Dưa lưới có 6 chất dinh dưỡng, 3 cách cắt và 1 cách ăn độc đáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu bạn biết 6 chất dinh dưỡng trong dưa lưới và lợi ích của chúng đối với sức khỏe, rất có thể bạn sẽ thêm loại quả này vào danh mục thực phẩm yêu thích của gia đình.

Dưa lưới, còn được gọi là dưa vàng hay dưa gang, là loại trái cây phổ biến trong mùa hè. So với các loại trái cây khác, dưa lưới có vẻ ngoài khiêm tốn, nhưng hương vị và hàm lượng dinh dưỡng thì không hề thua kém.

Để chọn dưa lưới, hãy chọn những quả chín và vẫn còn tươi. Bạn có thể cắt lát, cắt hạt lựu hoặc cắt thành hình tam giác tùy ý. Tùy theo sở thích và cách dùng của mỗi người, dưa lưới được chế biến theo nhiều cách khác nhau, trong đó có một cách đơn giản và khá độc đáo là dưa lưới nướng.

Một cách đơn giản và độc đáo là nướng dưa lưới. (Ảnh: Shutterstock)
Một cách đơn giản và độc đáo là nướng dưa lưới. (Ảnh: Shutterstock)

6 lợi ích chính của dưa lưới

Dưa lưới chứa rất nhiều dưỡng chất, trong đó có 6 chất dinh dưỡng giúp bồi bổ sức khỏe:

  1. Nước: Dưa lưới có 90% là nước, ăn dưa vào mùa hè giúp cơ thể bổ sung lượng nước đã mất. Uống đủ nước mỗi ngày giúp tim và thận khỏe mạnh, hỗ trợ tiêu hóa và duy trì huyết áp ổn định.
  2. Chất xơ: Dưa lưới là nguồn cung cấp chất xơ tốt nhất, khiến chúng ta cảm thấy no lâu hơn và cải thiện sức khỏe đường ruột. Chất xơ điều chỉnh tiêu hóa, kiểm soát vi khuẩn đường ruột và lượng đường trong máu, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
  3. Vitamin C: Dưa lưới rất giàu vitamin C, bản thân vitamin C có đặc tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch, có thể bảo vệ tế bào và duy trì sức khỏe của da, mạch máu, xương và sụn. Người lớn cần 65-90 mg vitamin C mỗi ngày, và tiêu thụ 85,5 g dưa có thể cung cấp 50% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể.
Bánh và kem dưa. (Ảnh: Shutterstock)
Bánh và kem dưa. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Beta Carotene: Phần cùi màu hồng cam của dưa lưới rất giàu Beta Carotene. Beta Carotene được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, bảo vệ mắt và da của chúng ta.
  2. Kali: Dưa lưới rất giàu Kali, giúp thư giãn mạch máu và giảm huyết áp.
  3. Axit folic: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Axit Folic có tác dụng phòng chống ung thư rõ rệt. Phụ nữ mang thai cần bổ sung Axit Folic để ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, giúp tạo hồng cầu, duy trì sức khỏe tổng thể của thai nhi và mẹ.

6 chất dinh dưỡng quan trọng nói trên giúp tăng cường sức khỏe, do đó đừng quên bổ sung dưa lưới để bữa ăn của bạn thêm phong phú và giàu dưỡng chất.

Cách chọn dưa lưới

Dưa lưới có quanh năm nhưng ngon nhất vẫn là vào mùa hè. Có nhiều loại dưa lưới, màu sắc của vỏ và cùi cũng khác nhau. Ví dụ, dưa lưới từ Bắc Mỹ có vỏ sần sùi, gân guốc và thịt quả màu cam nhạt, trong khi dưa lưới châu Âu trên vỏ có các vệt xanh và thịt quả màu cam đậm hơn. Nói chung, vỏ của dưa lưới khá cứng, thịt quả mềm, có vị ngọt và mọng nước.

Làm thế nào để chọn dưa lưới? (Ảnh: Shutterstock)
Làm thế nào để chọn dưa lưới? (Ảnh: Shutterstock)

Làm thế nào để chọn dưa lưới chín và tươi ngon? Nên chọn những quả có hình dạng cân đối, cầm bằng tay bạn sẽ thấy hơi nặng. Vỏ màu trắng sữa, hơi ngả vàng cam và xanh, tốt nhất là chọn những quả không có màu xanh.

Ngoài ra, khi dùng tay ấn nhẹ vào phần rốn của dưa (đầu còn lại của cuống), nếu thấy mềm, nhô ra và căng mọng thì là dưa đã chín, dưa chín có mùi thơm dễ chịu.

