Câu nói 'Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống' của người xưa có còn giá trị với ngày nay?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống" là đúc kết kinh nghiệm của người xưa về việc chọn bạn đời. Liệu kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta còn được thế hệ ngày nay áp dụng? 

Những giá trị đúng đắn, chân lý được kiểm nghiệm và lưu truyền từ đời này qua đời khác trở thành truyền thống của một quốc gia, một dân tộc. Không rõ lời răn dạy “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” của ông cha bắt nguồn từ khi nào, trong bối cảnh ra sao nhưng cho đến ngày nay, nó vẫn được mọi người áp dụng trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, ngoài công danh, sự nghiệp...thì việc dựng vợ gả chồng của trai gái cũng là vấn đề hệ trọng của cuộc đời mỗi người. Bởi không phải chỉ là cuộc sống của hai người mà điều này còn ảnh hưởng đến đại gia đình và xã hội.

Gia đình là một tế bào của xã hội, việc"Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" sẽ tạo ra nhiều tế bào cho xã hội phát triển. Mọi gia đình đều ấm êm, hạnh phúc xã hội đó sẽ vững mạnh, văn minh. Môi trường tạo cá thể, tính cách con cái sẽ thừa hưởng từ bố mẹ, chịu ảnh hưởng và học hỏi trong quá trình trưởng thành trong gia đình đó. Vì vậy, việc kén vợ chọn chồng mới quan trong như thế, từ xa xưa ông cha ta đã hiểu điều đó và đúc kết thành triết lý để lại cho đời sau "Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống", "ngôn đăng hộ đối",... trong việc chọn bạn đời.

Tại sao lấy vợ cần xem tông?

Có lẽ sẽ có người nói, lấy vợ không phải là lấy cô ấy-người mình yêu về sống chung với mình, làm vợ mình chứ có lấy họ hàng, nhà cô ấy đâu mà cần xem nhiều thế? Đúng vậy, tuy nhiên xem tông (kén tông) là có ý nhắc nhở người nam khi để ý, yêu một cô gái thì cần tìm hiểu trước tiên là gia đình, bố mẹ, rồi đến họ hàng của người đó để tính chuyện lâu dài - kết hôn hay không. Vì cần xét, tìm hiểu về họ hàng, hoàn cảnh, cách sống của bố mẹ và gia đình bạn gái có làm gì trái với luân thường đạo lý không, sống có đạo đức, lề lối, anh chị em có bệnh tật, sống biết kính trên nhường dưới… hay không để hiểu hơn về tính cách, con người của cô gái.

Bởi thực tế con người chúng ta dễ chịu nhận ảnh hưởng bởi môi trường sống, trong gia đình con trai thường chịu ảnh hưởng bởi tính cách, quan điểm sống của người cha, con gái chịu ảnh hưởng tính cách từ người mẹ, và những người trong phạm vi tiếp xúc. Nếu gia đình bạn gái hội tụ đủ những mỹ đức thì tuyệt vời, hoặc không có xảy ra điều gì xấu nổi bật là được. Ví như, gia đình có người mẹ tảo tần, hy sinh, chung thủy, sống trong gia đình hạnh phúc thì chắc hẳn người bạn gái sẽ là người vợ tuyệt vời, chuẩn mực, được giáo dục tốt.

Người ta vẫn thường nói "người phụ nữ là phong thủy của gia đình", "Lấy được người vợ tốt nhà có phúc 3 đời",...vậy nên rất cần xem xét môi trường, hoàn cảnh sống của cô gái để hiểu hơn về tính cách, con người cô gái đó xem có hòa hợp được với nhau không. Có một thực tế ai cũng nhận thấy rằng, khi yêu và khi đã là vợ chồng của nhau, đặc biệt lúc có con khác nhau rất xa. Cuộc sống không chỉ có màu hồng trong mắt kẻ si tình, vợ chồng sống có ân có nghĩa, cùng nhau vượt qua sóng gió, khó khăn trên bước đường đời. Vì thế chớ nên vội vàng hấp tấp trong việc chọn vợ mà cần nhiều thời gian tìm hiểu, thử thách rồi mới đưa ra quyết định.

Sao lấy chồng phải kén giống?

Trên là lời nhắc nhở cho người con trai, vế sau lại dặn dò luôn cho người con gái. "Lấy chồng kén giống" được hiểu là khi lấy chồng, người con gái cần tìm hiểu chồng tương lai và về gia đình anh ấy, từ bố mẹ đến anh em họ hàng. Cụ thể là xem nòi giống mấy đời có tốt không, có bị bệnh gì di truyền không, cao to hay thấp bé, bố mẹ anh ấy ăn ở thế nào, anh chị em trong gia đình đối xử nhau ra sao, nề nếp gia phong thế nào,...đạo đức gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình đó.

