Chuyên gia: Vị thế quân sự của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương là 'rất đáng báo động'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Dakota Wood, cựu Thủy quân lục chiến Mỹ hiện là nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại The Heritage Foundation, nhận định rằng quân đội Trung Quốc hiện duy trì một lợi thế vượt trội hơn nhiều so với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này là rất 'đáng báo động'.

“Nếu xét tương quan về số lượng, điều đó rất đáng quan ngại”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/10 với đài NTD, một phương tiện truyền thông anh em của The Epoch Times.

“Hải quân Mỹ đang sở hữu dưới 300 tàu chiến. Trong số đó, 100 chiếc đang lênh đênh trên biển. Trong con số 100 này thì có khoảng 60 chiếc đang ở phía tây Thái Bình Dương”.

“Còn riêng hải quân Trung Quốc đã sở hữu tới 360 tàu chiến", ông Wood nói thêm. "Vì vậy, nếu chỉ xét riêng về mặt số lượng thì ngay cả khi tàu của Mỹ có tiên tiến hơn của họ, đây vẫn là một bất lợi với tỷ lệ 6-1".

Bình luận của ông được đưa ra sau khi báo cáo về Chỉ số Sức mạnh Quân sự Hoa Kỳ năm 2023 được công bố. Lần đầu tiên sức mạnh tổng thể của quân đội Mỹ bị hạ cấp xuống mức "yếu". Đây là mức thấp thứ hai trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự gồm năm mức, từ “rất yếu” đến “rất mạnh”.

Báo cáo (pdf), được xuất bản hàng năm bởi Viện nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation. Theo đó, báo cáo căn cứ trên các chỉ số về sự kết hợp của nguồn tài chính thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu, thiếu huấn luyện chuyên nghiệp cùng những kỳ vọng phi thực tế trong các mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo nêu rõ: “Với vị thế như hiện nay, quân đội Mỹ đang có nguy cơ không thể đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ lợi ích quan trọng của quốc gia”.

"Quân đội Mỹ được đánh giá là yếu hơn đối với yêu cầu cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia so với những thách thức thực tế trên phạm vi toàn cầu", báo cáo cho hay.

Trung Quốc sở hữu lợi thế quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Báo cáo mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa toàn diện nhất" của Mỹ. Báo cáo phân tích cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hiện đại hóa quân đội của mình nhằm mục đích giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Báo cáo nêu rõ: “Trung Quốc đã đầu tư vào một kho vũ khí tên lửa được thiết kế để nhắm vào các tàu chiến Mỹ, nâng cấp hệ thống máy bay chiến đấu và đang trang bị các thiết bị tiên tiến có thể sánh ngang với quân đội Mỹ về chất lượng".

“Các chuyên gia tình báo Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ về công nghệ tên lửa siêu thanh, các hệ thống công nghệ vũ trụ và đóng tàu hải quân. Họ đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình".

Ông Wood đánh giá rằng ĐCSTQ sẽ nắm giữ lợi thế địa lý so với Mỹ trong các kịch bản xung đột tiềm tàng, chẳng hạn như một cuộc xâm lược Đài Loan.

Ông Wood nói: “Quân đội Trung Quốc đang hoạt động trong phạm vi 100 dặm hoặc xa hơn so với đường bờ biển của họ. Còn quân đội Mỹ thì cách quê nhà tới 6.000 dặm".

“Họ sở hữu các nguồn tài nguyên trên đất liền có thể phục vụ cho một cuộc hải chiến. Còn Mỹ thì không có các loại năng lực tương tự trong khu vực".

Thông thường, câu trả lời cho tình huống như vậy sẽ là tăng kinh phí cho huấn luyện và trang thiết bị cao cấp. Tuy nhiên, binh lính Mỹ đang nhận được ít kinh phí hơn những năm trước, bất chấp mối đe dọa xung đột ngày càng gia tăng.

