Kỳ quan nào xứng với danh hiệu Kỳ quan thứ 8 và thứ 9 của thế giới cổ đại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những công trình vượt thời gian, những kiến tạo bí ẩn mà người hiện đại không cách nào hình dung tới, hoặc chúng ta khó mà tạo nên những tuyệt tác đồ sộ như vậy bằng công nghệ ngày nay. Vậy mà vào 1.500 đến 2.000 năm trước, chúng đã sừng sững tồn tại ở đó.

Nằm chơi vơi trên đỉnh một tảng đá nguyên khối cao 180 mét là thành cổ Sigiriya – một kiệt tác nghệ thuật kết hợp giữa quy hoạch đô thị cổ đại, cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc – tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài suốt 1.500 năm. Đây được ví như ‘Kỳ quan thứ 8 của thế giới cổ đại’.

‘Kỳ quan thứ 9 của thế giới cổ đại’ là Quần thể hang động Long Du – một thế giới cổ đại dưới lòng đất sâu 30 mét, rộng lớn, tuyệt đẹp và hiếm có. Quần thể này có đầy đủ công trình phụ như phòng đá, cầu cống, rãnh nước, hồ bơi với kỹ thuật siêu việt, và tuyệt vời hơn cả là nó đã tồn tại suốt hơn 2.000 năm.

Không ai biết những kiến tạo này từ đâu mà có, ai đã tạo ra chúng và bằng công nghệ như thế nào.

Thành cổ trên đỉnh núi Sư Tử

Thành cổ Sigiriya nằm trên đỉnh núi đá Sư Tử, ​​gần thị trấn Dambulla, miền trung Sri Lanka.

Vị trí Thành cổ Sigiriya trên Google Map. (Ảnh chụp màn hình)

Các kết quả khảo cố cho thấy, Sigiriya từng là nơi tu hành của các nhà sư và đạo sĩ từ thế kỷ thứ 3 TCN. Vào năm 477 SCN, vua Kashyapa dời kinh đô đến Sigiriya, rồi phát triển nơi này thành một thành phố và pháo đài phức tạp.

Thành cổ nằm trên đỉnh của một núi đá nguyên khối. Núi đá nguyên khối này được hình thành từ magma của ngọn núi lửa đã tắt, cao hơn 180 mét so với địa hình của những cánh rừng xung quanh và cao hơn 370 mét so với mực nước biển.

Nhìn từ trên cao, Sigiriya hùng vỹ nằm giữa một rừng cây hoang sơ rậm rạp và tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Khu vực phía tây của thành phố cổ đại có diện tích 90 ha, được bao quanh bởi 3 thành lũy và 2 hào, với các khu vườn và hệ thống thủy lực phức tạp; khu vực phía đông có diện tích 40 ha là cung điện hoàng gia với đền đài để tổ chức các nghi lễ thiêng liêng.

Sigiriya.jpg
Một mặt của núi đá Sư Tử . (Bernard Gagnon / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Điều khó hiểu nhất chính là, công trình này được xây dựng như thế nào? Làm sao mà những thợ xây dựng cổ đại có thể di chuyển tất cả những viên gạch này lên đỉnh núi đá.

Theo như thống kê, có ít nhất có 3 triệu viên gạch được tìm thấy ở đây. Dĩ nhiên sẽ không thể tạo ra những viên gạch ở ngay trên đỉnh núi, bởi ở đây không có đất sét. Vậy nên sẽ phải vận chuyển những viên gạch này từ mặt đất lên.

Dẫu vậy, phần thực sự kỳ lạ của công trình này là không có một cầu thang cổ nào đi từ mặt đất lên đỉnh núi. Tất cả những bậc thang kim loại mà du khách sử dụng ngày nay đều được xây vào những thế kỷ sau này.

Sigiriya lion gate 04.JPG
Thang kim loại lên núi Sư Tử được xây dựng vào thời sau này. (Cherubino / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Đây chính là lý do không một ai, ngay cả người dân địa phương cũng không biết về sự tồn tại của thành cổ Sigiriya, mãi cho đến khi sĩ quan người Anh tên là Jonathan Forbes phát hiện ra nó vào năm 1831, sau 1.500 năm bị lãng quên.

Ở đây không chỉ có gạch, mà còn có hàng ngàn khối đá cẩm thạch, chúng hoàn toàn không có nguồn gốc từ khu vực này. Vậy bằng cách nào chúng được vận chuyển lên độ cao 180 mét mà không có cầu thang đi lên. Đây vẫn là câu hỏi thách thức đối với chúng ta ngày nay.

Chưa hết, trên đỉnh tảng đá này còn xuất hiện một bể chứa nước khổng lồ bằng đá granite. Toàn bộ bể dài khoảng 27 mét, rộng 20 mét và sâu hơn 2 mét. Nó không được xây dựng bằng cách thêm các khối đá vào, mà là loại bỏ đá granite đi. Với kích thước của bể chứa này, có ít nhất 3.500 tấn đá đã bị loại bỏ.

Nếu con người sử dụng các công cụ nguyên thuỷ và thô sơ, như đục, rìu, búa trên đá granite – một trong những loại đá cứng nhất thế giới – thì việc loại bỏ hơn 3 ngàn tấn đất đá để xây dựng bể nước sẽ mất rất nhiều năm.

Dường như có điều gì đó không đúng ở đây, khi quan sát kỹ hơn thành bể, chúng ta không thấy dấu vết của công cụ thô sơ, mà là những vết cắt dài, lớn và tinh xảo – như khi bạn cắt một miếng bơ ra khỏi hộp.

Câu hỏi lúc này càng khó hiểu hơn, có phải những công nhân cổ đại đã dùng một thiết bị siêu tiên tiến để múc đá granite ra và tạo thành bể chứa mà chúng ta đang thấy ngày nay?

