Cuộc đột kích làm lên lịch sử của Đội đặc nhiệm tinh nhuệ Anh SAS

Giúp NTDVN sửa lỗi

SAS là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ nhất trên thế giới là hình mẫu để nhiều đơn vị khác trên thế giới học tập và noi theo.

Nhiệm vụ của SAS

Trải qua 82 năm kể từ ngày thành lập họ đã lập nên biết bao những chiến công lẫy lừng từ thế chiến thứ hai; chiến tranh Pháp; đến vụ giải cứu con tin ở Đại sứ quán Iran tại London, vậy đâu là bí mật giúp Lực lượng này đạt được thành công đến như vậy?

Vậy SAS là gì? SAS viết tắt của Special Air Service, chính là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới của lực lượng quân đội Anh, SAS được xem là hình mẫu cho rất nhiều lực lượng đặc nhiệm hàng đầu trên thế giới. Đội đặc nhiệm SAS được đánh giá là một trong những lực lượng đặc nhiệm lâu đời nhất và tốt nhất ở Anh, đơn vị này được hình thành năm 1941.

Đặc nhiệm SAS của Anh được tổ chức thành 3 trung đoàn 21, 22 và 23 trong đó trung đoàn số 22 là lực lượng thường trực chiến đấu còn trung đoàn số 21 và 23 là các đơn vị dự bị trong nước.

SAS hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đặc nhiệm nước ngoài, ví dụ như JTF2 của Canada, SFOD-D của Mỹ và GSG 9 của Đức.

Quá trình huấn luyện khắc nghiệt

Để trở thành đặc nhiệm SAS các ứng viên phải trải qua khâu tuyển chọn và kiểm tra cường độ cao trước khi tiếp tục khóa đào tạo chuyên sâu, quá trình sàng lọc ứng viên được cho là một trong những khoá huấn luyện quân sự khắc nghiệt nhất thế giới nơi tỷ lệ thất bại lên tới trên 90%. Các ứng viên cần vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe chiến đấu, các ứng viên phải chạy 2,5 km theo đội hình tổ trong 15 phút, sau đó chạy cá nhân ở quãng đường tương tự với thời gian dưới 10 phút 30 giây. Thông thường có khoảng 10% ứng viên trượt trong bài kiểm tra này.

Giai đoạn 1 là rèn sức chịu đựng, thể chất và khả năng định hướng hay còn gọi là giai đoạn học trên đồi, các ứng viên phải khoác ba lô hành quân đường dài với trọng lượng tăng dần theo khung thời gian ngày một hạn hẹp. Định hướng đường đi giữa các chốt có huấn luyện viên giám sát, giai đoạn này có hai khoa mục chính là cuộc hành quân đường dài 24 km và hành quân đường dài 64 km, nơi sức chịu đựng của họ bị đẩy lên cực điểm. Họ phải mang ba lô nặng 25 kg cộng thêm súng trường lương thực và nước uống và chỉ được sử dụng bản đồ và la bàn để định hướng trong thời gian tối đa cho phép là 20 giờ.

Giai đoạn 2 là huấn luyện trong rừng, các ứng viên sẽ học các nguyên tắc cơ bản là sinh tồn và tuần tra trong các điều kiện khắc nghiệt, họ sẽ hoạt động theo tổ 4 người và được cấp khẩu phần ăn để tiến hành các chuyến tuần tra trong rừng kéo dài nhiều tuần phía sau phòng tuyến kẻ thù với yêu cầu phải sống sót.

Giai đoạn 3 có tên là trốn thoát tránh bị bắt giữ và trao đổi chiến thuật. Thông thường chỉ có một lượng nhỏ ứng viên vượt qua giai đoạn huấn luyện chuyển đổi và trong rừng để bước vào giai đoạn huấn luyện cuối cùng, tiếp đó các ứng viên sẽ được thả vào vùng nông thôn mặc các bộ quân phục từ thời thế chiến thứ hai với nhiệm vụ tìm cách vượt qua một loạt các địa điểm mà không bị kẻ địch săn lùng hay bắt giữ.

