Hậu quả của việc ‘chỉ có con trai mà không có con gái’: xã hội Trung Quốc ‘loạn hôn nhân’ (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xã hội Trung Quốc ngày nay xuất hiện “hiện tượng lạ”. Vì kế hoạch hóa gia đình, ai cũng muốn sinh con trai, tỷ lệ nam nữ bắt đầu mất cân bằng. Vì thói trọng nam khinh nữ, nam giới chọn ở lại quê hương, trong khi phụ nữ phấn đấu lên thành phố. Vì tình trạng mất cân bằng nam nữ ngày càng trầm trọng, những người đàn ông độc thân không thể tìm được người phụ nữ phù hợp, vậy là họ bắt đầu theo đuổi những người phụ nữ đã có gia đình...

Mới đây, khi về thăm quê, trong lúc trò chuyện với mẹ, tôi được biết hiện nay ở quê tôi đang xảy ra một “hiện tượng lạ”. Đó là, trong những năm gần đây, xuất hiện số lượng lớn các gia đình đơn thân bao gồm một người cha và một đứa con. Hiện tượng này dường như đang trở thành “xu hướng” ở quê tôi.

Vì nghi ngờ về hiện tượng này nên tôi đã đi dạo xung quanh và trò chuyện với bạn bè, người thân cũ. Không ngờ sau khi trò chuyện, tôi phát hiện ra một sợi dây liên kết chặt chẽ kéo dài hơn 30 năm - một “hiệu ứng cánh bướm” không ai có thể ngờ được...

Quê hương của tôi, huyện Tân Hà (thuộc tỉnh Hà Bắc), nằm ở giữa Thạch Gia Trang và Hình Đài, có diện tích nhỏ và dân số ít, kinh tế cũng không quá phát triển. Phải đến năm 2019, huyện Tân Hà mới chính thức được phê duyệt rút khỏi danh sách các huyện nghèo đói trên toàn quốc.

Năm 1982, kế hoạch hóa gia đình chính thức trở thành quốc sách của Trung Quốc. Từ năm 1980 đến những năm 1990, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất nghiêm ngặt, phụ nữ đã từng có con bị bắt ép phá thai là chuyện rất bình thường, nếu không cô ấy sẽ bị đuổi khỏi cơ quan công quyền.

Nhưng khi này chính sách được thực hiện ở các quận, huyện và các vùng nông thôn, đã vấp phải rất nhiều sự chống đối, vì người dân ở đây vẫn muốn có con trai. Nhiều gia đình thà nộp phạt và tiếp tục sinh con cho đến khi có con trai, hoặc họ sẽ tìm cách biết trước giới tính của thai nhi, nếu là con gái thì sẽ đi phá thai.

Ai cũng muốn sinh con trai

Đến đầu những năm 1990, quê tôi đã có biện pháp đối phó như: “Nếu con đầu là con gái thì được phép sinh thêm một con nữa”. Tất nhiên, nếu con thứ hai vẫn là con gái thì không thể tiếp tục sinh thêm.

Điều này dẫn đến một hiện tượng rất phổ biến ở quê tôi, đó là trong mỗi gia đình, hoặc chỉ có một con trai, hoặc có nhiều con gái và một con trai.

Tất nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mất cân bằng tỷ lệ nam/nữ là do quan niệm “ai cũng muốn sinh con trai”. Tỷ lệ nam/nữ ở thế hệ sau bắt đầu mất cân đối một cách từ từ, nhưng có một lý do khác gần như quan trọng không kém, đó là do tâm lý gia trưởng phần nào vẫn tồn tại ở huyện Tân Hà, và thậm chí là cả tỉnh Hà Bắc.

Huyện Tân Hà và tỉnh Hà Bắc không phải là một khu vực bình đẳng giữa nam và nữ. Cho đến nửa đầu năm nay, các khu vực nông thôn xung quanh Thạch Gia Trang vẫn xuất hiện những sự việc như: "Sau khi phá dỡ, chỉ có nam giới mới được cấp nhà, không có phần cho phụ nữ".

Tâm lý gia trưởng này được phản ánh rõ nét trong đời sống sinh hoạt, mặc dù không có sự phân biệt đối xử gay gắt giữa con trai và con gái, nhưng các gia đình thường vẫn nuông chiều con trai hơn một cách rõ rệt.

Ví dụ, cả gia đình luôn hết lòng ủng hộ việc cho con trai đi học; còn đối với con gái, hầu hết các gia đình vẫn sẽ sẵn lòng cung cấp tiền dù có đôi chút miễn cưỡng. Sự phân biệt đối xử này khiến cho con trai và con gái có thái độ hoàn toàn khác nhau đối với việc “vào đại học”.

Con gái biết rằng gia thế không bằng con trai, vì vậy để có một tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn, hầu hết các cô gái đều cố gắng học hành chăm chỉ, vì họ biết rằng đây gần như là sự lựa chọn duy nhất và tốt nhất của mình. Nếu không, họ chỉ có thể ở lại huyện thành nghèo khó này, lấy chồng sinh con sớm, làm vợ, làm mẹ sớm.

Nữ nhi vượt khó

Bố mẹ tôi đều là giáo viên tiểu học. Trong 30 năm sự nghiệp của họ, hầu hết tất cả những người có thể tốt nghiệp trung học phổ thông, vào đại học và rời khỏi quê hương đều là con gái. Phần lớn các em nam sẽ dừng chân ở cấp 2 hoặc cấp 3.

Nguyên nhân là do, đối với các em nam, việc cố gắng học tập, vào đại học và rời quê hương không phải là lựa chọn tốt nhất. Ngược lại, dưới sự nuông chiều của gia đình, việc ở lại quê hương sinh sống lại trở thành một lựa chọn tự nhiên và thoải mái hơn.

