Có nên đánh thức trẻ đi tiểu trong đêm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Muốn con không tè dầm, không ít các bà mẹ đã đánh thức con dậy đi tiểu đêm, mà không biết điều đó gây hại cho trẻ rất nhiều.

Vì vậy, các mẹ cần cập nhật kiến thức và thông tin về vấn đề này, để trẻ được phát triển toàn diện nhé.

Những tác hại của thói quen đánh thức trẻ đi tiểu đêm:

1. Làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sự phát triển của trẻ

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Nếu mẹ có thói quen đánh thức trẻ dậy đi tiểu đêm thường xuyên sẽ khiến trẻ thiếu ngủ, dẫn đến trẻ thiếu sức sống, uể oải, làm suy giảm hệ miễn dịch và thấp còi hơn bạn bè đồng trang lứa.

Theo nghiên cứu của một tiến sĩ, những trẻ có giấc ngủ trọn vẹn thường có chỉ số phát triển thể chất cao hơn những trẻ có giấc ngủ ít chất lượng.

Trong lúc ngủ, trẻ cũng đang phát triển, xương và các cơ quan nội tạng phát triển và hoàn thiện khi trẻ đang ngủ, những hoạt động vào ban đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Trẻ đang ngủ ngon lại bị gọi dậy đi tiểu sẽ khiến trẻ ngủ không ngon giấc, nảy sinh cảm giác bực dọc, không mấy hài lòng, thậm chí quấy khóc. Đây là phản ứng sinh lý bình thường! Lâu dần, sự cáu gắt đó sẽ trở thành thói quen khó sửa, hễ gặp chuyện gì không vừa ý là trẻ lại “tỏ thái độ”.

Những trẻ có giấc ngủ trọn vẹn thường có chỉ số phát triển thể chất cao hơn những trẻ có giấc ngủ ít chất lượng. (Ảnh: pexels)
Những trẻ có giấc ngủ trọn vẹn thường có chỉ số phát triển thể chất cao hơn những trẻ có giấc ngủ ít chất lượng. (Ảnh: pexels)

2. Bàng quang bị ảnh hưởng

Đi tiểu là phản xạ sinh lý bình thường của con người, khi bàng quang đầy nước, nó sẽ phát tín hiệu để vỏ não biết và kích thích cảm giác muốn đi tiểu. Khi phản xạ “tự nhiên” này của cơ thể bị “thay thế” (mẹ gọi trẻ dậy đi tiểu đêm theo giờ), chức năng bàng quang cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, trẻ tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt vào ban đêm, khiến đồng hồ sinh lý cũng vì vậy mà bị đảo lộn.

3. Làm suy yếu sự tiết hormon kháng bài niệu (ADH)

Ngoài việc đảo lộn đồng hồ sinh học, đi tiểu đêm còn khiến trẻ cáu gắt, khó chịu, thậm chí suy giảm khả năng tiết hormon ADH khiến nước tiểu loãng hơn bình thường, máu bị cô đặc hơn, ảnh hưởng đến hệ thống bài tiết và lưu thông máu trong cơ thể trẻ.

Hormon kháng bài niệu được tiết ra bởi nhóm tế bào vùng đồi dưới não, có công dụng cân bằng huyết áp, lượng máu và nước trong cơ thể trẻ và kiểm soát được lượng chất thải bài tiết ra ngoài.

Việc mẹ gọi con dậy vào ban đêm sẽ khiến quá trình tiết hormon kháng bài niệu bị rối loạn, dẫn đến tình trạng suy yếu; làm trẻ dần hình thành thói quen tiểu đêm và khó bỏ sau này.

Nếu mẹ có thói quen đánh thức trẻ dậy đi tiểu đêm thường xuyên sẽ khiến trẻ thiếu ngủ,  chức năng bàng quang cũng bị ảnh hưởng, khiến đồng hồ sinh lý cũng vì vậy mà bị đảo lộn. (Ảnh: pexels)
Nếu mẹ có thói quen đánh thức trẻ dậy đi tiểu đêm thường xuyên sẽ khiến trẻ thiếu ngủ, chức năng bàng quang cũng bị ảnh hưởng, khiến đồng hồ sinh lý cũng vì vậy mà bị đảo lộn. (Ảnh: pexels)

Thay vì đánh thức trẻ, mẹ nên tìm những phương pháp phù hợp để trẻ bỏ dần thói quen tiểu đêm, tè dầm:

- Hạn chế cho trẻ uống nước hay sữa trước khi đi ngủ

Mẹ nên cho trẻ uống nước vào ban ngày, đến tối trước khi đi ngủ 1-2 tiếng thì cho trẻ uống thêm 1 cốc nước nữa, đó sẽ là cốc cuối cùng trong ngày, có thể áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi

- Trước khi ngủ hãy khuyến khích con đi tiểu

Đối với trẻ trên 1 tuổi, trước khi trẻ lên giường đi ngủ, mẹ nên khuyến khích trẻ đi tiểu. Ví dụ trẻ thường ngủ vào 21h-21h30, mẹ nhắc trẻ đồng thời đưa trẻ đi tiểu vào lúc 20h hoặc 20h30, dần dần khung giờ này sẽ trở thành mốc thời gian quen thuộc mỗi ngày.

Các mẹ cũng cần kiên trì cùng con, tạo cho con thành nếp, khuyến khích để con cảm thấy vui vẻ khi đi vệ sinh.

Trước khi ngủ hãy khuyến khích con đi tiểu, đi vệ sinh. (Ảnh: pexels)
Trước khi ngủ hãy khuyến khích con đi tiểu, đi vệ sinh. (Ảnh: pexels)

- Dạy bé nói với người lớn khi muốn đi tiểu

Cách làm này phù hợp với những trẻ từ 1-2 tuổi đã nghe hiểu mẹ nói gì và có thể đáp lại. Mẹ kiên nhẫn chỉ dẫn trẻ mỗi khi muốn đi tiểu (đi tè) thì con có thể phát âm một số từ như “đi tè”, “tè tè”,…

Đây là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ tự nhận thức và hiểu được cơ thể minh, biết khi nào cần đi tiểu, khi nào không. Vì trẻ “tự thân vận động” nên đồng hồ sinh lý hoạt động trơn tru, hệ bài tiết cũng làm việc hiệu quả hơn mà không bị tác động từ bên ngoài.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Có nên đánh thức trẻ đi tiểu trong đêm?