Indonesia phát hiện kim tự tháp cổ hơn Ai Cập, được xây dựng cách đây hơn 2 vạn năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tờ Daily Mail của Anh đưa tin, kim tự tháp lâu đời nhất của Ai Cập được xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm, nhưng tại tỉnh Tây Java, Indonesia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những kim tự tháp cổ hơn cả kim tự tháp Ai Cập. Nếu điều này là sự thật, nó sẽ viết lại thời tiền sử và tiết lộ cho thế giới một nền văn minh hùng mạnh và tiên tiến.

Nhà địa chất học người Indonesia, Tiến sĩ Danny Hilman tin rằng "kim tự tháp" được phát hiện ở Tây Java, Indonesia, có thể đã được xây dựng từ 9.000 đến 20.000 năm trước và ẩn giấu trên một sườn đồi. Sau khi kiểm tra một số tàn tích của địa điểm, các chuyên gia xác định rằng việc xây dựng có thể có niên đại ít nhất là 7000 năm trước Công nguyên. Ông Hilman cho rằng địa điểm này là cấu trúc cự thạch lớn nhất ở Đông Nam Á và loại kim tự tháp này có thể là bằng chứng cho sự tồn tại của các nền văn minh cổ đại tiên tiến ở Java.

Vào tháng 12 năm 2018, tại Hội nghị Địa vật lý thường niên ở Hoa Kỳ, một nhóm nghiên cứu người Indonesia đã công bố kết quả nghiên cứu của họ, chỉ ra rằng tàn tích cự thạch hàng chục nghìn năm tuổi trên núi Padang ở Tây Java, thực chất là những tòa kim tự tháp. Cấu trúc ban đầu được phát hiện vào năm 1914, nhưng nó chưa bao giờ được điều tra vì từ lâu người ta cho rằng nó là sự hình thành tự nhiên từ ngọn núi.

Tiến sĩ Hilman vô tình phát hiện ra sự thật này, ông đã dẫn đầu nhóm sử dụng radar xuyên đất, chụp cắt lớp địa chấn và các phương pháp khác để nghiên cứu, cuối cùng phát hiện ra rằng núi Padang không phải được hình thành một cách tự nhiên mà là một tòa nhà nhiều tầng được tạo ra bằng phương tiện nhân tạo. Trước sự ngạc nhiên lớn của các nhà khoa học, tổng diện tích khoảng 15 ha xung quanh ngọn núi là một phần của công trình nhân tạo nhưng được bao phủ bởi đất và rừng.

Những khối đá xung quanh kim tự tháp ở Badong, Indonesia
Những khối đá xung quanh kim tự tháp ở Padang, Indonesia (Ảnh: Getty)

Không chỉ vậy, trên đỉnh núi Padang còn có một địa điểm khảo cổ với những hàng cột đá cổ kính. Để khám phá thêm những bí ẩn của di tích cổ này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật để kiểm tra cấu trúc địa chất ở đây, bao gồm khảo sát radar dưới lòng đất, chụp cắt lớp tia X, chụp ảnh 2D và 3D, khoan và khai quật lõi. Dần dần, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những cấu trúc phân cấp khổng lồ dưới lòng đất.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tòa nhà cao khoảng 30 mét, chia thành 4 tầng và được xây dựng vào những thời điểm khác nhau trong miệng núi lửa đã tắt. Lớp đầu tiên cũng là lớp lớn nhất của kim tự tháp và được làm bằng đất trộn cát. Phân tích carbon phóng xạ cho thấy nó được xây dựng cách đây khoảng 20.000 năm. Lớp thứ hai được coi là lớp đá tự nhiên, nhưng nó chứa cấu trúc ma trận gồm các cột đá, được cho là do con người thời tiền sử tạo ra. Lớp thứ ba có độ sâu tối đa 15 mét, chứa một cấu trúc rỗng khổng lồ dưới lòng đất hoặc nhiều hang động, lớp thứ tư là đá bazan, là lớp dưới cùng, nhưng cũng có dấu vết của sự biến đổi nhân tạo.

(Ảnh chụp màn hình Youtube)

Theo phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ sơ bộ, hai lớp trên xuất hiện muộn hơn, có niên đại lần lượt là khoảng 8.300 năm trước và 3.500 năm trước. Trải qua một thời gian dài, nó bị bao phủ bởi đất và thảm thực vật khiến các chuyên gia không thể khám phá được kim tự tháp.

Hình ảnh radar tiết lộ nội thất của kim tự tháp, cho thấy những căn phòng ẩn giấu và cấu trúc ngôi đền một phần nằm sâu trong ngọn đồi. Tiến sĩ Hilman lưu ý rằng mọi người cho rằng thời tiền sử là thời nguyên thủy, nhưng cấu trúc kim tự tháp này đã chứng minh nhận định đó là sai lầm. Cấu trúc kim tự tháp cổ đại này có thể liên quan đến tôn giáo, và có thể là một ngôi đền độc đáo được xây dựng qua nhiều năm chứ không phải là một lăng mộ hay đài quan sát như Stonehenge.

Ngày nay, trên đỉnh núi Padang, người ta thường thấy người dân địa phương đến đây để cầu nguyện và thiền định. Các nhà khảo cổ nói rằng họ không loại trừ việc con người đã đến thăm nơi này từ hàng nghìn năm trước. Chính quyền địa phương ở Indonesia cũng rất coi trọng việc nghiên cứu khảo cổ học về núi Padang, sau khi tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, họ phát hiện ra rằng địa điểm núi Padang là công trình kiến ​​trúc thời tiền sử "lớn nhất" trên thế giới, thậm chí còn lâu đời hơn cả kim tự tháp Ai Cập.

Hiện tại, cơ sở tôn giáo đằng sau Núi Padang vẫn còn là vấn đề suy đoán, nhưng nếu các nhà nghiên cứu đúng về các phiên bản khác của cấu trúc kim tự tháp thì Núi Padang sẽ là một khám phá quan trọng.

Theo Lý Tĩnh Nhu - Sound of Hope
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Indonesia phát hiện kim tự tháp cổ hơn Ai Cập, được xây dựng cách đây hơn 2 vạn năm