Ông Wood nói: “Trong Chiến tranh Lạnh, các phi công của chúng ta sẽ bay hơn 300 giờ một năm. Ngày nay, các phi công trung bình của Lực lượng Không quân Mỹ bay chưa đến 120 giờ".

Mỹ không chỉ thiếu kinh phí để duy trì lực lượng không quân, để lái tàu, diễn tập quân sự, thực hành bắn đạn thật mà còn thiếu kinh nghiệm huấn luyện. Chính việc thiếu huấn luyện và thiếu tính sẵn sàng chiến đấu đã khiến Trung Quốc vượt mặt Mỹ, ông nói.

Các vấn đề quân sự của Mỹ

Ông Wood phân tích rằng, yếu tố cốt lõi góp phần vào sự suy yếu của năng lực quân đội Mỹ là thiếu kinh phí cho việc hiện đại hóa quân đội. Mặc dù giá trị đồng USD tăng, nhưng giá trị thực của số tiền chi trả cho quân đội Mỹ không bằng con số đã chi trong những thập kỷ trước.

Ví dụ, vào năm 2020, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 778,23 tỷ USD, chỉ chiếm 3,74% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, vào năm 1990, ngân sách quốc phòng là 325,13 tỷ USD, chiếm 5,61% GDP. Ngoài ra vào năm 1960, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 47,35 tỷ USD, chiếm 8,99% GDP.

Do đó, chi phí quân sự của Mỹ chi cho quốc phòng tính theo tỷ lệ tăng trưởng chung đã cán mốc thấp nhất trong lịch sử. Thêm vào đó là ảnh hưởng của lạm phát tràn lan trong năm qua và sức mua thực tế của quân đội đã nhanh chóng suy giảm.

Phát biểu tại một sự kiện ra mắt báo cáo, ông Wood cho biết, tất cả những yếu tố này cộng lại đã khiến cho quân đội Mỹ không đủ năng lực hiện đại hóa nhanh chóng giống như những gì Trung Quốc đang làm.

“Thật đáng báo động”, ông Wood nói.

“Chúng tôi đã nhận thức được xu hướng từ rất lâu. Hầu hết các thiết bị quân sự mà Mỹ đang sử dụng đều đã cũ. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III vẫn còn nằm trong hầm chứa từ lần đầu tiên được mua về vào đầu những năm 1970”.

Ông Wood khẳng định bản báo cáo “không phải là một bản cáo trạng” về các chiến binh Mỹ, mà là về thiết bị, kinh phí và các ý tưởng đã cản trở năng lực của quân đội nước này trong việc theo đuổi các mục tiêu quốc gia. Các yếu tố này cũng sẽ kéo theo những căng thẳng trong tương lai.

Có lẽ không nơi nào điều này được minh họa rõ ràng như trong lịch trình huấn luyện khắt khe của quân đội Mỹ và trang thiết bị của họ. Mặc dù trên thực tế là Hải quân Mỹ chỉ bằng một nửa so với thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lực lượng này vẫn duy trì số lượng triển khai như cũ, dẫn đến gia tăng hao mòn về nhân lực và vật chất.

“Mỗi thủy thủ đoàn trên những con tàu đó đang làm việc chăm chỉ gấp đôi", ông Wood nói. "Vì vậy, Mỹ có quá ít máy bay hay tàu chiến, trong khi nhân lực của chúng vẫn đang hoạt động với cùng nhịp độ".

Báo cáo nói rằng việc xếp hạng sức mạnh quân sự của Mỹ ở mức "yếu" là kết quả đến từ sự lãnh đạo kém cỏi trong nhiều năm của Washington.

“Đây là hậu quả hiển nhiên sau nhiều năm thiếu hụt nguồn vốn, không xác định được các ưu tiên quân sự, thay đổi dữ dội chính sách an ninh, kỷ luật cực kỳ kém trong quá trình huấn luyện và thiếu nghiêm túc trong toàn bộ căn cứ an ninh quốc gia, ngay cả khi các mối đe dọa đối với lợi ích của nước Mỹ đang ngày một leo thang".

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Vị thế quân sự của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương là 'rất đáng báo động'