Cây cao nhất được biết đến trên thế giới đã hơn 700 năm tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cây hồng sam khổng lồ có tên "Hyperion" ở California (Mỹ) đã được Sách Kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận là cây còn sống cao nhất thế giới. Tuy nhiên, cái cây khổng lồ với chiều cao 116 mét gần đây đã bị từ chối tham quan.

Công viên quốc gia Redwood của California đã chính thức thông báo trong một tuyên bố cách đây vài ngày rằng họ cấm bất kỳ du khách nào đến gần vị trí của cái cây, và những người vi phạm sẽ phải đối mặt với sáu tháng tù và khoản tiền phạt 5.000 đô la.

Cây Hyperion nằm sâu trong Vườn quốc gia Redwood ở California, Hoa Kỳ. Tên của nó bắt nguồn từ Hyperion, một trong những Titan trong thần thoại Hy Lạp, và là cha của thần mặt trời Helios và nữ thần mặt trăng Selene. Cây cao 116 mét, đường kính thân 4,84 mét, ước tính khoảng 700 đến 800 năm tuổi và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Trong hơn một thập kỷ, sự viếng thăm của nhiều du khách đã gây ra một cuộc khủng hoảng sinh thái đối với cây và môi trường xung quanh. (Shutterstock)

Kể từ khi cây được phát hiện bởi hai nhà tự nhiên học vào năm 2006 và giành được danh hiệu "Cây cao nhất thế giới", công viên đã không tiết lộ vị trí cụ thể của nó vì mục đích bảo vệ cây và hệ sinh thái địa phương cũng như không có đường mòn nào được xây dựng dẫn đến cái cây. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, vẫn có nhiều du khách tìm mọi cách đến tham quan, dẫn đến khủng hoảng sinh thái đối với cây và môi trường xung quanh.

Công viên Quốc gia Redwood của California cho biết trong một tuyên bố rằng "Hyperion" phát triển trong rừng rậm với thảm thực vật khá dày đặc và cần phải đi qua rất nhiều khu rừng rậm để đến được nó. Bất chấp hành trình khó khăn, sự giới thiệu và quảng bá của nhiều blogger, nhà văn du lịch và các trang web đã thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm, và những khách du lịch này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường sống xung quanh "Hyperion".

Có rất nhiều cây cao chót vót trong Vườn quốc gia Redwood ở California. (Michael Schweppe / Wikimedia Commons)

Công viên cho biết, dù cây có tuổi thọ cao nhưng rễ lại ăn khá nông so với các cây khác, điều này khiến du khách đến tham quan dễ làm ảnh hưởng đến đất trồng.

Leonel Arguello, giám đốc tài nguyên thiên nhiên của công viên, nói với San Francisco Gate rằng dòng khách du lịch đổ về, bên cạnh việc làm xói mòn, hư hại bộ rễ, còn có thêm vấn đề “lượng rác thải lớn do khách du lịch bỏ lại cũng đang gây hại cho môi trường nơi cây cối sinh trưởng”.

Arguello cũng cho biết các nỗ lực cứu hộ sẽ rất khó khăn nếu ai đó không may bị lạc hoặc bị thương trong rừng do dịch vụ GPS và điện thoại di động rất hạn chế trong khu vực.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cây cao nhất được biết đến trên thế giới đã hơn 700 năm tuổi