Chủ nghĩa quân phiệt đã thay đổi hình thái chiến tranh như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi một quốc gia muốn tập hợp nguồn lực, thì họ không thể lại đi con đường quản lý như gia tộc trong quá khứ, mà họ phải kiến lập thể chế quan liêu, để chuẩn bị tranh bá hoặc tự bảo vệ mình. Lúc này quốc gia liền bắt đầu đi trên con đường 'quân quốc chủ nghĩa'.

Chiến tranh thời Xuân Thu là để 'tranh bá', còn chiến tranh thời Chiến Quốc là 'diệt quốc'

'Quân quốc thể chế' (軍國體制: thể chế quân phiệt) là chế độ mà toàn bộ quốc gia phục vụ cho mục đích quân sự, hoặc là để tranh bá, hoặc là để tự bảo vệ mình. Sau khi sự việc này xuất hiện thì tất cả các quốc gia đều gắn liền với 'chiến xa' mà không thể quay đầu được. Vì sao?

Bởi vì nếu quốc gia khác tập hợp tất cả nguồn lực, họ sẽ trở nên vô cùng cường đại. Nếu quốc gia của bạn không đi theo con đường chủ nghĩa quân phiệt, thì quốc gia của bạn chỉ có thể bị quốc gia khác đánh bại hoặc bị thôn tính. Cho nên khi một quốc gia đi trên con đường chủ nghĩa quân phiệt, thì tất cả các quốc gia khác đều đi theo. Mà đây là con đường không thể quay đầu.

Sự kiến lập của chủ nghĩa quân phiệt đã thay đổi rất lớn hình thái của chiến tranh.

Chiến tranh thời Xuân Thu là chiến tranh 'tranh bá', còn chiến tranh thời Chiến Quốc là chiến tranh 'diệt quốc'. Bởi vì thiết kế chế độ thời Xuân Thu chưa hoàn thiện, quốc gia còn chưa kiến lập thành chế độ quân phiệt hoàn thiện, hiệu quả cao. Khi anh muốn thôn tính một quốc gia khác, thì anh không thể quản lý được.

Cho nên chiến tranh thời Xuân Thu, thông thường là hai nước giao chiến, sau đó quốc gia thất bại xin lỗi bằng cách đưa vài khối ngọc, bảo vật, hoặc là nhận lỗi với Thiên tử. Như thế chiến tranh kết thúc. Hơn nữa, chiến tranh thời Xuân Thu đều rất ngắn.

Nhưng đến thời Chiến Quốc lại không như thế. Lúc đó, nhiều phương diện đã thành thục như: chế độ quốc gia, huấn luyện quân đội, phương pháp đánh trận... Mục đích chiến tranh thời Chiến Quốc là tranh đoạt đất đai, tiêu diệt quân đội của nước khác, cướp lấy nhân khẩu và tài sản. Như thế, chiến tranh thời Chiến Quốc đã trở thành chiến tranh 'diệt quốc'.

Vì thế từ thời Xuân Thu đến Chiến Quốc, cũng tức là từ xã hội cộng đồng nhỏ đến chủ nghĩa quân phiệt, thì tất yếu đã xuất hiện sự thay đổi về hình thái chiến tranh.

Tiếp theo sẽ từ các phương diện như vũ khí, chiến thuật, quy mô quân đội, thành phần tham dự, quy tắc chiến tranh... để làm một số so sánh đặc điểm chiến tranh từ thời Tây Chu, đến Xuân Thu - Chiến Quốc.

Vũ khí, chiến thuật

Vào thời Xuân Thu đã xuất hiện đồ sắt. Đồ sắt không chỉ sử dụng để cày ruộng, mà còn được sử dụng để chế tạo vũ khí. Cho nên vào thời Xuân Thu đã bắt đầu xuất hiện vũ khí kiểu mới.

