Câu thành ngữ 'Có thờ có thiêng có kiêng có lành’ có còn đúng với thời nay?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng bài học sâu sắc đúc kết từ kinh nghiệm sống quý báu của người xưa. Câu “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” có còn giá trị với thời hiện đại ngày nay?

Theo phong tục và tín ngưỡng của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp bao đời nay, giàu bản sắc dân tộc và có tính giáo dục ân đức cho các thế hệ tương lai.

“Có thờ có thiêng” - thờ cúng tổ tiên bao gồm ông bà, cha mẹ, những người có công với đất nước như Thành Hoàng làng, các vua Hùng, Thần Phật... giống như cây có cội suối có nguồn, nhắc nhở con người không quên công lao của người đi trước, tiếp thu những bài học giáo huấn của người xưa, đạo lý làm người, trị quốc. Chiểu theo những đạo lý chân chính mà người xưa làm, tu dưỡng, ước thúc bản thân… thì sẽ đạt được thành tựu, vì vậy mà “thiêng”. Những người sống có nghĩa khí, đạo đức, thiện lương sẽ được các bậc Thánh Thần gia trì, bảo hộ bình an.

“Có kiêng có lành” - chính là bản thân của mỗi người luôn suy nghĩ và hành động cẩn trọng trước khi làm một việc gì đó. Nó giúp tránh những điều xấu, điềm không may “vận” vào người. Ví dụ như, vào những dịp đặc biệt như lễ Tết, người Việt luôn chú ý trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động của mình. Họ cho rằng, nếu chẳng may lỡ miệng hay làm gì đó không đúng thì sẽ khiến một năm không tốt lành.

Câu thành ngữ có giá trị không chỉ về tâm linh mà còn là kinh nghiệm sống cho con người. Tuy nhiên, hiện nay ở một bộ phận những người sống thiên về hưởng thụ vật chất, ngày càng phóng túng dục vọng bản thân mà không còn “có kiêng có lành nữa”. Họ cho rằng những kinh nghiệm của người xưa là cổ hủ, lạc hậu, không đúng, hoặc giả có làm theo thì cũng chỉ làm hình thức qua loa cho xong chuyện, có thờ nhưng không “có tâm”, có kiêng nhưng kiêng lấy lệ.

“Có thờ có thiêng có kiêng có lành” là tùy thuộc vào cái tâm và đức tin của mỗi người. Không phải như ngày nay trong các đền, chùa, miếu… đồ cúng lễ chất thành núi, khói hương nghi ngút, tiền rải khắp ban rồi cầu khấn ban tài phát lộc. Càng cúng nhiều, lễ vật càng to lớn thì cho rằng vậy là thành kính, sẽ linh thiêng, được an lành. Xét người xét ở ở cái tâm, cái đức tâm tốt thì mệnh sẽ tốt, đức nhiều sẽ phú quý, bình an.

Câu thành ngữ vẫn còn nguyên giá trị, chỉ là thời nay đã bị con người hiểu chưa đúng làm cho biến tướng. Bất kể thứ gì họ cho là tốt mang về thờ cúng vậy là thành “thiêng”, người ta không từ một cái gì để thỏa mãn dục vọng bản thân, thờ gò đá, dải lụa, con cóc,... có nhiều người mù quáng tin theo mà tiền mất, tật mang.

Không biết trải qua bao lâu, cha ông ta mới rút ra được kinh nghiệm sự “thiêng” và “lành” đó. Tuy nhiên, sự thờ cúng để đạt được cảnh giới “thiêng” và “lành” ở đây không phải ở gốc đa, bình vôi, hòn đá,... mà ở tâm của con người. Tâm là sự tu tâm dưỡng tính, hướng thiện của mỗi cá nhân. Bạn không ăn chay nhưng tâm tốt, sống bao dung, độ lượng thì trời xanh ắt tự an bài, bạn sẽ gặp được điềm lành, nhiều may mắn trong cuộc sống.

Để cuộc sống luôn “có thiêng, có lành”, chúng ta cần giữ tâm trong sạch, nghĩ cho người khác trước, làm nhiều việc thiện. Những hành động, việc mà chúng ta làm trong hiện tại sẽ mang đến nhân quả thiện ác tương ứng trong tương lai. Do đó, chỉ cần chúng ta sống chân thành, không vụ lợi thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến, tâm ta sẽ an yên.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Câu thành ngữ 'Có thờ có thiêng có kiêng có lành’ có còn đúng với thời nay?