Theo quy luật đa phần gen của người cha sẽ là gen vượt trội, quyết định đứa bé khi sinh ra khỏe mạnh hay ốm yếu, cao to hay thấp bé,... Chắc hẳn bạn sẽ không mong muốn con mình thấp bé nhẹ cân, bệnh tật liên miên đúng không nào. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ ngoại lệ không theo lẽ thông thường, có gia đình cha mẹ thấp bé nhưng con lại cao to vượt trội, thông minh, đẹp trai, xinh gái,...có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng. Nhưng nói chung nếu điều kiện cho phép thì cứ xuất phát ở điểm cơ bản nhất.

Các cụ cũng có câu: "Giỏ nhà ai, quai nhà ấy", "Rau nào sâu ấy",... mà anh hùng luôn sản sinh ra anh hùng, máu mê cờ bạc, bê tha luôn sinh ra lứa sau cũng cờ bạc, bê tha. Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng số đông đều theo quy luật đó. Bởi thế nên mới phải “lấy chồng kén giống” để đứa con sinh ra được hưởng gen tốt, phẩm chất tốt từ bố.

Người xưa coi hôn nhân là đại sự của cuộc đời, bởi vậy mới xem trọng việc “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Quả thật là như vậy, việc “lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống” quan trọng là bởi lựa chọn người bạn đời cũng là để đảm bảo một cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc, tạo nền tảng tốt đẹp để nuôi dạy những đứa trẻ có phẩm chất đạo đức, tiếp nối và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Điều này cũng có ý nghĩa răn dạy người trẻ nên dành thời gian tìm hiểu đủ lâu và đủ sâu, để hạn chế xung khắc, sự đổ vỡ xảy ra sau này khi sống chung một nhà.

Lấy vợ xem tông. (Ảnh pexels)

"Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống" có còn giá trị với thời nay?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều tiêu chuẩn đạo đức bị coi nhẹ, bỏ qua và cho là cổ hủ, lạc hậu, phong kiến... cách nhìn nhận, đánh giá về hôn nhân cũng ít nhiều bị thay đổi, có người cho rằng nên "thoáng" ra, thích là được không còn tiêu chuẩn đạo đức câu thúc nữa. Khái niệm “sống thử” xuất hiện rồi dần trở nên quen thuộc đến nỗi là bình thường, ai không như thế thì bị coi là "bất thường". Vì vậy, mới xuất hiện những cặp kết hôn chóng vánh, ly hôn “thần tốc” tăng chóng mặt như hiện nay. Mọi người đều trong ấy cả nên đã "bình thường hóa" không còn cảm thấy sốc nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến câu chuyện cưới hỏi, người lớn trong nhà vẫn thường lấy câu nói trên để răn dạy người trẻ.

Tuy nhiên, nếu không phải là chân lý, một kinh nghiệm hay điều nào đó đúng đắn, thì câu nói này đã không được lưu truyền đến ngày nay. Tôi vẫn thường nghe ông bà, bố mẹ nào đó dặn dò con cái của họ tìm hiểu cho kỹ, xem nhà đấy thế nào,...mỗi khi nhắc việc lấy vợ, gả chồng của các bạn trẻ đến tuổi thành gia lập thất.

Con người sinh ra lớn lên do nhiều yếu tố xã hội chi phối, nhưng nam nữ thanh niên mới lớn, chưa từng trải những va vấp trong cuộc sống, giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng và chủ đạo. Hôn nhân là việc hệ trọng, tác động cả đời, mà con người rất dễ mù quáng trong khi yêu. Qua tuần trăng mật không phải cặp đôi nào cũng đều được suôn sẻ và khi có khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm điều hay lẽ phải để giải quyết cho thoả đáng. Lúc đó cần dựa vào “Tông”, vào bố mẹ, người trong gia đình, họ hàng, tìm những tình cảm chân thành, những người sống có đạo đức gia đình giúp đỡ để gia đình nhỏ của bạn bình yên vượt qua sóng gió, tránh đổ vỡ.

“Môn đăng hộ đối”, tức là tìm hai gia đình, hai bên tương xứng, có những mặt phù hợp với nhau, chứ đâu phải điều gì cao xa, mơ ước "đũa mốc đòi chòi mâm son" như người ta nói.

Dù thế nào đi nữa thì câu nói của ông cha "Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống" vẫn còn nguyên giá trị với xã hội hiện nay. Vì ai cũng mong có râu thảo, rể hiền để gia đình đầm ấm, yên vui, hạnh phúc phải không nào.

Ngọc Liên

(Tổng hợp nguồn Marrybaby và Vandieuhay)



BÀI CHỌN LỌC

Câu nói 'Lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống' của người xưa có còn giá trị với ngày nay?