EU đạt thỏa thuận áp giá trần cho khí đốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận áp giá trần cho khí đốt giữa cuộc khủng hoảng năng lượng, và nhiều chỉ trích từ trong châu Âu rằng giá trần sẽ không dẫn đến hiệu quả mong muốn, đồng thời có thể khiến tình hình trở nên xấu đi.

Giá trần

EU vào ngày 19/12/2022 đã đạt được thỏa thuận áp đặt mức trần cho giá khí đốt, theo Reuters đưa tin.

Tất cả các bên cần chấp thuận bằng văn bản chính thức trước khi thỏa thuận về mức trần này có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Mức trần được kích hoạt chỉ khi các hợp đồng tương lai cho khí đốt giao 1 tháng sau trên nền tảng giao dịch TTF vượt qua 180 EUR/MWh trong ba ngày làm việc liên tiếp, và khi giá ở mức cao hơn 35 EUR so với giá tham chiếu cho khí đốt hóa lỏng (LNG) trên thị trường quốc tế trong cùng thời điểm.

Khi mức trần được kích hoạt, các nhà giao dịch sẽ không được giao dịch các hợp đồng TTF tương lai cho khí đốt giao 1 tháng, 3 tháng, và 1 năm sau với mức giá cao hơn 35 EUR/MWh so với giá tham chiếu.

Hợp đồng TTF cho khí đốt giao 1 tháng sau có giá lúc đóng cửa vào ngày 19/12 ở mức 106,6 EUR/MWh.

Hợp đồng này từng đạt kỷ lục hơn 300 EUR/MWh vào tháng 8/2022.

Xét về cả khối lượng giao dịch và số lượng mặt hàng, TTF là trung tâm giao dịch khí đốt lớn nhất ở Châu Âu, chiếm 79% tổng khối lượng giao dịch ở châu lục này vào năm 2019.

Các chỉ trích

Intercontinental Exchange (ICE) — nhà điều hành sàn giao dịch ICE Endex tại Hà Lan, nơi nhiều giao dịch hợp đồng tương lai TTF xảy ra — đã thuê hãng tư vấn Oxera thực hiện một nghiên cứu về hoạt động của thị trường khí đốt. Báo cáo từ Oxera nói rằng, việc Ủy ban Châu Âu áp đặt giá trần khó có thể đạt được hiệu quả dự kiến ​​là giảm giá khí đốt trên thị trường, và có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Báo cáo lập luận rằng, việc áp đặt giá trần sẽ không thể thực sự áp đặt một giới hạn giá cho tất cả các giao dịch khí đốt bán buôn, vì các hợp đồng tương tự như các hợp đồng bị áp giá trần có thể được giao dịch trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) hoặc trên các trung tâm giao dịch khác. Việc các giao dịch dời sang OTC có thể khiến việc phòng hộ giá trở nên tốn kém hơn, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.

ICE vào tuần trước chia sẻ với Reuters rằng họ có thể chuyển giao dịch TTF ra bên ngoài EU nếu khối này áp đặt giới hạn giá.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã cảnh báo rằng giá trần có thể "gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính trong khu vực đồng euro", "làm tăng tính biến động và các lệnh gọi ký quỹ liên quan, thách thức khả năng quản lý rủi ro tài chính của các đối tác chính và cũng có thể khuyến khích việc di chuyển từ các địa điểm giao dịch [hiện tại] sang các thị trường OTC không theo cơ chế bù trừ trung tâm".

Một bài viết gần đây của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford tuyên bố rằng, việc giới hạn giá khí đốt có khả năng "gây ra tổn thất tài chính lớn, không chỉ đối với các công ty và tổ chức tham gia giao dịch mà còn cả đối với các ngân hàng và các trung gian tài chính khác. Sẽ không khó để tưởng tượng rằng toàn bộ cấu trúc tài chính của hoạt động kinh doanh khí đốt có thể bị phá vỡ, khi ngày càng có nhiều đối tác từ bỏ các thỏa thuận đã đồng ý trước đó".

Liên đoàn Thương nhân Năng lượng Châu Âu (EFET) bày tỏ lo ngại: "Có sự thiếu hụt khí đốt ở Châu Âu — vấn đề đó có thể được giải quyết bằng cách tăng nguồn cung hoặc giảm nhu cầu. Chúng tôi hiểu sức hấp dẫn chính trị của việc giới hạn giá — hay Cơ chế điều chỉnh thị trường khí đốt — nhưng điều này có thể khiến tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn".

EFET tin rằng mức giá trần làm suy yếu khả năng đàm phán của châu Âu trong việc mua khí đốt, và cho rằng, nếu châu Âu không thể tăng nguồn cung, thì phải giảm nhu cầu để xử lý cuộc khủng hoảng hiện tại. Một mức giá trần sẽ làm giảm động cơ tiết kiệm năng lượng, do đó dẫn đến mức tiêu thụ khí đốt cao hơn.

EFET cũng lưu ý rằng, mức giá trần có thể cho phép các nhà nhập khẩu khí đốt đàm phán lại hợp đồng tùy ý, vì các hợp đồng LNG toàn cầu bao gồm các điều khoản cho phép đàm phán lại hợp đồng trong trường hợp một chỉ số hay giá chuẩn thay đổi. Trong một thị trường mà người bán đang chiếm thế thượng phong, điều này có nghĩa là các hợp đồng hiện tại có thể được đàm phán lại, và khí đốt có thể được chuyển hướng đến các quốc gia khác với giá cao hơn mức trần.

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

EU đạt thỏa thuận áp giá trần cho khí đốt