Tác hại của việc bật đèn trong suốt quá trình ngủ của trẻ nhỏ, mẹ có biết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì sự thuận tiện cho việc chăm con vào ban đêm, không ít các mẹ bỉm sữa bật đèn ngủ suốt đêm mà không biết việc này lại mang lại những tác hại khôn lường cho con trẻ.

Sử dụng đèn ngủ cho trẻ sơ sinh gây ra rất nhiều tác hại cho em bé. Chúng ta cùng tìm hiểu những tác hại khi bật đèn cho trẻ sơ sinh với nội dung bài dưới đây:

Những tác hại khi bật đèn cả đêm mà nhiều người không biết

Mục đích của việc bật đèn là để bảo vệ và chăm sóc trẻ tốt hơn, nhưng nếu đèn được bật không đúng cách chẳng hạn như bật đèn quá sáng, bật đèn trong một thời gian dài lại có hại cho sức khỏe của trẻ.

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Với những trẻ từ 0 đến 3 tuổi, hệ thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển và khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường rất kém. Dưới sự kích thích của ánh sáng, trẻ dễ dàng bị đánh thức và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Khi bật đèn sáng cả đêm, giấc ngủ của trẻ không ổn định, trẻ ngủ ngắn, thường xuyên ngọ nguậy và thức dậy. Sau khi tắt đèn, thời gian ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn 1 giờ so với trước đây, và người lớn, đặc biệt là mẹ cũng có giấc ngủ ổn định hơn.

Sau khi tắt đèn, thời gian ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn 1 giờ so với trước đây. (Ảnh: pixabay)
Sau khi tắt đèn, thời gian ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn 1 giờ so với trước đây. (Ảnh: pixabay)

Ảnh hưởng đến chiều cao

Trong giai đoạn trẻ 0 đến 3 tuổi, bật đèn ngủ sẽ ảnh hưởng đến ‘quy luật tự nhiên’ của cơ thể trong việc thích nghi giữa ngày và đêm, ảnh hưởng tới việc tiết hormone tăng trưởng và làm chậm sự tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Sự tiết hormone tăng trưởng vào ban đêm chiếm 20 – 40%. Khi đèn bật sáng cả đêm, cơ thể sẽ không phân biệt được ngày đêm và làm giảm tiết hormone quý giá cho chiều cao của trẻ.

Ảnh hưởng đến thị lực

Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh ngủ dưới ánh sáng đèn sẽ có nhiều khả năng bị cận thị sau này hơn những em bé ngủ trong bóng tối, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết. Nghiên cứu dựa trên 479 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi cho thấy, rằng trẻ em dưới 2 tuổi ngủ có bật đèn ngủ sau này thường cận thị nhiệt hơn những em bé khác.

Theo một số báo cáo nghiên cứu, trẻ em 2 tuổi chịu ánh sáng khi bật đèn ngủ cả đêm sẽ có tỷ lệ cận thị là 34%. Sau 2 tuổi, nếu ngủ trong ánh điện sẽ có khả năng cận thị lên đến 55% trong tương lai.

Nguyên nhân là do ánh sáng phá vỡ nhịp sinh học, khiến cho đồng tử không thực sự được nghỉ ngơi, thư giãn. Các dây thần kinh và cơ trên mắt luôn trong trạng thái hoạt động, ảnh hưởng đến thị lực và thậm chí có thể gây ra các bệnh về mắt khác.

Suy giảm hệ thống miễn dịch ở trẻ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phản ứng miễn dịch với virus ở những em bé ngủ trong điều kiện không ánh sáng tốt hơn rất nhiều những em bé ngủ dưới ánh đèn. Nguyên nhân là do khi ngủ trong bóng tối, cơ thể trẻ sẽ sản xuất ra lượng kháng thể chống virus nhiều gấp đôi bình thường.

Do đó, muốn con có sức đề kháng tốt, tăng cường hệ thống miễn dịch, ít ốm đau, mẹ nên cho bé ngủ trong bóng tối thay vì bật đèn.

