúng và có quyền truy cập không giới hạn vào mọi thứ.”

Một học sinh không sử dụng điện thoại di động và không gặp những rắc rối trên internet kể từ khi cậu học lớp 4 đến lớp 9. Sau 5 năm cậu đang cảm ơn cha mẹ mình vì điều đó.

Cô Kaylee Low, một cựu y tá và là mẹ toàn thời gian. Anh Mike Low, chồng cô là một luật sư, họ đã kết hôn được 18 năm và có với nhau 4 người con, hai trai và hai gái. Gia đình họ sống ở Alberta, Canada.

Hai vợ chồng đều từ chối lời đề nghị của cậu con trai lớn, vì cậu xin sử dụng điện thoại di động vào năm lớp 4. Hiện tại cậu đã 14 tuổi.

Cặp vợ chồng cùng 4 đứa con. (Được phép của Kaylee Low)
Cô Kaylee Low, cựu y tá và anh Mike Low, luật sư. Cặp đôi này tin rằng việc có mối quan hệ lành mạnh với trẻ em là điều cần thiết để giúp hướng dẫn chúng hiệu quả. (Được phép của Kaylee Low)

Không đúng lúc

Bà Low nói với The Epoch Times: “cậu bé thực sự muốn được sử dụng điện thoại như các bạn của mình. Nhưng dựa trên kinh nghiệm của những người mà chúng tôi biết, chúng tôi nhận ra rằng điện thoại di động sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nội dung khiêu dâm và các rủi ro khác, nên chúng tôi có linh cảm rằng điều đó không đúng, không đúng lúc."

Trong thời gian đó, họ đã tự tìm hiểu về tác động của điện thoại di động đối với trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi tìm hiểu thêm về những tác hại đối với sức khỏe tâm thần và sự phát triển của não bộ, cặp vợ chồng này trở nên "có ý thức hơn" trong việc cho con mình biết về những ảnh hưởng này dần dần theo từng giai đoạn hoặc ở độ tuổi thích hợp. Nó cũng trở thành chủ đề nóng trong các cuộc trò chuyện của gia đình.

Cô Low nói rằng: “Chúng tôi thường xuyên và vẫn nói về việc cậu bé cần điện thoại để làm gì. Nó sẽ được sử dụng như thế nào. Khi chúng tôi xem xét một cách logic, chúng tôi nói về cách sắp xếp và thực hiện lịch trình hàng ngày trong cuộc sống như thế nào, cuối cùng chúng tôi cùng nhau kết luận rằng vẫn chưa đến lúc.”

"Tôi không nói rằng không có bất kỳ cuộc nổi loạn nào. Ở lớp sáu, tôi nghĩ đây là năm khó khăn nhất đối với con trai tôi trong quá trình này. Có 34 đứa trẻ trong lớp và cậu bé là người duy nhất không có điện thoại thông minh."

Con trai lớn của ông bà Low. (Được phép của Kaylee Low)
Bà Low giới thiệu những cuốn sách cho con mình như "Creating A Tech healthy Family" của Andrea Davis và "Glow kids" của Nicholas Kardaras để giúp các bậc cha mẹ lập ra "kế hoạch lành mạnh về công nghệ" cho con mình. (Được phép của Kaylee Low)

Những lúc con trai họ tỏ ra bực bội, ông bà Low đã “dạy cậu bé tốt hơn” tại sao họ muốn chờ đợi và tạo không gian cho cậu bày tỏ cảm xúc. Bà Low nói: “Chúng tôi cố gắng lắng nghe cảm xúc, cố gắng đưa ra những ý tưởng hoặc cách thức để có thể hỗ trợ cậu bé”.

"Một phần quan trọng trong tất cả những điều này là mối quan hệ với con cái chúng ta. Chúng ta phải dành thời gian cho chúng. Chúng ta phải tạo ra văn hóa gia đình, truyền thống và những điều nhất định mà con cái chúng ta có thể tin cậy và biết rằng 'đây là những điều quan trọng nhất’, những điều mà chúng có thể tin tưởng sẽ luôn hiện diện trong gia đình mình.' Vì vậy, khi bạn có mối quan hệ tốt với con mình, những cuộc trò chuyện này có thể diễn ra dưới dạng "Cha mẹ làm điều đó vì yêu con và muốn điều tốt nhất cho con", thay vì tỏ ra bảo thủ hoặc bắt buộc con phải làm gì đó.. ."

