Nguồn gốc tên gọi Hoàng - Đế - Vua - Vương là như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem phim cố trang, các triều đại Trung Hoa hay như Việt Nam ta cũng trải qua các triều đại, bậc quân vương khi được gọi là Vua, lúc lại được gọi là Hoàng Đế. Vậy giữa "Vua" và "Hoàng Đế" giống và khác nhau như thế nào?

Năm 249 trước công nguyên (TCN), nước Tần - một nước chư hầu hùng mạnh - cử Lã Bất Vi đem quân đánh chiếm nước Chu, nhà Chu bị diệt vong. Sau đó, Tần Vương Doanh Chính lần lượt đánh thắng tất cả các nước còn lại, năm 221 TCN làm nên cơ nghiệp to lớn chưa từng có: bình định thiên hạ, thống nhất Trung Nguyên. Sau khi thống nhất Trung Hoa, cảm thấy danh xưng “Vương” là không thích hợp, Tần Vương lệnh cho quần thần bàn bạc để tìm ra một danh xưng xứng đáng.

Trước nhà Chu, lịch sử Trung Quốc có 8 vị vua huyền thoại gọi là “Tam Hoàng Ngũ Đế” (ba vị Hoàng và năm vị Đế). Tam Hoàng là ba vị Vua đầu tiên của Trung Hoa, gồm Phục Hy, Thần Nông và Toại Nhân. Còn Ngũ Đế là năm vị Thánh Vương bao gồm: Hoàng Đế (黃帝 - chữ Hoàng này có nghĩa là màu vàng), Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.

“Tam Hoàng Ngũ Đế” (三皇五帝) được coi là những người thuận Thiên ý để trị vì quốc gia, dùng đức hạnh để giáo hóa dân chúng. Họ không chỉ được muôn dân kính trọng mà còn trở thành mẫu hình của bậc Quân Vương.

Tại buổi thiết triều, Thừa tướng Lý Tư và quần thần đã dâng tấu lên Tần Vương, tâu rằng: “Ngày xưa đất của Ngũ Đế rộng ngàn dặm nhưng không kiểm soát hết, nay Đại Vương thu về một cõi, so ra còn hơn 5 vị Đế, vậy nên phải so với 3 vị Hoàng. Mà trong 3 vị Hoàng này (Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng) thì Thái Hoàng là cao nhất. Vậy thì Đại Vương nên xưng là Thái Hoàng!”.

Tần Vương nghe rồi truyền bảo: “Bỏ chữ Thái, giữ chữ Hoàng, dùng vị hiệu Đế thời thượng cổ ghép lại, gọi là Hoàng Đế”. Như vậy, Hoàng đế (皇帝) chính là được kết hợp từ hai danh xưng tôn quý là “Hoàng” (皇) và “Đế” (帝 - tức thiên tử) của thời cổ đại mà thành. Và Tần Vương Doanh Chính trở thành vị Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa, gọi là Thủy Hoàng Đế, tức Tần Thủy Hoàng.

Từ đó, từ Hoàng Đế được dùng để chỉ người đứng đầu cao nhất của xã hội phong kiến phương Đông. Các ngôn ngữ đồng văn có khi vẫn dùng đơn tự Hoàng hoặc Đế để gọi tắt, nhưng luôn hiểu là Hoàng Đế. Cũng từ đây chữ Vương (王) được dùng làm tước vị để ban cho anh em họ hàng nhà Vua (Thân Vương) hoặc phong cho Vua các nước phụ thuộc, trong đó có cả các nước phiên bang: Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.

Nước ta mỗi khi một vị vua lên ngôi, trong nước vẫn tự xưng Hoàng Đế để tỏ ý ngang hàng với Trung Quốc. Đây là vấn đề mang tính nghi thức nhưng thể hiện quan điểm độc lập xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao Việt - Hoa thời trước. Tuy nhiên, dù là nối ngôi, tranh ngôi hay cướp ngôi, vua Việt thường phải cho người sang cầu phong để lấy tính chính danh. Các vua Việt Nam được phong là An Nam Quốc Vương, đến đời Nguyễn thì phong là Việt Nam Quốc Vương; trước đó có lúc chỉ phong là Giao Chỉ Quận Vương. Sử sách Tàu chép về các vị vua nước ta đều chỉ ghi là Vương, thể hiện vua Việt Nam phải dưới họ một bậc.

Năm 1885, Chính phủ thuộc địa Pháp và nhà Thanh ký Hòa ước Thiên Tân, quy định nhà Thanh công nhận nền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam, đồng thời hủy bỏ lệ triều cống của triều đình Huế ở địa vị phiên quốc đối với nhà Thanh. Bắt đầu từ đây chấm dứt quan hệ chư hầu của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Theo Từ điển tiếng Việt, các từ hoàng đế, quốc vương, vua là những từ đồng/gần nghĩa, đều nhằm chỉ "Người đứng đầu nhà nước quân chủ, thường lên cầm quyền bằng con đường kế vị".

Phân biệt rạch ròi hơn, vua/quốc vương là "vua một nước", còn hoàng đế là "vua của một nước lớn, thường được nhiều nước xung quanh thần phục".

Thực tế lịch sử, không nhất thiết vua một nước nhỏ là "vương", còn vua một nước lớn và có nhiều chư hầu mới được quyền xưng "đế", như trường hợp vua nước ta từng tự hào xưng đế trong bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư".

Các đời vua ở nước ta sau này hầu hết thụy hiệu đều lấy danh xưng hoàng đế, như các vua: Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, Lý Thái Tổ là Thần Vũ Hoàng đế, Trần Thánh Tông là Tuyên Hiếu Hoàng đế, Lê Thánh Tông là Thuần Hoàng đế, Quang Trung là Vũ Hoàng đế, Gia Long là Cao Hoàng đế…

Từ Hoàng Đế (viết hoa) là tên hiệu của người đứng đầu cao nhất của xã hội phong kiến phương Đông, dần biến thành danh từ chung "hoàng đế" để chỉ vua nói chung, không còn phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm vua nước lớn (đế) với vua nước nhỏ (vương) nữa.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc tên gọi Hoàng - Đế - Vua - Vương là như thế nào?