Nếu mua dưa chưa chín, bạn có thể để ở nhiệt độ phòng và chờ dưa chín từ từ, cũng có thể cho dưa vào túi giấy kraft đựng táo hoặc chuối, buộc kín miệng túi để dưa chín nhanh hơn. Dưa đã chín tốt nhất chỉ nên ăn trong vòng 3 ngày kể từ khi mua về nhà.

3 cách bổ dưa lưới

Rửa sạch dưa dưới vòi nước và dùng bàn chải để loại bỏ đất bám trên vỏ.

Sau khi rửa sạch, bạn đặt dưa lên thớt rồi dùng dao cắt bỏ hai đầu (cuống và rốn quả).

Tiếp theo, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân mà quyết định có nên gọt bỏ vỏ hay không. Bạn cũng có thể gọt bỏ vỏ trước khi cắt lát hoặc thái hạt lựu.

Cắt hình tam giác

Sau khi gọt vỏ, dựng quả dưa lưới lên rồi cắt đôi theo chiều dọc.

Dùng thìa nạo bỏ hạt và màng bên trong quả dưa.

Dùng thìa vớt hạt và lớp lót của dưa. (Ảnh: Shutterstock)
Dùng thìa vớt hạt và lớp lót của dưa. (Ảnh: Shutterstock)

Bổ dọc miếng dưa thành từng miếng, cắt ngang miếng dưa để thành hình tam giác khoảng 1- 2 cm tùy ý.

Cắt dưa theo chiều dọc từ đầu này đến đầu kia. (Ảnh: Shutterstock)
Cắt dưa theo chiều dọc từ đầu này đến đầu kia. (Ảnh: Shutterstock)

Cắt lát

Dưa lưới gọt vỏ, bổ đôi và úp một nửa quả xuống mặt thớt, sau đó bắt đầu cắt lát. Dưa cắt lát sẽ mỏng hơn khi cắt thành hình tam giác.

Dưa cắt lát sẽ mỏng hơn khi cắt thành hình tam giác. (Ảnh: Shutterstock)
Dưa cắt lát sẽ mỏng hơn khi cắt thành hình tam giác. (Ảnh: Shutterstock)

Cắt thành từng miếng nhỏ

Nếu bạn muốn làm món salad trái cây hoặc sinh tố trái cây, bạn cần phải cắt thành những miếng nhỏ hơn. Trước hết, hãy gọt vỏ rồi bổ đôi, cắt thành các miếng cau theo chiều dọc, sau đó cắt theo chiều ngang thành các miếng vừa.

Ngoài ra, bạn có thể nạo thành những quả bóng nhỏ. Trước hết gọt vỏ, bỏ hạt, sau đó dùng dụng cụ nạo dưa, ấn vào thịt quả, xoay 180 độ rồi múc thịt quả ra.

Dùng dụng cụ nạo hoa quả nghiêng một góc, ấn mạnh vào cùi dưa, xoay 180 độ rồi múc cùi dưa ra. (Ảnh: Shutterstock)
Dùng dụng cụ nạo hoa quả nghiêng một góc, ấn mạnh vào cùi dưa, xoay 180 độ rồi múc cùi dưa ra. (Ảnh: Shutterstock)

Cách ăn dưa đơn giản, độc đáo và mới lạ

Dưa để vỏ, cắt hình miếng cau rồi tẩm mật ong và vani, cho vào lò nướng khoảng 204°C, nướng trong 20 phút. Dưa nướng có hương vị hoàn toàn mới lạ, chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ.

Cách bảo quản dưa lưới

Dưa đã vàng chín có thể bảo quản nguyên quả trong 3 ngày ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh trong 5 ngày. Dưa đã cắt nên được bảo quản trong tủ lạnh với màng bọc thực phẩm hay đặt trong hộp đậy kín, bảo quản ở tủ lạnh được 3 ngày. Phần dưa không ăn hết bạn có thể bảo quản trong ngăn đông lạnh để giữ được lâu hơn.

Dưa cắt lát hoặc cắt hạt lựu cũng có thể được đông lạnh. (Ảnh: Shutterstock)
Dưa cắt lát hoặc cắt hạt lựu cũng có thể được đông lạnh. (Ảnh: Shutterstock)

Dưa cắt lát, cắt tam giác hoặc cắt hạt lựu cũng có thể để trong tủ lạnh. Bạn nên tách ra từng miếng để chúng không dính vào nhau, sau đó cho vào túi kín và đặt trong ngăn đá, có thể bảo quản lên đến 6 tháng.

Dưa lưới đông lạnh được rã đông có kết cấu đặc hơn và cũng có thể được làm thành sinh tố hoặc nấu thành súp.

Tố Như

Theo Quách Tĩnh Hinh - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dưa lưới có 6 chất dinh dưỡng, 3 cách cắt và 1 cách ăn độc đáo