Tiếp theo họ sẽ bị kiểm tra khả năng chống thẩm vấn của lính đặc nhiệm SAS trong tương lai các ứng viên sẽ bị thẩm vấn rất khắc nghiệt, thường là bị bắt đứng nghiêm trong nhiều giờ và bị tra tấn bởi những tiếng ồn cực lớn xung quanh. Họ chỉ được phép trả lời về tên, cấp bậc, số hiệu và ngày tháng năm sinh với thẩm viên, và tuyên bố xin lỗi tôi không thể trả lời với mọi câu hỏi khác. Việc phải đứng nghiêm trong thời gian dài và bị tra tấn bởi tiếng ồn, khiến ứng viên bị mất nhận thức về thời gian không gian và rất dễ phạm sai lầm, đặc nhiệm SAS cần những người chịu đựng được sự tra khảo như vậy trong thời gian dài, một số ít ứng viên vượt qua quá trình tuyển lựa và huấn luyện khắc nghiệt trên sẽ được trao chiếc mũ nồi màu be với biểu tượng dao găm có cánh để trở thành thành viên mới của đặc nhiệm SAS.

Sau khi được biên chế vào trung đoàn SAS thường trực, họ sẽ tiếp tục được huấn luyện chuyên sâu và nhiều lính SAS vẫn bị gửi trả về đơn vị trong quá trình huấn luyện.

Cuộc đột kích làm lên lịch sử của Đội đặc nhiệm tinh nhuệ Anh SAS
Thành viên của SAS phải trải qua một quá trình huấn luyện khắc nghiệt (Ảnh: Getty)

Cuộc đột kích làm nên lịch sử của SAS

Trước khi lực lượng đặc nhiệm SAS trực tiếp giải cứu con tin tại đại sứ quán Iran tại Anh, công chúng Anh gần như chưa từng biết về sự tồn tại của lực lượng tinh nhuệ hàng đầu này.

Hồi 11 giờ 30 phút sáng thứ tư ngày 30 tháng 4 năm 1980 tại London thủ đô của Vương quốc Anh diễn ra một sự kiện kinh hoàng, sáu tay súng được trang bị tiểu liên và súng ngắn tự động đã xông vào đại sứ quán Iran trên đường Prince trong đó bao gồm nhân viên đại sứ quán, các du khách và một sĩ quan cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ.

Những kẻ khủng bố yêu cầu trả tự do cho các tù nhân ở Kazakhstan, đồng thời để chúng rời khỏi Vương quốc Anh một cách an toàn nếu không được đáp ứng trước buổi trưa ngày mùng 1 tháng 5, chúng sẽ cho nổ tung tòa đại sứ và toàn bộ con tin.

Qua điều tra chính quyền xác nhận những tên này là thành viên của Mặt trận cách mạng dân chủ giải phóng Arabistan do Sammy Mohammed Ali làm thủ lĩnh, đây là tổ chức tập hợp những người Ả Rập ở Iran, mang tư tưởng đấu tranh nhằm thành lập một nhà nước tự trị ở khu vực phía Nam của Iran, vốn là nơi sinh sống của cộng đồng thiểu số nói tiếng Ả Rập.

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc chính phủ anh đã thành lập một ủy ban khẩn cấp. Họ thông báo cho chính phủ Iran và đề nghị phối hợp giải quyết. Nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu, thậm chí còn cáo buộc ngược lại rằng Anh đã cùng Mỹ tài trợ cho vụ tấn công để trả thù cho cuộc khủng hoảng con tin đang diễn ra ở Tehran. Với sự bất hợp tác này, đương kim thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher quyết định giải quyết những kẻ khủng bố theo cách của người Anh.

Ngay lập tức những người lính từ trung đoàn số 22 của lực lượng đặc nhiệm đã được triển khai đến Luân Đôn, được trang bị tận răng về lựu đạn, thuốc nổ, súng. Trong khi đó ủy ban khẩn cấp đã thông qua một phương án, theo đó phía cảnh sát sẽ tiến hành thương thảo đàm phán nhằm cố gắng hết sức giữ an toàn tính mạng cho các con tin, tuy nhiên chỉ cần một trong số họ thiệt mạng thì SAS sẽ tiến hành đột kích.

Các đặc nhiệm luôn trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Khi cuộc thương lượng giữa cảnh sát và những kẻ khủng bố đang diễn ra, thì SAS phối hợp cùng tổng cục An ninh Vương quốc Anh đã cẩn thận quan sát chính xác xung quanh tòa đại sứ, và lắp đặt các thiết bị nghe lén.

