Giới trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tằn tiện khi nền kinh tế suy thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người trẻ Trung Quốc đã từ bỏ lối sống phung phí trước đây và trở nên tiết kiệm hơn trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đang trải qua thời kỳ ảm đạm.

Trước đại dịch, Doris Fu, một nhà tư vấn tiếp thị 39 tuổi ở Thượng Hải, đã tưởng tượng ra một tương lai khác cho bản thân và gia đình: xe hơi mới, căn hộ lớn hơn, ăn ngon vào cuối tuần và các kỳ nghỉ trên các hòn đảo nhiệt đới.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi kinh tế Trung Quốc trở nên khó khăn vì các đợt phong tỏa Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và thị trường bất động sản đang chững lại, Fu nằm trong số những người Trung Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đang cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền mặt hết mức có thể.

Fu nói với Reuters: "Tôi không còn làm móng tay, không làm tóc nữa. Tôi chuyển sang mua mỹ phẩm sản xuất ở Trung Quốc".

Lối sống tiết kiệm mới này đã được khuếch đại bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên quảng cáo lối sống chi phí thấp và chia sẻ các mẹo tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, điều này lại là một mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc.

Chính sách 'zero-COVID' của Trung Quốc - bao gồm khóa cửa nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt - đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này. Cuộc đàn áp của chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn cũng tác động lớn đến lực lượng lao động trẻ.

Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức gần 19%, sau khi đạt mức kỷ lục 20% vào tháng Bảy. Theo hai cuộc khảo sát trong ngành, một số người trẻ đã bị buộc phải cắt giảm lương, ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1% trong ba tháng đầu năm nay, dữ liệu do công ty tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin cho thấy.

Do đó, một số người trẻ thích tiết kiệm hơn là phung phí.

"Tôi thường đi xem hai bộ phim mỗi tháng, nhưng tôi đã không bước vào rạp chiếu phim kể từ khi đại dịch xảy ra", Fu, một người hâm mộ phim cuồng nhiệt cho biết.

Theo khảo sát hàng quý gần đây nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), gần 60% người dân có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu dùng hoặc đầu tư. Con số đó cách đây ba năm là 45%.

Các hộ gia đình Trung Quốc nói chung đã thêm 10,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,54 nghìn tỷ USD) vào khoản tiết kiệm ngân hàng mới trong 8 tháng đầu năm, tăng từ 6,4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm ngoái.

Đó là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc, những người từ lâu đã dựa vào việc tăng tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu duy nhất cắt giảm lãi suất trong năm nay, với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tiền gửi cá nhân vào ngày 15 tháng 9, một động thái được thiết kế để không khuyến khích tiết kiệm và thúc đẩy tiêu dùng.

'Bữa tối 10 tệ'

Sau nhiều năm chủ nghĩa tiêu dùng "lên ngôi" do được thúc đẩy bởi lương tăng, tín dụng dễ dàng và mua sắm trực tuyến, giờ đây xu hướng tiết kiệm đang đưa những người trẻ Trung Quốc đến gần hơn với những bậc cha mẹ thận trọng của họ. Những người lớn tuổi này đã luôn giữ vững xu hướng tiết kiệm do ký ức về những ngày tháng đói khổ trước khi nền kinh tế phát triển.

"Trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn và áp lực kinh tế suy thoái mạnh mẽ, cảm giác bất an và không chắc chắn của những người trẻ tuổi là điều họ chưa bao giờ trải qua", Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, cho biết.

Một số người trẻ đang thể hiện tính tiết kiệm của họ trên mạng.

Một cô gái khoảng 20 tuổi ở thành phố Hàng Châu đã thu hút được hàng trăm nghìn người theo dõi khi đăng hơn 100 video về cách làm bữa tối trị giá 10 nhân dân tệ (33 nghìn đồng) trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu và trang web phát trực tuyến Bilibili.

Trong video dài một phút có gần 400.000 lượt xem, cô ấy xào một món ăn làm từ phi lê cá ba sa trị giá 4 tệ, 5 tệ tôm đông lạnh và 2 tệ rau củ, sử dụng một chiếc thớt màu hồng và nồi cơm điện màu hồng.

Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội đã xuất hiện để chia sẻ các mẹo tiết kiệm tiền, chẳng hạn như thử thách Sống ở Thượng Hải (một trong những thành phố đắt đỏ nhất ở Trung Quốc) trong một tháng chỉ với 1.600 nhân dân tệ (5,4 triệu đồng).

Yang Jun, một người từng ngập sâu trong nợ thẻ tín dụng trước đại dịch, đã thành lập một nhóm có tên Low Consumption Research Institute (Nghiên cứu chi tiêu ở mức thấp) trên trang mạng Douban vào năm 2019. Nhóm đã thu hút hơn 150.000 thành viên. Yang cho biết cô đang cắt giảm chi tiêu và bán một số đồ đạc của mình trên các trang bán đồ cũ để kiếm tiền.

Cô gái 28 tuổi nói: "COVID-19 khiến mọi người bi quan. Bạn không thể giống như trước đây, tiêu hết số tiền kiếm được, và kiếm lại vào tháng sau". Cô ấy cho biết hiện tại cô ấy đã hết nợ.

Yang cho biết cô đã cắt bỏ cà phê Starbucks hàng ngày của mình. Fu cho biết cô đã chuyển nhãn hiệu phấn trang điểm của mình từ Givenchy sang một nhãn hiệu của Trung Quốc có tên là Florasis, với giá rẻ hơn khoảng 60%.

Fu cho biết cô đã hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ của mình để mua một căn lớn hơn ở một khu trường học tốt hơn cho con trai mình, và hiện đã từ bỏ việc nâng cấp từ chiếc Volkswagen Golf của mình.

Cô nói: "Tại sao tôi không dám nâng cấp nhà và xe của mình, dù cho tôi có tiền? Đó là bởi vì hiện tại mọi thứ đều không chắc chắn".

Thanh Hương

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Giới trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tằn tiện khi nền kinh tế suy thoái