Được chưa chắc đã là phúc, mất chưa chắc đã là họa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường hài lòng với những gì mình có được và tiếc nuối khi đánh mất nó. Tự hào khi thành công, đau khổ khi thất bại. Thực ra, đời người là một quá trình, vậy đáng tự hào là gì, đáng giận là gì? Đạt được điều gì đó có thể không phải là một phúc lành; mất thứ gì đó chưa chắc đã là tai họa.

Trong cuộc đời, bạn đạt được bao nhiêu bạn sẽ mất đi bấy nhiêu. Trên con đường nhân sinh, con người sẽ trải qua vô số được và mất. Được và mất phụ thuộc lẫn nhau, muốn được trước hết phải mất, mất rồi mới được, do đó, được và mất là một chu kỳ. Có được và có mất là chân lý.

Nhân sinh phúc họa phụ thuộc nhau, được và mất cũng như vậy. Những gì bạn đạt được và những gì bạn mất đi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những thứ đạt được cũng chỉ là tạm thời và những thứ bạn mất cũng chỉ trong thời gian ngắn. Trong đời này, trước khi bạn nhận được thứ gì, bạn phải cho đi thứ khác.

Tục ngữ có câu: Tái ông thất mã, yên tri phi phúc”, câu nói này liên quan đến một câu chuyện cổ chứa đựng nhiều đạo lý:

Xưa có một ông lão ở vùng biên ải có một con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà và nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.

Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.

Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.

Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mạng.

Câu chuyện được trích từ tác phẩm Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông là người tinh thông Đạo thuật. Câu chuyện “Tái ông thất mã” này là minh họa cho một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp.

Đời vô thường, chẳng biết được hôm nay có tai họa hay không. Những gì con người đánh mất sẽ trở lại theo cách khác trong tương lai.

Làm người, đừng đòi hỏi người khác phải theo ý muốn của mình, cũng đừng ham muốn một cách mù quáng và đừng ghen tị với người khác. Hãy giữ cho mình một trái tim nhân hậu, ngay thẳng, khoan dung với người khác nhưng nghiêm khắc với chính mình, ngay cả khi bạn mất đi một thứ gì đó, nó sẽ được bù đắp bằng một cách khác.

Cuộc sống có mười phần thì chín phần không vừa ý, nên hãy cứ sống thảnh thơi, coi mọi thứ đều là mây trôi. Rắc rối thực ra là do bản thân tự chuốc lấy, suy nghĩ nhiều cũng sẽ khiến bản thân thêm dằn vặt đau khổ. Luôn giữ một trái tim bình tĩnh, lý trí để đối mặt với những được và mất ở đời, mỉm cười với cuộc sống và gặt hái những niềm hạnh phúc giản đơn nhất từ những điều ta đang có. Nếu bạn còn sống, bạn nên sống thật vui vẻ, đừng để những tháng ngày trôi qua đầy hối tiếc.

Được chưa chắc đã là phúc. Có được những gì bạn cần là một phúc lành; ham muốn quá nhiều sẽ khiến ta mệt mỏi. Nhân sinh có đủ loại, bất kể được hay mất, buồn hay vui, hãy cứ bình tĩnh mà đối mặt với tất cả, để rồi một ngày ta nhận ra được mất ở đời là lẽ đương nhiên, cho nên hãy cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Đừng trốn chạy, cũng đừng oán trời oán đất, đừng đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho người khác sẽ chỉ tăng thêm rắc rối. Những gì đạt được có thể là may mắn, mất rồi là do số mệnh, hãy học cách nhìn nhận được và mất với tâm trầm tĩnh. Hãy biết ơn cuộc sống và trân trọng từng giây phút hiện tại này.

Theo Triệu Lệ - Aboluowang

Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Được chưa chắc đã là phúc, mất chưa chắc đã là họa