‘Viên ngọc trai’ bị lãng quên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có phải mỗi chúng ta cũng giống như người họ Trịnh trong câu chuyện, chỉ thấy chiếc hộp đẹp mà không nhận ra giá trị của viên ngọc trai trong tâm mình, quên mất "trở về nguồn cội"?

Truyện “Mua hộp trả ngọc” kể về một người đàn ông nước Sở, đổi được một viên ngọc trai quý hiếm, tìm cây mộc lan quý và nghệ nhân lành nghề làm hộp đựng ngọc trai, dùng quế và hương liệu xông hương cho chiếc hộp. Sau đó, chạm khắc nhiều hoa văn đẹp mắt ở bên ngoài hộp, đồng thời trang trí bằng ren kim loại đẹp mắt. Mọi người làm việc chăm chỉ, họ đã thể hiện đầy đủ ý tưởng của người nước Sở. Cuối cùng, người nước Sở hài lòng đặt viên ngọc trai vào chiếc hộp và đem bán ra thị trường.

Vừa được đem ra thị trường không lâu, chiếc hộp đã thu hút nhiều người đến xem và được đánh giá cao. Trong những người xem, có người nước Trịnh cầm chiếc hộp trên tay và nhìn ngắm nó rất lâu, anh ta không thể đặt nó xuống, cuối cùng anh ta đã mua chiếc hộp của người nước Sở với giá cao. Nhưng điều kỳ lạ là người đàn ông nước Trịnh chưa đi xa đã vội vàng quay lại, lấy viên ngọc trai trong hộp ra đưa cho người nước Sở và nói: “Thưa ngài, ngài đã quên một viên ngọc trai trong hộp. Tôi đến đây với mục đích trả lại viên ngọc trai". Vì vậy, người đàn ông nước Trịnh đã trao lại viên ngọc trai cho người nước Sở, rồi lại cúi đầu ngắm chiếc hộp và đi xa dần.

Người nước Sở dồn hết tâm trí vào việc đóng gói ngọc trai, hy vọng nâng cao giá trị của ngọc trai, bởi vì anh ta không biết sự quý giá thực sự của ngọc trai. Anh ta lấy quan niệm hậu thiên làm tiêu chuẩn đo lường, dồn tâm sức vào việc đóng hộp trang trí. Trong quá trình lao động cực nhọc người nước Sở dần quên mất ý nghĩa tồn tại của ngọc trai.

Người nước Trịnh thì dùng con mắt của công chúng để lựa chọn, chỉ nhận ra chiếc hộp chứ không nhận ra viên ngọc trai. Tuy nhiên, bản chất lương tâm của anh ta vẫn quý giá và trong sáng như ngọc trai, nên người họ Trịnh có thể trả lại ngọc trai mà không lấy. Thực ra, bản chất con người vốn trong sáng và quý giá như viên ngọc trai, chẳng qua vì sự đảo lộn, lẫn lộn tiêu chuẩn về thiện ác, đúng sai trong dòng đời ô trọc mà bị mê hoặc, bản tính bị chôn vùi quá lâu, dần dần quên mất con người thật của mình.

Câu chuyện “Mua hộp trả ngọc” tuy nhỏ nhưng đã diễn giải một cách sinh động bản chất của việc giao dịch danh lợi ở thế gian này, đồng thời chỉ ra điểm quan trọng của những âm mưu, tính toán là vô ích. Sở dĩ con người ta dính mắc vào danh lợi chủ yếu là vì họ bỏ qua ý nghĩa chân chính của cuộc sống “trở về cội nguồn”.

Tác giả: Viên Tân - Epochtimes

Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Viên ngọc trai’ bị lãng quên