Khi ngủ trong bóng tối, cơ thể trẻ sẽ sản xuất ra lượng kháng thể chống virus nhiều gấp đôi bình thường. (Ảnh: pixabay)
Khi ngủ trong bóng tối, cơ thể trẻ sẽ sản xuất ra lượng kháng thể chống virus nhiều gấp đôi bình thường. (Ảnh: pixabay)

Tăng cân, béo phì

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng vào đêm khuya có thể gây tăng cân, kết luận này đã được chứng minh ở thí nghiệm động vật.

Cân nặng là một chỉ số quan trọng để đo lường sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tăng cân quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ và cũng có thể gây ra các bệnh về thể chất khác.

Ức chế melatonin

Bật đèn cả đêm có thể làm giảm 50% sự tăng trưởng của melatonin. Melatonin có thể hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim và tăng cường khả năng miễn dịch. Nếu sự bài tiết melatonin giảm, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm và có nhiều khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe. Do đó, mẹ cũng đừng quá ngạc nhiên khi thấy con ngủ chập chờn, hay gắt ngủ và ngủ không sâu giấc.

Melatonin có thể ức chế tuyến yên tiết gonadotropin, do đó ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục. Nếu melatonin bị giảm, nó có thể gây ra dậy thì sớm.

Một số lời khuyên để giúp bé có giấc ngủ ngon vào ban đêm

  • Các mẹ nên tắt hết bóng đèn có công suất lớn, tivi, điện thoại di động, máy tính, cột phát wifi hoặc các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh nên được tắt trong phòng của trẻ đêm không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé.
  • Mẹ nên tắm nhẹ hoặc massage cơ thể cho bé. Những việc làm này có thể giúp bé ngủ sâu giấc hơn nhiều.
  • Cần nhớ tránh cho con ăn quá no hay nhiều thực phẩm ngọt, chứa nhiều đường trước giờ đi ngủ.
  • Hát ru hoặc kể chuyện là những phương pháp được khuyến khích để giúp con dễ vào giấc ngủ.
Hát ru hoặc kể chuyện là những phương pháp được khuyến khích để giúp con dễ vào giấc ngủ. (Ảnh: pexels)
Hát ru hoặc kể chuyện là những phương pháp được khuyến khích để giúp con dễ vào giấc ngủ. (Ảnh: pexels)

Những lưu ý khi tắt đèn ngủ để an toàn cho bé và tiện lợi cho mẹ

  • Cha mẹ nên ở cùng phòng với con hay ở trong phòng cùng con cho đến khi con ngủ say. Trường hợp, diện tích nhà chật hẹp không có phòng ngủ riêng cho con, bố mẹ nên tuân thủ nguyên tắc, con đi ngủ cũng phải tắt đèn đi ngủ theo con. Nếu muốn làm việc thêm thì ra phòng khách hoặc dùng đèn bàn để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
  • Bố mẹ cũng chú ý, không nên tắt đèn đột ngột để con rơi vào bóng đêm ngay. Bạn nên sử dụng đèn ngủ có ánh sáng vàng, đỏ để để có sự chuyển tiếp khi đèn tắt hẳn.
  • Đối với gia đình có điều kiện, khi mua nhà hay xây nhà bố mẹ nên chọn và ưu tiên phòng ngủ có diện tích rộng, để có không gian rộng dùng đèn ánh sáng dịu nhẹ xa chỗ con nằm.
  • Hình thành thói quen cho con ngủ trong bóng tối ngay khi mới sinh.

Hy vọng với một số thông tin về đèn ngủ cho trẻ sơ sinh ở trên, các mẹ sẽ biết cách sử dụng đèn ngủ đúng để đảm bảo con luôn khoẻ mạnh và phát triển toàn diện.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Tác hại của việc bật đèn trong suốt quá trình ngủ của trẻ nhỏ, mẹ có biết?