Tại sao chúng ta không nên làm nhiều việc cùng lúc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tập trung vào một việc tại một thời điểm là một cách sống lành mạnh hơn, theo cả quan điểm của phương Đông và phương Tây.

Có bao nhiêu người trong chúng ta đã được nghe từ nhỏ đến lớn những lời ca ngợi sự đa nhiệm? Ngọn hải đăng sáng chói về năng suất mà tất cả chúng ta đều phải khao khát? Nhưng sự thật tồi tệ là: đa nhiệm không chỉ có hại cho bộ não của chúng ta, mà chúng ta đơn giản là không được tạo hóa “thiết kế” để làm nhiều việc cùng lúc.

Hầu hết chúng ta dành một phần lớn thời gian mỗi ngày để làm việc đa nhiệm. Cho dù đó là nghe đài trong khi ăn sáng, đọc báo trong khi ăn hay “lướt” Instagram trong khi đang làm việc, chúng ta thường làm nhiều việc cùng một lúc.

Đa nhiệm dường như là một cách tuyệt vời để làm việc hiệu quả bằng cách làm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, những gì thực sự đang xảy ra là: chúng ta chỉ đang chuyển sự tập trung của mình từ việc này sang việc khác, bởi vì bộ não của chúng ta đơn giản là không thể làm nhiều hơn một việc cùng một lúc. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy đa nhiệm làm giảm khả năng tập trung, tăng mức độ căng thẳng và khiến chúng ta mắc nhiều lỗi hơn.

Đa nhiệm và trí não

Gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về những hạn chế của não bộ trong việc hoạt động và xử lý thông tin. Một bài báo được xuất bản trên tạp chí Cerebrum năm 2019 tóm tắt một số phát hiện thú vị, bao gồm cả việc chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của chúng ta trong việc đa nhiệm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bộ não thích hợp để chỉ làm một việc tại một thời điểm và đa nhiệm tăng thêm gánh nặng lên một số hệ thống quan trọng. Nghiên cứu cho thấy những người đa nhiệm hoàn thành công việc chậm hơn với hiệu quả kém hơn và dễ bị phân tâm hơn.

Cũng rất thú vị khi lưu ý rằng một số mối tương quan đã được tìm thấy giữa những người thường xuyên đa nhiệm và một số đặc điểm tính cách nhất định, một ví dụ trong số đó là những người thường xuyên đa nhiệm có xu hướng bốc đồng hơn.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), các nhà khoa học đã đưa ra những nguy hiểm của việc đa nhiệm, đặc biệt là trong bối cảnh lái xe. Khi bộ não chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, nó đang sử dụng cái mà các nhà thần kinh học gọi là chức năng điều hành. Đây là những quá trình nhận thức được sử dụng để xác định các việc cần làm thế nào, khi nào và theo thứ tự nào.

Điều này xảy ra trong hai phần. Chuyển đổi mục tiêu và kích hoạt quy tắc.

  1. Chuyển mục tiêu là điều xảy ra khi chúng ta quyết định chuyển sang làm việc khác.
  2. Kích hoạt quy tắc là khi não bộ chuyển trọng tâm từ thông tin cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ hiện tại sang thông tin cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ mới.

Đây là cái mà các nhà tâm lý học gọi là “chi phí chuyển đổi nhiệm vụ”, là những tác động tiêu cực liên quan đến việc chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Chúng làm giảm độ chính xác và tăng thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả các quá trình này chỉ mất vài giây, nhưng thời gian đó có thể cộng dồn khi chúng ta liên tục chuyển đổi qua lại và có thể trở nên nguy hiểm khi chúng ta đang làm một việc gì đó cần sự tập trung cao độ, chẳng hạn như lái xe.

