Honduras thừa nhận vì Đài Loan không viện trợ hơn 2 tỷ USD nên mới xoay trục sang Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xoay quanh nguyên nhân Honduras đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và xoay trục sang Trung Quốc, có nhiều đồn đoán cho rằng nguồn cơn của vụ việc xuất phát từ việc Đài Loan từ chối viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Honduras.

Hãng tin Visiontimes cho hay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Honduras Antonio Garcia mới đây xác nhận ông đã nhiều lần đề nghị Đài Loan cấp 2 tỷ USD để Honduras tái cơ cấu nợ nước ngoài, đầu tư vào các nhà máy địa phương và hỗ trợ xây dựng bệnh viện nhưng không nhận được phản hồi tích cực nào từ phía Đài Loan.

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan trích dẫn phương tiện truyền thông địa phương Proceso Digital của Honduras cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Honduras Antonio Garcia nói rằng sau khoảng nửa năm đàm phán với Đài Loan nhưng không nhận được phản hồi tích cực nên chính quyền Honduras mới quay sang tìm kiếm một giải pháp có lợi hơn để dễ bề ăn nói với người dân nước này.

Ông Garcia thẳng thắn chia sẻ rằng ông đã yêu cầu Đài Loan ba điều: tái cơ cấu nợ nước ngoài, đầu tư vào các nhà máy địa phương và hỗ trợ xây dựng bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Honduras nói rõ rằng đây không phải là việc nước này yêu cầu Đài Loan viện trợ cho họ, mà là hy vọng Đài Loan sẽ thay Honduras trả khoản nợ với mức lãi suất cao, sau đó nước này sẽ trả lại cho Đài Loan số tiền trên với mức lãi suất thấp, từ đó Honduras có thể tiết kiệm hàng triệu USD.

Đáp lại đề nghị xây dựng nhà máy tại Honduras, Đài Loan trả lời rằng quyền quyết định phụ thuộc vào từng công ty. Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đồng ý hỗ trợ địa phương xây dựng bệnh viện.

Ông Garcia cho biết do yêu cầu hỗ trợ tài chính 2 tỷ USD của Đài Loan không nhận được phản hồi tích cực nên ông đã quyết định chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Honduras thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Honduras lập luận rằng Honduras nên hòa vào xu hướng phát triển của thời đại, trong đó hầu hết các quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đều duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Ông cũng lập luận rằng Honduras luôn biết ơn sự giúp đỡ không ngừng từ Đài Loan, nhưng đôi khi họ cũng cần phải cân nhắc đến những cơ hội trước mắt. Do đó, Tổng thống Honduras mới đưa ra quyết định bắt tay với Trung Quốc.

Hôm 24/3, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố rằng họ có quan điểm tích cực về việc Ngoại trưởng Honduras thừa nhận rằng ông đã yêu cầu Đài Loan viện trợ tài chính 2 tỷ USD.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nhấn mạnh rằng Đài Loan chưa bao giờ "phớt lờ" đề xuất của Honduras. Ngược lại, Honduras mới là bên chưa bao giờ phản hồi về kế hoạch hỗ trợ của Đài Loan.

Trước những khó khăn tài chính của chính quyền Honduras, Bộ Ngoại giao Đài Loan đề cập rằng bên cạnh việc Đại sứ Đài Loan tại Honduras nhiều lần tham khảo ý kiến ​​​​của Bộ Ngoại giao Honduras, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Du Đại Lôi cũng đã đến Honduras để giải thích về kế hoạch phản ứng của Đài Loan.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã nhiều lần phỏng vấn đại sứ Honduras tại Đài Loan để giải thích trực tiếp, yêu cầu ông này truyền đạt một cách trung thực sự chân thành của Đài Loan trong việc phản hồi vụ việc và hỗ trợ chính phủ nước ông.

Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Đài Loan luôn phản hồi tích cực trước các đề xuất của chính quyền Honduras trong phạm vi và khả năng của mình, do đó hoàn toàn không có chuyện Đài Bắc “phớt lờ” đề xuất của Honduras như bên kia nói. Ngược lại, chính quyền Honduras mới là bên chưa bao giờ phản hồi về kế hoạch viện trợ của Đài Loan.

Vụ xây dựng đập thủy điện Patuca 3 - Nguồn cơn của rạn nứt

Ban đầu, chính phủ cựu Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển (nhiệm kỳ từ năm 2000 đến năm 2008) dự kiến đầu tư vào dự án xây dựng đập thủy điện Patuca 3. Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ của chính phủ Mã Anh Cửu, Viện Lập pháp Đài Loan đã bác bỏ và rút lại khoản ngân sách này.

Sau đó, Honduras quay sang hợp tác với một tập đoàn Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã làm chủ huyết mạch cơ sở hạ tầng thủy điện của Honduras và Đài Loan dần bị gạt “ra rìa”.

Patuca 3 ban đầu là một dự án đầu tư do Taipower (Công ty Điện lực Đài Loan) xúc tiến hợp tác thông qua chính sách đối ngoại của chính phủ nhằm hỗ trợ Honduras phát triển thủy điện và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, mặc dù chính phủ đã phê duyệt dự án nhưng nó vẫn bị đình chỉ do Viện Lập pháp không phê duyệt khoản ngân sách này.

Theo nguồn tin của Tập đoàn Taipower tại Hong Kong, tập đoàn này sau đó đã thống nhất xác định lại vai trò của Taipower trong dự án Patuca 3 với tư cách là "nhà cung cấp công nghệ" cho dự án.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2010, Honduras bất ngờ ký biên bản hợp tác với Tập đoàn China Water (CWE) của Trung Quốc để cùng xây dựng một nhà máy thủy điện.

Ngoài việc đảm nhận xây dựng dự án Patuca 3, China Water còn hỗ trợ Taipower tại Hong Kong xin tài trợ từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc để xoay vốn xây dựng nhà máy.

Nguồn tin chỉ ra rằng Honduras và Trung Quốc đã ký một Dự thảo thỏa thuận khung vào năm 2011. Sau đó, China Water đã hủy bỏ thiết kế ban đầu do Đài Loan đề xuất với Honduras. Cuối cùng, Trung Quốc đã tái quy hoạch và bắt tay vào xây dựng dự án này.

Bởi vì kế hoạch xây dựng và kinh phí đều nằm trong tay Trung Quốc nên Tập đoàn Điện lực Nhà nước Honduras (ENEE) đã dần đánh mất quyền tự chủ của mình trong vụ việc, đồng thời tập đoàn này luôn né tránh nói về việc họ có cần hỗ trợ kỹ thuật của Đài Loan hay không.

Kể từ đó, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Honduras dần tăng lên, trong khi ảnh hưởng của Đài Loan dần suy yếu.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Honduras thừa nhận vì Đài Loan không viện trợ hơn 2 tỷ USD nên mới xoay trục sang Trung Quốc?