Theo cách này, sau khi bước vào năm 2010, khi một số lượng lớn phụ nữ trẻ rời quê hương đi học đại học, những người đàn ông chọn ở lại quận nhận thấy cán cân của thị trường hôn nhân và tình yêu bắt đầu nghiêng về phía bên kia. Họ cảm thấy việc lấy vợ ngày càng trở nên khó khăn, thậm chí nếu có ứng viên phù hợp, thì “giá” của một cô dâu cũng khá cao, dao động từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ.

Đến lúc này, sự việc vẫn nằm trong dự đoán của mọi người, bởi xét cho cùng, sự mất cân bằng tỷ lệ nam nữ và sự gia tăng nam giới độc thân cũng đã được báo cáo rất nhiều lần.

Tuy nhiên, diễn biến sau đó đã vượt quá sự tưởng tượng của mọi người.

Khi một số lượng lớn đàn ông độc thân trong độ tuổi kết hôn không thể tìm thấy phụ nữ độc thân phù hợp để lập gia đình, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Cuộc săn tìm ‘phụ nữ đã kết hôn’

Họ tập trung vào những phụ nữ đã có gia đình. Dưới sự thôi thúc của hormone cùng với tiêu chuẩn đạo đức trượt dốc, họ bắt đầu “nhiệt liệt” theo đuổi những người phụ nữ đã có gia đình. Sự “cuồng nhiệt” này vượt quá sức tưởng tượng của mọi người.

Một bên là nam thanh niên nhiệt tình, một bên là ông chồng “nhìn đã thấy ghét”, đối với những người phụ nữ đã lập gia đình, đây không phải là một lựa chọn khó khăn.

Những người phụ nữ này đa phần không đỗ đại học, đi làm sớm để kiếm tiền. Rồi sau đó, dưới sự thúc giục của gia đình, do chưa nhận ra mình thực sự muốn cuộc sống như thế nào, họ đã sớm bước chân vào cuộc sống hôn nhân và sinh con. Họ hầu như chưa bao giờ được theo đuổi một cách hăng hái và chân thành. Vậy là, dưới sự “tấn công” dồn dập của các thanh niên trẻ, lần đầu tiên trong đời họ biết được yêu say đắm là như thế nào.

Do đó, một số lượng lớn phụ nữ đã có gia đình bắt đầu chọn ly hôn, hoặc bỏ trốn theo tình nhân.

Trước tình hình đó, nhiều ông chồng bắt đầu “giám sát” vợ kỹ lưỡng, theo dõi vợ ngay cả khi đi làm hay đi chợ. Họ sợ người vợ mình sẽ bị một gã đàn ông trẻ tuổi “bắt cóc”, nhưng dù vậy, họ vẫn không thể ngăn được những người phụ nữ ra đi.

Vì vậy, một thời gian sau, đã có một hiện tượng đặc biệt xuất hiện: số lượng các gia đình hoàn chỉnh ở thế hệ trẻ bắt đầu giảm nhanh chóng, và một số lượng lớn các gia đình gồm một người cha và một đứa trẻ bắt đầu gia tăng.

Đây là một xu hướng mà không ai ngờ tới.

Vì kế hoạch hóa gia đình, ai cũng muốn sinh con trai, tỷ lệ nam nữ bắt đầu mất cân bằng.

Vì thói trọng nam khinh nữ, nam giới chọn ở lại quê hương trong hư hỏng, trong khi phụ nữ phấn đấu lên thành phố, do đó tỷ lệ nam nữ càng mất cân đối.

Vì tình trạng mất cân bằng nam nữ ngày càng trầm trọng, những người đàn ông độc thân trong độ tuổi kết hôn không thể tìm được người phụ nữ phù hợp, vậy là họ bắt đầu theo đuổi những người phụ nữ đã có gia đình một cách nhiệt liệt.

Vì lớn lên trong bầu không khí gia trưởng nên hầu hết phụ nữ đã kết hôn chưa bao giờ thực sự cảm thấy được yêu thương và trân trọng. Vì vậy, khi đối mặt với một chàng trai si tình và một ông chồng gia trưởng, họ đã lựa chọn bỏ đi theo người yêu.

Sau khi ly hôn, những người đàn ông một mình nuôi con không có lợi thế trên thị trường hôn nhân và tình yêu trong huyện, vì vậy họ chỉ có thể tiếp tục độc thân. Vậy là mô hình gia đình gồm “một người cha và một đứa trẻ” ngày càng xuất hiện trên quy mô lớn.

Khi chính sách kế hoạch hóa gia đình được thực hiện, khi quyết định loại bỏ thai nhi nữ và giữ lại thai nhi nam, khi họ quyết định cưng chiều con trai hơn con gái, những người đó chắc hẳn chưa bao giờ nghĩ rằng những quyết định này cuối cùng lại dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao cùng số lượng lớn các gia đình đơn thân.

Vậy thực trạng “số đông trẻ em được nuôi dưỡng bởi những ông bố đơn thân” hiện nay sẽ dẫn đến tương lai nào?

Không ai biết, và cũng không ai có thể đoán trước được.

Vậy là, những người phụ nữ có khởi đầu tồi tệ đã tìm lại được cuộc sống của mình theo những cách khác nhau, trong khi những người đàn ông có lợi thế lúc đầu đã lần lượt rơi vào cạm bẫy của số phận.

Đây là nghịch lý của số phận và bản chất con người.

Thanh Hương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Hậu quả của việc ‘chỉ có con trai mà không có con gái’: xã hội Trung Quốc ‘loạn hôn nhân’ (Radio)