Từ ngày mùng 1 đến ngày 4 tháng 5, Sammy Mohammed Ali lần lượt trả tự do cho 4 con tin, mỗi một con tin được thả ra là một hy vọng cuộc khủng hoảng có thể kết thúc êm đẹp được thắp lên.

Tuy nhiên đến ngày mùng 5 Mohammed Ali đã thực sự nổi giận và mất kiên nhẫn vì những yêu cầu của mình không được đáp ứng, lúc 1:45 chiều Ali Mohamed đã ra lệnh hành quyết trưởng phòng báo chí của đại sứ quán, xác của ông này bị ném ra ngoài kèm theo lời đe dọa rằng, các tay súng sẽ giết tất cả những người còn lại trong vòng 30 phút sắp tới nếu những yêu sách của chúng không được thực hiện.

Hành động này của những kẻ khủng bố chính thức đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình. Chiến dịch giải cứu được chuyển lại cho SAS với sự chấp thuận của thủ tướng.

Theo kế hoạch các đơn vị tác chiến được phân công đặc biệt ở hiện trường được chia làm hai đội, đội đỏ và đội xanh, mỗi đội có nhiệm vụ khác nhau, đội đỏ sẽ đổ bộ vào các tầng 3 4 5 từ mái nhà trong khi đội xanh truy quét tầng hầm tầng 1 và tầng 2, mấu chốt ở đây là cả hai đội phải đột kích cùng một lúc để đảm bảo yếu tố bất ngờ và an toàn cho các con tin ở mức tối đa.

Vào hồi 7 giờ 23 phút tối ngày mùng 5 tháng 5 năm 1980, chiến dịch giải cứu con tin ở đại sứ quán Iran ở London do lực lượng tác chiến đặc biệt SAS đảm nhiệm mang mã hiệu Nimrod chính thức được tiến hành.

Đầu tiên các chiến binh của đội đỏ thả một quả lựu đạn choáng vào bên trong tòa nhà thông qua giếng trời nhằm mục đích nghi binh, đồng thời làm tín hiệu phát động tấn công. Khi quả lựu đạn phát nổ, 4 thành viên đội đỏ thực hiện đu dây xuống tầng 3, quá trình này diễn ra không suôn sẻ khi một trong số họ bị kẹt khiến đồng đội không thể phá cửa sổ bằng chất nổ vì sợ làm anh ta bị thương, thay vào đó họ buộc phải đập vỡ kính và cuối cùng cũng xoay sở đột nhập thành công, nhưng lựu đạn được ném vào đã đốt cháy rèm cửa sổ vào bắt lửa vào mặt nạ chống độc của đội trưởng khiến anh phải tháo nó ra.

Nhưng chiến dịch diễn ra thành công vượt mong đợi. Do bị bất ngờ, những kẻ khủng bố chỉ có thể sát hại một con tin trước khi bị tiêu diệt trước làn đạn của các đặc nhiệm. Hai tên bị bắt sống, nhưng khi áp tải xuống cầu thang, đặc nhiệm SAS phát hiện một trong hai tên này đang cầm lựu đạn. Hắn ta lập tức bị đẩy xuống cầu thang và bị bắn chết trước khi kịp kéo chốt.

Toàn bộ cuộc đột kích kéo dài trong 17 phút. Trong số 6 kẻ khủng bố, 5 bị bắn chết tại chỗ và chỉ một tên bị bắt sống khi cố gắng ẩn mình trong đám đông con tin.

Chiến dịch giải cứu con tin mang mật danh Nimrod được phát trực tiếp vào lúc “giờ vàng” đã thu hút hàng triệu người theo dõi ở Anh và được coi là thời khắc lịch sử.

Chiến dịch diễn ra thành công giúp củng cố uy tín của chính phủ Anh và cá nhân Thủ tướng Thatcher. Phải mất hơn một thập kỷ sau, Iran mới đạt thỏa thuận với Anh để sửa chữa và khôi phục trở lại hoạt động của Đại sứ quán Iran tại London vào năm 1993.

Đến ngày nay, chiến dịch Nimrod vẫn được coi là cuộc đột kích gây tiếng vang nhất của đặc nhiệm SAS.

Lý Ngọc tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đột kích làm lên lịch sử của Đội đặc nhiệm tinh nhuệ Anh SAS