Để thúc đẩy sự gắn kết với nhau, gia đình Lows thường tổ chức một cuộc họp gia đình hàng tuần, để mỗi người chia sẻ một điều nổi bật, một khó khăn và điều gì đó mà họ mong đợi. Cha hoặc mẹ cũng cần lên lịch gặp riêng bốn đứa con của mình mỗi tháng một lần. Bọn trẻ chọn hoạt động, điều lưu ý duy nhất là "dù chúng ta đang làm gì, chúng ta vẫn phải có thể trò chuyện với nhau.”

Cô nói thêm: “ Việc giải quyết những tình huống khó khăn với con cái của chúng tôi thực sự bắt nguồn từ việc có mối quan hệ tốt với chúng trước tiên, để chúng tôi có thể dễ dàng tác động đến chúng”.

Thúc đẩy để thành công

Một thách thức đối với con trai cả của cô Lows khi đến tuổi thiếu niên mà không có điện thoại di động không phải là áp lực từ bạn bè mà là sự cô đơn, mặc dù cậu luôn có rất nhiều bạn bè.

Bà Low nói: "Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến ​​điều đó. Tất cả chúng ta đều làm điều đó, chúng ta nhanh chóng sử dụng điện thoại của mình những lúc buồn chán, không thoải mái hoặc khi có một phút rảnh rỗi. Tôi thực sự nghĩ rằng khi mắt chúng ta nhìn vào điện thoại, nó sẽ tạo ra sự mất kết nối cảm xúc giữa chúng ta và những người xung quanh, và cho dù chúng ta ở độ tuổi nào, chúng ta cũng cảm thấy điều đó. Tôi nghĩ điều đó bắt đầu xảy ra ngày càng nhiều ở trường học. ... Đó chỉ là nỗi cô đơn khi đi trên con đường không phổ biến, hoặc con đường ít người đi."

Tuy nhiên, đến lớp bảy, cậu thiếu niên này hoàn toàn không còn đòi điện thoại di động nữa. Cậu bắt đầu nhận thấy rằng một số bạn cùng lớp của mình, thường chơi game suốt đêm, trở nên lo lắng hơn trước, không thể điều chỉnh cảm xúc hoặc dường như tách biệt khỏi thế giới xung quanh.

Một số người trong số họ đã mất hứng thú với các hoạt động ngoại khóa và “có vẻ thực sự không vui”. Dần dần, cậu trở nên thân thiết hơn với anh chị em họ hàng của mình, nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ và có can đảm khi giao tiếp với những người mới.

Mẹ cậu chia sẻ: “Tôi nhận thấy con có thể nhìn vào mắt mọi người khi nói chuyện. Cậu bé tự tin hơn và không dễ bị phân tâm. Cậu cũng tìm thấy niềm vui trong các hoạt động ngoài trời hoặc ngoại khóa. Cậu bé có thêm động lực để thành công trong cuộc sống.

“Khi tôi hỏi cụ thể về lợi ích khi không dùng điện thoại, cậu nói rằng 'không cần phải mang cả thế giới đi khắp nơi trong túi'. Những đứa bạn ở trường bị căng thẳng về số lượt thích mà họ nhận được hoặc những gì đang diễn ra trên thế giới. Vì vậy, cậu bé cảm thấy có cảm giác tự do. Cậu không còn gánh nặng với thế giới nữa, như một số đứa trẻ khác vẫn làm với những gì chúng tiếp xúc được trên mạng."

(Được phép của Kaylee Low)

Cậu thiếu niên này cũng tránh được áp lực từ bạn bè trên mạng xã hội, bắt nạt qua mạng cũng như “các xu hướng và thách thức tiềm tàng nguy hiểm” đang lan truyền trên mạng. Cậu bé là người thích thể thao và thích đọc sách, viết lời bài hát cho đàn guitar, đi bộ đường dài, cắm trại và trượt tuyết cùng gia đình thân yêu của mình.

Gia đình Lows cũng quan tâm đến nhu cầu tương lai của con, nên có kế hoạch dần dần cho đứa con lớn của mình sử dụng điện thoại di động.

Bà Low nói rằng: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho sự trưởng thành của cậu bé, khi cậu không sống cùng chúng tôi. Chúng ta sẽ bắt đầu với chiếc điện thoại của gia đình. Nếu mọi việc suôn sẻ và nếu cậu bé sử dụng nó một cách có trách nhiệm thì trong một đến hai năm nữa, bạn có thể thêm nhiều ứng dụng hơn vào nó. Rồi bạn biết đấy, theo thời gian, cuối cùng bạn sẽ có một chiếc điện thoại thông minh."

