Đại diện thương mại Mỹ: Mỹ không có ý định 'tách rời' khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong chuyến thăm Tokyo ngày 20/4/2023, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai cho biết Mỹ không tách rời nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ tư của Bà Tai, sau khi bà được bổ nhiệm làm đặc phái viên thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Bà nói rằng tất cả các thành viên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đều “rất rõ ràng rằng họ không có ý định tách rời” nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc.

Theo bà, các biện pháp trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là “chỉ nhắm vào một số mục tiêu nhất định”.

Trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Nhật Bản, bà Tai chia sẻ rằng Trung Quốc là một quốc gia có quy mô và tầm quan trọng to lớn đối với nền kinh tế thế giới; vì vậy để nền kinh tế thế giới có thể vận hành bình ổn, việc hoàn toàn cắt đứt với Trung Quốc là điều “khó có thể thực hiện được”, và “không phải là mục tiêu” của Hoa Kỳ.

Bà Tai cho hay các hoạt động thương mại thông thường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục được triển khai. Mặc dù bà chưa có kế hoạch ghé thăm Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, bà Tai vẫn “hoàn toàn sẵn sàng kết nối với các đại diện thương mại khác ở Bắc Kinh”.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đến dự một cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 20/4/2023. (Shuji Kajiyama / Ảnh AP)

Tuy không thể tách rời khỏi Trung Quốc, song Hoa Kỳ vẫn phải đối phó với thái độ hung hăng ngày càng gia tăng, sự thống trị trong nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc. Vì thế, Hoa Kỳ đang tìm cách củng cố và mở rộng hợp tác an ninh kinh tế với các đồng minh và đối tác châu Á khác.

Sự bùng phát của COVID-19 và các biện pháp để đối phó với đại dịch đã khiến các hoạt động thương mại toàn thế giới bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng thiếu chip máy tính và nhiều loại hàng hóa khác. Sau những hậu quả này, việc đảm bảo an ninh và sự định của chuỗi cung ứng đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Bà Tai cho biết thêm, gần đây, Hoa Kỳ mới ký kết một thỏa thuận về buôn bán khoáng sản trọng yếu. Theo đó, những xe điện sử dụng kim loại có nguồn gốc tại Nhật Bản, hoặc kim loại được xử lý tại Nhật Bản, sẽ được áp dụng giảm thuế theo “Đạo luật Giảm lạm phát”. Đây là minh chứng cho việc Hoa Kỳ thực hiện cam kết “xây dựng khả năng phục hồi và an ninh kinh tế tập thể”.

"Trong những năm gần đây, do đại dịch, và thêm vào đó là chiến sự Nga-Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề và trở nên bấp bênh. Và Hoa Kỳ chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã quá ỷ lại vào nguồn khoáng chất của một số quốc gia trong quá trình phát triển tương lai năng lượng sạch”, trích lời bà Tai.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden lập luận rằng cách làm từ xưa đến nay của Mỹ là thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do; tuy nhiên, Mỹ đã không thể lường trước được một thế lực nổi lên như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như khả năng một cường quốc là Nga lại gây chiến với chính đối tác thương mại của mình. Hiện nay, chính phủ Mỹ đã và đang áp dụng một cách tiếp cận mới đối với thương mại toàn cầu.

Gần đây, bà Tai đã có một bài phát biểu về “friend-shoring" tại trường Đại học American University. “Friend-shoring” là một thuật ngữ, chỉ việc chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, để vừa có thể tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa có thể hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất vì đặt ở các nước không thân thiện, chẳng hạn như Trung Quốc.

Bà Tai chỉ ra mối quan hệ đối tác thương mại mới với Nhật Bản đã mang lại “những kết quả hữu hình cho người lao động, các doanh nghiệp nhỏ, và các nhà sản xuất của Hoa Kỳ ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương”. Các kết quả đó chính là một thỏa thuận dỡ bỏ giới hạn xuất khẩu thịt bò của Hoa Kỳ sang Nhật Bản, và chính sách nhiên liệu sinh học mới để thúc đẩy Hoa Kỳ xuất khẩu nhiều ethanol hơn sang Nhật Bản.

Bà Tai cũng nói qua về tình hình đàm phán của thỏa thuận thương mại “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” (IPEF) do Mỹ đề xuất. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ ba của thỏa thuận này sẽ diễn ra tại Singapore trong khoảng 2 tuần nữa.

Khuôn khổ này gồm 13 thành viên, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; trong đó Hoa Kỳ chiếm 40% tổng lượng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Hoa Kỳ đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đóng một vai trò chiến lược trọng yếu trong khu vực, vì Việt Nam có một mối quan hệ đối nghịch đặc thù với nước láng giềng Trung Quốc. Vào cuối tuần vừa qua, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có chuyến ghé thăm ngắn tới Việt Nam.

Trước khi ghé thăm Tokyo, bà Tai đã ghé thăm thủ đô Manila của Philippine, nhằm củng cố quan hệ thương mại giữa Nhật Bản, Philippine, và Mỹ, trong bối cảnh 3 nước này đang xây dựng quan hệ kinh tế và quốc phòng.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong thời gian ở Nhật Bản, bà Tai đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và thảo luận về việc phát triển một chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn hơn.

Bà cũng gặp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura. Theo đó, hai bên đã thảo luận về việc tăng cường chuỗi cung ứng. Đây là một vấn đề cấp bách, trong bối cảnh thiếu hụt chip máy tính và các hàng hóa khác do đại dịch. Họ cũng thảo luận về các phương pháp hợp tác để bảo vệ nhân quyền trong kinh doanh.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên xử lý các hành vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng quốc tế, và cấm sử dụng vật liệu từ các nhà cung cấp được cho là đối xử “vô nhân đạo” với công nhân của họ.

Để làm nổi bật những nỗ lực đó, Tai đã đi thăm Patagonia, một cửa hàng bán lẻ quần áo và thiết bị ngoài trời, ở khu thương mại và mua sắm nổi tiếng Shibuya ở Tokyo.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ Biên dịch

Tin tức Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Đại diện thương mại Mỹ: Mỹ không có ý định 'tách rời' khỏi Trung Quốc