Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 22/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc vì nó đang tác động đến phần còn lại của thế giới. Ông cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ nếu Trung Quốc 'ngỏ lời'.

“Điều vô cùng quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, là tập trung vào việc tiêm vaccine ngừa Covid cho người dân, cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị, và quan trọng là chia sẻ thông tin với thế giới về những gì họ đang trải qua", ông Blinken nói trong cuộc họp báo ngày 22/12.

“Điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi muốn thấy [Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát này]", ông nói thêm.

Trung Quốc chính thức thông báo chỉ có tám trường hợp tử vong trong tháng này tính đến ngày 22/12, một con số thu hút sự hoài nghi cao độ của giới quan sát. Số liệu này cũng hoàn toàn trái ngược với hình ảnh tràn ngập trên Internet về các khu bệnh viện đông đúc và các lò hỏa táng quá tải ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng ngừng thống kê các ca nhiễm không có triệu chứng sau khi nới lỏng các hạn chế “Zero Covid".

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục nhấn mạnh việc lây nhiễm và tử vong như một phần trong hoạt động kiểm duyệt những diễn biến có thể làm hoen ố hình ảnh của nước này.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Tài xế xe cứu thương đưa một bệnh nhân ra ngoài phòng khám điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 21/12/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng từng yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ ở nước này.

Tại một cuộc họp báo ngày 21/12, ông Tedros nói rằng, WHO “rất lo ngại về tình hình đang diễn biến ở Trung Quốc trước các báo cáo về dịch bệnh nghiêm trọng ngày càng tăng”. Ông cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này cùng với số ca nhập viện và các yêu cầu chăm sóc đặc biệt.

Ông Tedros cũng nhắc lại yêu cầu chính quyền Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc của virus corona gây ra đại dịch Covid-19. Ông nói rằng vẫn còn những lỗ hổng ngăn cản việc tìm hiểu về nguồn gốc của đại dịch và khẳng định rằng, nếu không có dữ liệu cần thiết thì rất khó để ngăn chặn các đợt bùng phát đại dịch trong tương lai. Đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào khoảng tháng 11/2019.

“Chúng tôi không ngừng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu mà chúng tôi đã và đang tiếp tục yêu cầu. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch này vẫn còn đang được xem xét", ông nói.

Mỹ đề nghị giúp Trung Quốc sản xuất vaccine ngừa Covid-19

Người dân Trung Quốc đã được tiêm vacine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá loại vaccine này là kém hiệu quả hơn so với vacine của phương Tây.

Ngoại trưởng Blinken đã gia hạn đề nghị cung cấp vaccine của Mỹ cho Trung Quốc.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ ai yêu cầu nếu họ cho rằng điều đó là hữu ích", ông nói và cho biết thêm rằng Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng yêu cầu giúp đỡ.

Đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Mỹ là nhà tài trợ vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, cả hỗ trợ vaccine và các hỗ trợ sức khỏe khác liên quan đến Covid-19".

Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về đề xuất của Washington. Trong khi đó, ĐCSTQ đã từ chối cung cấp vaccine BioNTech của chính phủ Đức cho người dân Trung Quốc mà chỉ cho phép vận chuyển vaccine này cho 20.000 người Đức hải ngoại sống ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại những lo ngại của chính phủ Hoa Kỳ về sự đột biến của virus và tác động của đợt bùng phát đại dịch tại Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới.

“Bất cứ khi nào virus lây lan hoặc lây nhiễm ra xung quanh, sẽ có khả năng xuất hiện một biến thể mới. Biến thể đó thậm chí còn lan rộng hơn nữa; nó có thể xâm nhập và ảnh hưởng đến chúng ta hoặc các quốc gia khác", ông Blinken nói.

“Và sau đó, như chúng ta đã thấy, sẽ có những tác động rõ rệt đối với nền kinh tế toàn cầu với việc Trung Quốc phải phong toả vì đại dịch Covid-19”, ông nói thêm, đề cập đến sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng do việc đóng cửa do đại dịch gây ra.

Dự đoán về nhiễm Covid-19 hàng loạt

Công ty nghiên cứu sức khỏe Airfinity có trụ sở tại Vương quốc Anh đã ước tính, có hơn 5.000 người tử vong mỗi ngày vì đại dịch ở Trung Quốc. Báo cáo của công ty cũng dự đoán rằng, đợt bùng phát đại dịch hiện tại sẽ cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu đến 2,1 triệu người. Báo cáo này được công bố vào cuối tháng 11 và dựa trên mô hình sử dụng số liệu thống kê khu vực của Trung Quốc.

Công ty này dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ trải qua hai đỉnh điểm bùng phát. Đợt đầu tiên diễn ra vào giữa tháng 1/2023 đạt 3,7 triệu ca nhiễm mỗi ngày ở các khu vực hiện đang gia tăng ca nhiễm. Đợt thứ hai sẽ bùng nổ vào tháng 3/2023, đạt 4,2 triệu ca nhiễm mỗi ngày ở các tỉnh khác.

Trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Đại học Thanh Hoa tổ chức vào ngày 6/12, ông Feng Zijian, cựu Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, bất kể các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh có thay đổi như thế nào, hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều khó tránh khỏi bị nhiễm bệnh một lần.

“Theo tính toán của các mô hình toán học, khi đợt lây nhiễm quy mô lớn đầu tiên đạt đến đỉnh điểm, tỷ lệ lây nhiễm trong dân số có thể đạt khoảng 60%, sau đó giảm dần trở lại trạng thái ổn định, và cuối cùng là khoảng 80 đến 90% dân số sẽ bị nhiễm Covid-19", ông nói.

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về đợt bùng phát Covid-19