Chúng ta có thể đã từng nghe về những bậc thầy đúc kiếm rất nổi tiếng như là Can Tương, Mạc Tà, Âu Dã Tử... họ đều là nhân vật thời kỳ Xuân Thu. Lúc đó sắt đã trở nên rất phổ biến. Sắt chỉ cần thêm Carbon là thành thép, cho nên người thời ấy đã biết luyện sắt và luyện thép, luyện được các chủng các dạng hợp kim, sau đó dùng nó để chế tạo vũ khí. Vào thời Xuân Thu, ở nước Ngô, nước Việt, nước Sở đều có những bậc thầy đúc kiếm rất nổi tiếng.

Trình độ đúc kiếm của Trung Quốc cao đến mức độ nào?

Vào tháng 12/1965, ở lăng mộ Sở, tại núi Vọng Sơn số 1 đã khai quật được cây kiếm của Việt Vương Câu Tiễn. Cây kiếm cách đã cách đây 2500 năm. Khi khai quật lên, thì cây kiếm này có ánh sáng từ lưỡi kiếm toả tứ phía, vô cùng sắc lẹm, không hề có gỉ sét. Điều này nói lên rằng: Trình độ đúc kiếm thời đó là cao đến mức độ nào.

Chúng ta nhìn vào sẽ thấy trên kiếm có 8 chữ triện là: Việt Vương Câu Tiễn tự dụng chi kiếm (越王勾踐自用之劍: kiếm Việt Vương Câu Tiễn dùng).

Chủ nghĩa quân phiệt đã thay đổi hình thái chiến tranh như thế nào?
Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn.
Chủ nghĩa quân phiệt đã thay đổi hình thái chiến tranh như thế nào?
8 chữ triện trên kiếm của Việt Vương Câu Tiễn là "Việt Vương Câu Tiễn tự dụng chi kiếm".

Sau khi khai quật lên, lấy thanh kiếm vạch nhẹ lên xấp giấy, thì xấp giấy đã bị cắt làm đôi.

Thời đó còn phát minh ra nỏ. Chúng ta biết rằng cung là dùng lực cánh tay để bắn, còn nỏ là chân giậm lên để bắn.

Nỏ của nước Hàn thời Chiến Quốc là tốt nhất, có thể bắn xa nhất 800m.

Thời ấy, việc sử dụng cung tiễn, gồm cả việc phát minh ra đồ sắt đã nâng cao hiệu quả sát nhân trên chiến trường.

Nói về chiến thuật công thủ, thì thời kỳ này cũng có những thay đổi rất lớn, đã xuất hiện những 'công thành chiến pháp' (phương pháp công thành trong chiến tranh), dùng thuỷ công, hoả công v.v.

Chúng biết binh gia Tôn Vũ đã 'ngũ trận nhập Dĩnh' (5 trận mà tiến vào được đô thành Dĩnh Đô của nước Sở). Dĩnh đô là thành rất lớn và khó đánh, vì sao Tôn Vũ công hạ được? Chính là vì ông đã dùng thuỷ công.

Quy mô quân đội

Chiến tranh thời Xuân Thu lấy chiến xa làm chủ, hai bên dùng chiến xa để xếp trận, sau đó mới xuất kích.

Đến thời Chiến Quốc, thì bộ binh và kỵ binh là quân chủng dã chiến chủ yếu. Các chủng các dạng 'bao vây chiến' (包圍戰: chiến tranh kiểu bao vây) đã trở thành chiến thuật chủ yếu.

Chúng ta biết Triệu Vũ Linh Vương với 'Hồ phục kỵ xạ' (胡服騎射: mặc trang phục người Hồ, chú trọng huấn luyện kỵ binh và kỹ năng bắn cung), thì đây là nói về kỵ binh.

Thời đó kỵ binh của nước Tần vô cùng lợi hại, ngay cả quân Hung Nô vốn lớn trên lưng ngựa cũng đánh không lại nước Tần.

Ở đây thấy rằng, về binh chủng đã phát sinh thay đổi. Thêm nữa, số lượng quân đội đã gia tăng lượng lớn.

