6 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng có thể xảy ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020, cháy rừng cũng đã phá hủy gần 18 triệu hecta đất ở Úc. Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua khiến hơn 43.000 người thiệt mạng. Còn tại Việt Nam, theo Viện vật lý địa cầu, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xảy ra gần 60 trận động đất. Liệu còn thảm họa nào có thể xảy ra với nhân loại trong tương lai, hãy xem lại 6 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng trong quá khứ.

1. Siêu núi lửa hồ Toba

Điều này đã xảy ra cách đây 74.000 năm và là một trong những vụ nổ lớn nhất trên Trái đất, gây ra một mùa đông kéo dài trong nhiều năm trên toàn cầu. Khí núi lửa được đẩy ra cả 2 bán cầu và di chuyển khắp hành tinh.

Vụ phun trào tạo ra hồ Toba nổi tiếng ở Indonesia, với diện tích 1.130 km2. Núi lửa Toba vẫn hoạt động và nếu một vụ phun trào tương tự xảy ra lần nữa, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Không những thế, nó còn có thể phát ra lượng khí đủ để ảnh hưởng đến khí hậu của cả thế giới, khiến nhiệt độ thấp hơn và tuyết rơi nhiều hơn. Các quốc gia và khu vực từ Tây Úc đến Đông Phi có thể phải đối mặt với sóng thần. Nền kinh tế thế giới sẽ bị tổn hại, đời sống thực vật sẽ rất khó khăn và việc đi lại sẽ rơi vào tình trạng tê liệt. Nếu ngọn núi lửa này lại thức giấc, giải pháp duy nhất là sơ tán hàng loạt.

2. Siêu sóng thần trên đảo La Palma

Cumbre Vieja là một cụm núi lửa, nơi đã có một vài vụ phun trào trong quá khứ. Lần gần đây nhất là vào năm 2012, nó phun trào trong suốt 3 tháng. Đảo Canary đã được mở rộng thêm 48 hecta nhưng gần 3.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn.

Cụm núi lửa Cumbre Vieja sẽ càng nguy hiểm hơn nếu sườn của nó trượt càng sâu xuống biển. Một vết nứt đã hình thành trong một vụ phun trào vào năm 1949 và sườn phía tây đã bị trượt một phần, nếu nó sụp đổ hoàn toàn sẽ gây ra một cơn sóng thần cực lớn quét qua Đại Tây Dương với tốc độ của một chiếc máy bay phản lực. Sau vài giờ sóng thần sẽ lan đến các đảo của Anh và Bắc Mỹ với độ cao từ 30 đến 60 mét, phá hủy các thành phố như Boston, New York và cả những nơi nằm sâu 25km trong đất liền.

3. Nhiều khu vực đang chìm dần

Tuvalu là một quốc đảo ở Thái Bình Dương, nằm giữa Úc và Hawaii, nơi mà 11.000 cư dân đang đối diện với việc quê hương họ sẽ bị biến mất hoàn toàn. Các chuyên gia ước tính toàn bộ 9 hòn đảo của nó sẽ bị nhấn chìm trong vòng 50 đến 100 năm tới.

Còn đối với Việt Nam ta, nhiều vùng cũng đang đối diện với nguy cơ tương tự. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ nhấn chìm hơn 47% diện tích đồng bằng Sông Cửu Long, khoảng 17% diện tích Sài Gòn và 13% diện tích đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức khí hậu thế giới Climate Central thì rất có khả năng một phần của Sài Gòn sẽ bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030.

4. Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả đại dịch

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6/2021, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo: "Hạn hán đang sắp trở thành đại dịch tiếp theo và không có thuốc chữa trị". Trong thời gian tới, khoảng 130 quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn, khoảng 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và 38 nước vừa bị hạn hán vừa bị thiếu nước sạch. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và giá cả tăng vọt.

Nhiều nhà khoa học lo ngại viễn cảnh về một siêu hạn hán, tương tự như điều đã từng xảy ra ở Đông Nam Á cách đây hơn 5.000 năm, sẽ sớm trở thành hiện thực. Trận siêu hạn hán ấy từng kéo dài suốt 1.000 năm, khiến cho người dân từng sinh sống tại khu vực mà ngày nay là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar,...đã phải di cư đến những nơi khác để tìm nguồn nước. Đây cũng là thời kỳ mà vùng Sahara xanh tươi dần biến thành sa mạc khô cằn như hiện nay.

5. Mối đe dọa từ các tiểu hành tinh

Đây là mối đe dọa có thật hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học tại NASA cho biết họ đang theo dõi 90% các tiểu hành tinh gần Trái đất và không có cái nào đáng lo ngại cả. Tuy nhiên, còn 10% khác vẫn là ẩn số. Hơn nữa, các tiểu hành tinh có thể thay đổi đường bay của chúng do lực kéo từ các thiên thể khác và có thể sẽ quay ngoặt về phía Trái đất.

Nếu một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 1,6 km va vào trái đất, nó sẽ gây ra một cú nổ đủ mạnh, kéo theo động đất toàn cầu, xóa sổ các thành phố lớn trong vài giây. Vụ va chạm sẽ tạo nên một đám mây gồm bụi và mảnh vụn ngăn ánh sáng mặt trời và sẽ gây ra một mùa đông kéo dài hàng thế kỷ. Cũng có khả năng là nó sẽ rơi vào đại dương và kết quả là một cơn sóng cao vài km được hình thành, nhấn chìm những thành phố ven biển, nhưng ít nhất thì sẽ không có một Kỷ Băng Hà mới nào.

6. Bão mặt trời

May mắn cho chúng ta, một trong những ngọn lửa mặt trời tồi tệ nhất từng được ghi lại đã xảy ra khi nền văn minh chưa dễ bị tổn thương như bây giờ. Nó được gọi là sự kiện Carrington, xảy ra vào tháng 9/1859. Rất lâu trước khi có công nghệ hiện đại, một làn sóng plasma và từ trường khổng lồ quét qua Trái đất, tạo ra một cơn bão mặt trời khổng lồ.

Điều này gây nên cực quang mạnh, thắp sáng toàn bộ bầu trời, tuy đẹp nhưng những dòng điện mạnh đi kèm với cơn bão đã để lại những hậu quả nặng nề. Các hệ thống thông tin liên lạc trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đều ngừng hoạt động, hỏa hoạn bùng lên và các nguồn cung cấp điện bị ngắt kết nối liên tục truyền đi những thông điệp kỳ quái.

Năm 1989, một cơn bão mặt trời tồi tệ khác đã tấn công Trái đất. Hậu quả nặng nề nhất là ở Quebec, Canada, nó khiến mạng lưới điện bị sập hoàn toàn và hàng triệu người rơi vào cảnh mất điện trong suốt nhiều giờ.

Các nhà khoa học dự đoán một cơn bão mạnh khác sẽ sớm diễn ra. Họ đặt tên cho nó là “The Big One” và nó có thể đủ mạnh để đánh sập các hệ thống điện và thông tin liên lạc trên toàn thế giới trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

6 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng có thể xảy ra