Giúp đỡ người khác

Để hỗ trợ các bậc cha mẹ khác và con cái của họ trong quá trình chuyển đổi, bà Low giới thiệu một số cuốn sách yêu thích của bà như: "Creating A Tech Healthy Family"" của Andrea Davis; "Glow Kids" của Nicholas Kardaras; "Reset Your Child's Brain" của Tiến sĩ Victoria Dunckley; và "Good Pictures Bad Pictures Jr.—A Simple Plan to Protect Young Minds" của Kristen A. Jenson.

Cô cho biết: "Thực hiện những thay đổi nhỏ, từng chút một theo thời gian. Hãy có ý thức hơn khi sử dụng công nghệ. Ban đầu, bạn có thể cảm nhận được những thay đổi đó. khó khăn hơn vì khi bạn không cho chúng sử dụng nữa, thu hồi lại. Giống như một hiện tượng đoản mạch đang xảy ra trong não ... và chúng ta thấy đôi khi chúng sẽ giận dữ. Nhưng theo thời gian, chúng sẽ không cần nó nữa. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn theo thời gian nếu bạn có thể kiên trì với nó, theo dõi và tin tưởng vào quá trình - mọi việc sẽ thành công.

"Tôi chỉ muốn các bậc cha mẹ hy vọng rằng điều đó có thể thay đổi. Và bộ não là một bộ phận tuyệt vời của cơ thể. Nó có thể phục hồi, chữa lành và thay đổi. Sự thay đổi có thể xảy ra."

Không ai trong số anh chị em nhà Low dùng mạng xã hội. Cha của họ không bao giờ sử dụng nó. Bà Low đã tạm ngưng 10 năm trước khi quay lại Instagram vào năm 2022 để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm của mình về việc quản lý việc sử dụng mạng.

Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy như mình có nhiều thời gian hơn trong ngày khi không sử dụng mạng xã hội. Tôi cũng thực sự thích mối quan hệ trực tiếp với mọi người. Tôi cảm thấy mình nên tạo một tài khoản Instagram chỉ để thử chia sẻ thêm thông tin về những điều tôi đã biết được về các thiết bị thông minh, để cố gắng giúp đỡ các bậc cha mẹ trong cộng đồng của mình."

Cô Low đảm bảo rằng mình luôn tập thể dục và đọc kinh thánh trước khi đến gần mạng xã hội và đặt giới hạn truy cập khoảng 15 phút trên ứng dụng. Cô được nghỉ Chủ nhật hàng tuần và nghỉ một hoặc hai tuần trong vài tháng.

Sự xuất hiện trực tuyến của cô vẫn đang thu hút được sự chú ý. Một bài đăng ngày 14/9 về con trai cô lớn lên mà không có điện thoại di động đã được lan truyền rộng rãi, với hơn 5 triệu lượt xem cho đến nay.

Được phép của Kaylee Low

Cô nói với The Epoch Times rằng: “Tôi rất vui nếu nó có thể giúp ích cho bất kỳ ai đang cố gắng chấn chỉnh và giúp con cái họ tránh xa công nghệ”.

Công nghệ rất hữu ích và là một công cụ tuyệt vời, nhưng đôi khi chúng ta bị cuốn vào chỉ vì nó tiện lợi.”

"Theo thời gian, đó không còn là cách lành mạnh hơn để giải quyết mọi việc. Chúng ta không thể mong đợi con mình suy nghĩ hoặc hành động như người lớn, khi chúng ta cho chúng một chiếc điện thoại di động với quyền truy cập vào mọi thứ như người lớn. Lượng hóc môn dopamine tăng cao... nó có thể điều chỉnh lại các cảm xúc trong não của chúng ta và có thể dẫn đến nghiện."

Bà Low khuyên các bậc cha mẹ nên trì hoãn việc cho con cái họ dùng điện thoại di động, hạn chế càng lâu càng tốt, nên trò chuyện cởi mở với con để giải thích lý do và tin vào trực giác của chúng.

Cô nói rằng: “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ và cảm thấy tràn đầy hy vọng”.

Theo Louise Chambers -The Epoch Times
Thiên Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cậu bé duy nhất trong lớp không có điện thoại di động, nhiều năm sau cậu cảm ơn bố mẹ mình