Thời Xuân Thu lấy chiến xa làm chủ, cho nên để tính toán binh lực thì thông thường là tính toán số chiến xa. 'Binh xa nhất thặng' (兵車一剩: một cỗ binh xa) thông thường là 30 người. Cho nên 'thiên thặng chi quốc' (千乘之國: quốc gia có 1000 cỗ xe) thì số lượng quân nhân của quốc gia họ là 3 vạn mà thôi.

Đến thời Chiến Quốc, thì binh lực của 'Chiến Quốc Thất Hùng' đều là mấy chục vạn.

Trường Bình chi chiến (長平之戰: trận chiến Trường Bình) trong chốc lát mà quân Tần đã giết hơn 40 vạn quân Triệu. Nhưng nước Triệu không phải là quốc gia lớn nhất thời Chiến Quốc, mà cũng có tới mấy chục vạn quân. Còn khi nước Tần và nước Sở quyết chiến, thì nước Tần động viên được 60 vạn, nước Sở động viên được 100 vạn. Cho nên thấy rằng, vào thời Chiến Quốc thì số lượng binh sĩ đã tăng lên rất nhiều.

Có nhiều người sẽ thắc mắc rằng: Vì sao số liệu binh sĩ lại gia tăng, trong quá khứ làm sao có nhiều người làm bình sĩ như thế được? Câu trả lời là: Bởi vì thân phận người tham chiến đã xảy ra thay đổi.

Thành phần tham dự

Vào thời Tây Chu và Xuân Thu, thì xã hội lấy thân tình (tình cảm người thân) làm luân lý, kiến lập một kết cấu chính trị như vậy. Trong một kết cấu như vậy, chỉ có quý tộc mới được làm lính đánh trận.

Bởi vì nếu muốn làm lính đánh trận, thì họ phải chuẩn bị ngựa, xe, giáp, vũ khí, lương thảo. Nếu không có tiền thì không thể đánh trận được. Cho nên vào thời ấy, đánh trận là một đặc quyền của quý tộc. Điều này cũng giống với châu Âu thời Trung Cổ. Châu Âu thời Trung Cổ là xã hội phong kiến, Tây Chu của Trung Quốc cũng là xã hội phong kiến.

Vào thời Trung Cổ, quý tộc châu Âu, hay còn gọi là võ sĩ, thì đánh trận là đặc quyền của họ. Người bình thường căn bản không nói chuyện đánh trận, bởi vì họ không chuẩn bị được những thứ nói ở trên như ngựa, lương thảo...

Xã hội thời Xuân Thu dựa vào huyết thống thân tình để làm sợi dây gắn bó, kết thành từng vòng từng vòng xã hội cộng đồng nhỏ. Điều này nghĩa là: Giữa đại phu và chư hầu là cộng đồng nhỏ. Giữa chư hầu với thiên tử là một cộng đồng nhỏ khác.

Vậy thì quan hệ giữa quốc gia với quốc gia chính là quan hệ giữa các gia đình quý tộc. Tất cả các hoạt động ngoại giao cũng chính là các hoạt động trong gia đình, thêm vào đó còn có quan hệ thông hôn, quan hệ thông gia v.v. Điều này đưa đến một hiện tượng đó là: Dù là thời kỳ nào, Xuân Thu hay Chiến Quốc, miễn là quý tộc tồn tại, thì quy mô chiến tranh vô cùng có hạn.

Vậy thì màu sắc 'quý tộc' trong chiến tranh được thể hiện như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chương Thiên Lượng - purespring.tv
Thuần Phong biên dịch

Chú thích:

(*) Link Tần Hán sử tập 10: Sự giải thể của cộng đồng nhỏ và sự xuất hiện của thể chế quân phiệt.

(**) Ảnh trong bài chụp từ Tần Hán sử tập 10.

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Chủ nghĩa quân phiệt đã thay đổi hình thái chiến tranh như thế nào?