Chờ thực phẩm nguội rồi mới cho vào tủ lạnh? Hóa ra nhiều gia đình đang làm sai!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quá trình nấu nướng ăn uống hàng ngày không thể tránh khỏi việc có thức ăn thừa. Chúng ta thường chọn cách bảo quản những thức ăn thừa chưa ăn hết vào trong tủ lạnh, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực, nếu không cho vào tủ lạnh thì thức ăn sẽ hỏng nhanh. Và khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, chúng ta sẽ có thói quen đợi nguội bớt rồi mới cho vào.

Từ nhỏ tôi đã quen làm như vậy từ khi nhà tôi có tủ lạnh, vì tôi nghĩ nên để thức ăn nguội rồi mới cho vào tủ sẽ giúp tủ lạnh sử dụng lâu hư. Nhưng trên thực tế, việc đợi thực phẩm nguội rồi mới cho vào tủ lạnh là sai lầm và làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu!

Tôi tin rằng nhiều bạn sẽ đợi cho đến khi thức ăn nguội rồi mới cất vào tủ lạnh. Nhưng trên thực tế, khi các nguyên liệu ở nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C, hoạt động của vi khuẩn diễn ra mạnh mẽ và sinh sôi nhanh nhất. Vì vậy 5 đến 60 độ C còn được gọi là vùng nhiệt độ nguy hiểm của thực phẩm. Khi chúng ta làm nguội thức ăn sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt trong mùa hè nóng bức này, một số loại vi khuẩn gây bệnh có thể nhân đôi nhiều lần số lượng trong vòng chưa đầy một giờ, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, thức ăn thừa chúng ta chưa ăn hết nên kịp thời cất vào tủ lạnh, không đợi nguội mới cho vào tủ lạnh.

Có làm hỏng tủ lạnh không khi cho các thức ăn còn đang nóng vào?

Nhiều người chúng ta lo lắng rằng cho thức ăn vào tủ lạnh khi còn nóng sẽ gây hư tủ lạnh, nếu như làm hỏng tủ lạnh thì cái được chẳng bù cho cái mất.

Nhưng thực tế, tủ lạnh không dễ hỏng như bạn nghĩ, hiện nay chúng đều là tủ lạnh thông minh, khi chúng ta cho thức ăn nóng vào tủ, cảm biến của tủ lạnh sẽ cảm nhận được nhiệt độ bên trong tăng lên và ngay lập tức sẽ bắt đầu hạ nhiệt độ xuống. Hơn nữa, việc giảm thực phẩm từ 65 độ C xuống 5 độ C và 25 độ C xuống 5 độ C sẽ là như nhau và chúng đều nằm trong phạm vi hoạt động bình thường của tủ lạnh. Tuy nhiên, về việc lo lắng hư hỏng cho tủ lạnh, thì hậu quả duy nhất là làm tủ lạnh tốn điện hơn một chút.

Vậy nên bảo quản thực phẩm như thế nào trong tủ lạnh?

Thứ nhất: Thực phẩm sống và chín nên để riêng.

Trong tủ lạnh của chúng ta, thường không chỉ có những thức ăn thừa mà còn có một số thực phẩm sống chưa qua chế biến, trái cây và những thứ tương tự khác. Do đó, chúng ta phải nhớ phân loại thực phẩm sống và thực phẩm chín trước khi đặt chúng vào tủ lạnh. Đồng thời dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi giữ tươi gói lại, không những có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm chéo của vi khuẩn giữa các loại thực phẩm mà còn tránh được việc thực phẩm bị ám mùi.

Thứ hai: Chú ý đến thời gian lưu trữ.

Thông thường khi nấu ăn, tốt nhất bạn nên kiểm soát lượng thức ăn và cố gắng không để thức ăn bị thừa lại.

Nếu thức ăn vẫn còn thừa, tốt nhất không nên giữ lại một số loại rau củ, vì sau nhiều lần hâm nóng rau củ, không chỉ làm chất dinh dưỡng bị mất đi nghiêm trọng mà còn dễ sinh ra hợp chất nitrit khi để qua đêm.

Đối với một số món thịt, nếu ăn không hết thì không nên bảo quản trong tủ lạnh quá lâu, tốt nhất là không quá ba ngày, nếu không vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển.

Thứ ba: Sau khi thức ăn thừa được lấy ra khỏi tủ lạnh, nhớ hâm nóng kỹ trước khi ăn.

Khi thức ăn thừa của chúng ta lấy ra khỏi tủ lạnh, chúng ta phải hâm nóng kỹ trước khi ăn, thức ăn phải được đun nóng đến 100 độ C và và để sôi trong vòng 3 đến 5 phút để có tác dụng khử trùng. Nên tránh trường hợp để thức ăn bao lâu tuỳ thích và thức ăn thừa nên được ăn càng sớm càng tốt.

Theo Triệu Lệ - Aboluowang - Nguồn: Mẹo vặt gia đình tuyệt vời

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chờ thực phẩm nguội rồi mới cho vào tủ lạnh? Hóa ra nhiều gia đình đang làm sai!