Kết quả nghiên cứu của MIT giải thích rằng mắt của chúng ta chỉ có thể nhìn rõ ở trung tâm tầm nhìn của chúng ta và bộ não “lấp đầy” phần còn lại của thông tin trong trường thị giác. Người lớn bình thường chỉ có thể nhận thức và xử lý ba hoặc bốn việc đồng thời, và hiệu suất nhận thức càng giảm khi chúng ta cố gắng xử lý nhiều việc hơn. Đa nhiệm có thể ổn khi chúng ta đang làm một việc gì đó đơn giản, chẳng hạn như gấp quần áo trong khi xem TV, nhưng nó có thể là thảm họa trong những việc cần tập trung cao độ, ví dụ như lái xe. Nghiên cứu ước tính rằng lái xe mất tập trung gây ra 50% tổng số vụ tai nạn trên đường.

Góc nhìn của phương Đông về đa nhiệm

Trong y học phương Đông, tác hại của đa nhiệm đã được biết rõ. Đa nhiệm được coi là không ảnh hưởng đến não bộ, mà là lá lách. Vâng, là lá lách. Lá lách ít được chú ý trong Tây y nhưng lại quan trọng trong Đông y. Lá lách nằm ở phần tư phía trên bên trái của bụng, là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch và là cơ quan bạch huyết lớn nhất trong cơ thể.

Trong Đông y, lá lách và dạ dày là cơ quan chính của quá trình tiêu hóa. Nhưng đây không phải là tiêu hóa theo nghĩa truyền thống. Lá lách và dạ dày tiêu hóa và xử lý không chỉ đồ ăn thức uống mà còn tất cả các kích thích đến thông qua các cơ quan cảm giác của chúng ta.

Theo quan điểm này, lá lách có liên quan trực tiếp đến năng lực xử lý thông tin của chúng ta. Việc chúng ta quản lý suy nghĩ, tập trung, thực hiện và hình thành ý tưởng tốt hay không phụ thuộc vào sức mạnh của lá lách.

Ý tưởng này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng chúng ta càng tìm hiểu về sự phức tạp của cơ thể con người, chúng ta càng biết rằng nó hoạt động như một tổng thể tích hợp cao. Giờ đây, người ta đã công nhận rõ rằng những gì chúng ta ăn ảnh hưởng đến tâm trạng, và cách chúng ta di chuyển ảnh hưởng đến nhận thức và khả năng phát triển bệnh Alzheimer của chúng ta.

Vì vậy, trong khi khoa học phương Tây mô tả đa nhiệm chỉ dựa trên các tác động của nó đến bộ não, điều quan trọng là phải nhận ra rằng những gì xảy ra trong tâm trí sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Theo quan điểm của Đông y, lá lách có một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Lo lắng và suy nghĩ quá mức có ảnh hưởng đối với lá lách, cản trở nó thực hiện các chức năng quan trọng. Điều này không khác gì khám phá ra rằng căng thẳng thay đổi sinh hóa của cơ thể theo những cách sâu sắc, kích hoạt các hormone khác nhau và kích hoạt hoặc tắt các quá trình khác nhau. Tương tự, lá lách bị suy yếu do các yếu tố khác, chẳng hạn như quá nhiều kích thích bên ngoài, khiến một người dễ bị lo lắng hơn, có thể phát triển thành những thứ như lo lắng và trầm cảm, điều phổ biến trong thế giới hiện đại.

Và cũng giống như dinh dưỡng hoặc tập thể dục có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và thần kinh của chúng ta, theo quan điểm phương Đông, lạnh là một yếu tố quan trọng làm suy giảm khả năng tiêu hóa và xử lý đúng cách của lá lách. Lạnh làm chậm, cứng và co thắt các quá trình khác nhau trong cơ thể và cũng được coi là "dập tắt ngọn lửa tiêu hóa". Cho đá vào đồ uống và ăn thức ăn lạnh, đặc biệt là kem, sẽ làm lá lách yếu đi. Lá lách cũng có trách nhiệm quan trọng trong việc tạo ra khí (cung cấp năng lượng cho tất cả các quá trình sinh học), vì vậy việc giữ cho nó hoạt động tối ưu là điều quan trọng đối với sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Khí phần lớn được tạo ra từ thực phẩm chúng ta ăn và không khí chúng ta hít thở.

