Người dân thủ đô Nhật Bản nộp lại 30 triệu USD tiền nhặt được trong năm 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong năm ngoái, người dân Tokyo đã nộp lại cho cảnh sát số tiền hơn 30 triệu USD tiền nhặt được, đạt mức cao kỷ lục, tương đương gần 4 tỷ yên.

Ngày 16/3, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết con số này tăng khoảng 4,5 triệu USD so với năm 2019, theo báo The Guardian.

Văn phòng phụ trách đồ thất lạc của cảnh sát Tokyo cho biết họ đã trả lại khoảng 23 triệu USD cho người mất và trao thưởng hơn 3,6 triệu USD cho người giao nộp. Tình người của người dân Tokyo đã được khen ngợi và đánh giá cao.

Luật pháp Nhật Bản quy định người nộp tiền nhặt được cho cảnh sát sẽ được thưởng khoảng 5-20% tổng số tiền nếu chủ nhân tới nhận.

Nếu người đánh rơi không đến nhận lại tiền sau 3 tháng, toàn bộ số tiền sẽ được chuyển cho người nhặt được và giao nộp. Nếu người đã giao nộp không đến nhận lại tiền sau 2 tháng, số tiền sẽ được chuyển vào khoản quỹ công.

Ngoài tiền mặt, người dân thủ đô Nhật Bản cũng giao nộp 3,43 triệu đồ vật nhặt được vào năm 2022, tăng 21.9% so với năm 2021, theo hãng tin Bloomberg. Giấy phép lái xe và các dạng giấy tờ tùy thân khác chiếm số lượng lớn nhất - 730.000 cái. Còn có cả găng tay, quần áo cũng như ví...

Mọi người đi bộ qua một con phố mua sắm ở khu vực Omotesando của Tokyo, Nhật Bản vào ngày 15/12/2022. (YUICHI YAMAZAKI/AFP via Getty Images)

Giao nộp ngay cả những đồ vật nhỏ

Hãng tin Al-Jazeera dẫn câu chuyện của cô gái 20 tuổi Maithilee Jadeja bị mất chiếc điện thoại vào tại một khu vực gần vùng núi lửa Aso.

Jadeja đã khai báo với cảnh sát, và hai tháng sau nhận lại chiếc điện thoại ở nơi cách đó 500 km, quận Kumamoto.

Điều đáng nói là chiếc điện thoại vỡ màn hình, hầu như vô giá trị với người đã nhặt được nó.

Nhưng tại Nhật Bản, thậm chí những món đồ bị mất tưởng như hoàn toàn vô giá trị cũng được lưu giữ, chờ người tới nhận. Đó có thể là điện thoại, ví, máy chụp hình, chìa khóa hay... những cây dù. Trong năm 2016, cảnh sát Tokyo nhận được tới 381.135 cây dù bị “cầm nhầm” được trả lại đồn cảnh sát.

Dân chúng đi lại ở ngã tư Shibuya, Tokyo
Dân chúng đi lại ở ngã tư Shibuya, Tokyo. (Ảnh: Getty Images)

Vì sao người Nhật "nhặt được của rơi, trả người đánh mất"?

Đức tính trung thực của người Nhật được hình thành từ nền văn hóa và giáo dục đạo đức. Đạo đức là một môn học quan trọng trong chương trình dạy ở trường. Học sinh học cách tưởng tượng cảm giác của những người bị mất đồ đạc và tiền bạc. Do đó, việc trẻ em mang tiền nhặt được đến đồn cảnh sát không phải là chuyện hiếm, theo ông Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát, cho biết. Hiện tại, ông Nishioka là giảng viên ngành nghiên cứu quốc tế của trường ĐH Kansa.

Ngoài ra, theo tín ngưỡng thờ Mặt trời, người dân Nhật Bản quan niệm “Dù có thể không ai thấy việc bạn làm, nhưng thần linh vẫn biết”.

Ngoài ra, đồ thất lạc ở Nhật Bản được trả lại chủ yếu là do hệ thống Koban (chốt cảnh sát nhỏ) rộng khắp và luật pháp rõ ràng. Có khoảng 6.000 koban như thế rải khắp các thành phố và vùng ngoại ô tại Nhật, vì thế khi ai đó nhặt được đồ, họ dễ dàng tìm thấy địa chỉ trả lại cho người bị mất, hoặc gọi cho cảnh sát.

Bản thân nhân viên cảnh sát và cơ quan lưu trữ luôn kỷ luật tuyệt đối và tuân thủ tuyệt đối quy trình xử lý bất kể món đồ ấy có giá trị hay không. Điều đó dẫn tới hình ảnh những cô bé, cậu bé nhặt được 10 yen cũng đem nộp cảnh sát và được cảnh sát tặng... kẹo.

Bên cạnh đó, các khu vực đông đúc như ga tàu điện ngầm và sân bay đều có bảng hướng dẫn kèm số điện thoại để trả lại đồ nhặt được hoặc khai báo mất đồ.

Ở nhiều nước, đánh rơi mất một cuốn hộ chiếu có thể làm một thảm họa. Còn ở Nhật Bản, đơn giản là bạn trình báo với cảnh sát, và khả năng cao là có thể tìm thấy và được trả lại.

Dương Minh tổng hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Người dân thủ đô Nhật Bản nộp lại 30 triệu USD tiền nhặt được trong năm 2022