Theo quan điểm phương Đông, một trong những cách tốt nhất để hỗ trợ lá lách và đảm bảo rằng nó có thể xử lý các kích thích khác nhau một cách chính xác là làm từng việc một. Điều này cho phép lá lách tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào nhiệm vụ đang làm một cách hiệu quả, không lãng phí.

Một cách để hỗ trợ điều này là giảm các tải trọng khác lên lá lách. Ví dụ, bạn có thể giảm tải tiêu hóa bằng cách ăn súp. Những thứ này ấm áp và tốn ít năng lượng để tiêu hóa. Đó cũng là lý do súp được kê đơn khi chúng ta bị ốm, vì cơ thể chúng ta cần tiết kiệm năng lượng để chống lại các mầm bệnh xâm nhập.

Chúng ta cũng có thể giúp lá lách bảo tồn năng lượng quý giá bằng cách nhai kỹ thức ăn. Điều này, cùng với việc ăn chậm và chú tâm - trong khi không làm bất cứ điều gì khác - là những cách đơn giản nhưng hiệu quả cao để giữ cho lá lách hoạt động tốt.

Với suy nghĩ này, lá lách là một cơ quan phải làm việc quá sức trong bối cảnh lối sống hiện đại bận rộn của chúng ta. Cuộc sống quá bận rộn, thực phẩm chế biến phức tạp, chất độc từ môi trường, và nhiều phương tiện truyền thông khiến chúng ta choáng ngợp. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến não bộ mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và xử lý hữu hạn của lá lách. Làm từng việc một và nghỉ giải lao thường xuyên là điều quan trọng để có một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh.

Phá vỡ thói quen đa nhiệm

Các nhà khoa học gợi ý một số cách giúp chúng ta phá bỏ thói quen đa nhiệm.

Điều đầu tiên cần làm là đánh giá tất cả những việc bạn đang cố gắng hoàn thành và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng. Sau đó, chỉ cần làm việc quan trọng nhất trước và cố gắng dành một khoảng thời gian cụ thể cho nó, chẳng hạn như một hoặc hai giờ, trước khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo trong danh sách của bạn.

Lên lịch một thời gian cụ thể trong ngày để làm những việc như kiểm tra email, xem mạng xã hội và bất cứ điều gì khác mà bạn cảm thấy có sức hút mạnh mẽ đối với sự chú ý của bạn.

Đặt điện thoại di động và các thiết bị khác gây mất tập trung trong phòng khác cũng có thể giúp phá vỡ thói quen đa nhiệm. Loại bỏ cảm giác cần phải kiểm tra email hoặc xem thông báo sẽ giúp não bộ của bạn tập trung hơn, cơ thể thư giãn và làm cho bạn làm việc hiệu quả hơn.

Đa nhiệm dường như là một sản phẩm phụ tự nhiên của việc sống trong một môi trường có nhịp độ nhanh và có quá nhiều thông tin trong tầm tay. Mặc dù đây là một lợi ích tuyệt vời của công nghệ và thời đại thông tin, nhưng chúng ta cũng cần cân bằng lượng thông tin mà chúng ta tiếp nhận.

Thực tế là khoa học đang phát hiện ra rằng, đa nhiệm đơn giản là không tốt cho chúng ta và những lợi ích mà chúng ta nghĩ rằng đa nhiệm mang đến đơn giản là không tồn tại. Điều này có thể khuyến khích chúng ta quay trở lại chỉ làm từng việc một cách chú ý và tập trung. Rốt cuộc, có vẻ như đây là cách thích hợp nhất mà tạo hóa đã “thiết kế” cho chúng ta.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao chúng ta không nên làm nhiều việc cùng lúc?