Sigiriya Luftbild (29781064900).jpg
Thành cổ Sigiriya nhìn từ trên cao, có thể thấy một bể nước lớn trong thành. (dronepicr / Wikipedia / CC BY 2.0)

Trong suốt cả năm, bể nước sẽ không bao giờ khô hoàn toàn – ngay cả vào mùa hè siêu nóng, và cũng sẽ không tràn nước ra ngoài trong mùa mưa. Nó không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người để giữ được lượng nước nguyên trạng. Điều này thật sự kỳ lạ, bể chứa dường như thu nước vào mùa mưa thông qua quá trình thẩm thấu, và có một hệ thống thoát nước chậm bên dưới.

Ngày nay, khi có cầu thang, lan can, các tiện nghi hiện đại khác và một sức khỏe tốt, chúng ta vẫn phải mất gần 2 tiếng để lên đến đỉnh Sigiriya. Vậy làm thế nào mà những thợ xây dựng cổ đại lại vận chuyển được một lượng vật liệu khổng lồ để xây dựng thành phố, nếu không có cầu thang thích hợp?

Nhìn vào mặt đá trên thân núi đá, có thể thấy rõ các vết cắt, rãnh lớn như hình chữ nhật và nhiều vết cắt khác. Các nhà nghiên cứu xác nhận, đó là những vết cắt có từ thời cổ đại. Nhưng không thể tìm thấy bất kì cầu thang hoặc thậm chí là một con dốc nào để làm điểm tựa trong quá trình chế tác.

Làm sao có ai đó đứng lên đó mà tạo nên những đường rãnh này được? Phải chăng những vết cắt này được tạo ra bởi một thế lực thần bí nào đó – những người được trang bị những công cụ tiên tiến thời kỳ đó?

Ngoài ra, chúng ta có thể thấy những vết cắt trông giống như những bậc thang đi lên đỉnh núi đá, nhưng ở một góc 90 độ. Vì vậy con người không thể sử dụng chúng. Trên thực tế, đây không phải là các bậc thang, mà các nhà nghiên cứu gọi chúng là các đường rãnh, và có không ít các địa điểm khảo cổ trên thế giới cũng có các đường rãnh tương tự.

Panorama at the top of Sigiriya.jpg
Cận cảnh di tích thành cổ Sigiriya trên đỉnh núi Sư Tử. (Daniel Liabeuf / Wikipedia / CC BY-SA 3.0)

Quan trọng hơn, nó được tạo ra như thế nào vào 1.500 năm về trước? Có rất nhiều tác động nhân tạo ở khắp các mặt đá ở đây, có các đường sọc, có các khối lập phương, các rãnh cắt sâu vào đá. Tất cả những bí ẩn về thành cổ Sigiriya vẫn còn bị bỏ ngỏ cho tới ngày nay.

36 hang động Long Du

Người dân dưới chân núi Phượng Hoàng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc có một truyền thuyết về “một cái hang không đáy” gần làng – đã tồn tại suốt hàng ngàn năm.

Năm 1992, người dân địa phương muốn hút hết nước để xem "cái ao không đáy" trong truyền thuyết rốt cuộc là có đáy hay không. Họ cũng muốn nhân cơ hội này có thể thu hoạch một ít cá trong ao.

Vậy là họ thay phiên nhau hút nước trong 17 ngày liên tục. Cuối cùng, hiện ra trước mắt họ là một hang động bí ẩn với vô số những thứ kỳ lạ bên trong. Đó chính là hang Long Du – quần thể 36 hang động nhân tạo lớn nhất thế giới mà chúng ta từng biết, với trình độ thủ công thuộc hàng bậc nhất.

Vị trí Quần thể hang động Long Du trên Google Map. (Ảnh chụp màn hình)

36 hang động này được cho là có từ năm 221 TCN. Nghĩa là nó đã tồn tại hơn 2.000 năm. Không có bất cứ một tư liệu lịch sử nào đề cập đến quá trình xây dựng quần thể hang động này, hay danh tính của những người thợ đã làm nên chúng.

Chúng ta khoan hãy nói về cách thức xây dựng, bây giờ hãy xem bố cục của kiến trúc kỳ vỹ này. Và lý do tại sao nó được mệnh danh là Kỳ quan thứ 9 của nhân loại.

  • Quần thể hang động này rất lớn, diện tích trung bình của mặt sàn mỗi hang là hơn 1.000 mét vuông, với chiều cao lên tới 30 mét, tổng diện tích của quần thể là hơn 30.000 mét vuông.
  • Kỳ quan thiên nhiên này không phải là một tạo tác bình thường. Nó còn có phòng đá, cầu cống, rãnh nước và hồ bơi. Có các trụ cột to lớn phân bố đều khắp các hang để nâng đỡ trần và tường.
  • Mỗi một động đều như một tòa nhà vĩ đại, chạm khắc vô cùng công phu. Hang Long Du đã duy trì được kết cấu vững chắc suốt hơn 2.000 năm.
Một trong các hang ở quần thể hang động Long Du. (Zhangzhugang / Wikimedia Commons / CC BY-SA 4.0)

Ngoài ra, còn 8 ẩn đố khác:

1. Chúng được xây dựng như thế nào?

Ước tính sơ qua về khối lượng công việc để xây dựng 5 hang động này khiến người ta kinh sợ. Số lượng đá cần phải di chuyển trong toàn bộ quá trình đào hang – ước tính là khoảng 1 triệu mét khối. Nếu tính trung bình, cần có 1.000 người lao động cả ngày lẫn đêm trong vòng 6 năm thì mới hoàn thành được khối lượng công việc này. Đó là chưa kể phần khó nhất là chạm khắc vô cùng công phu.

2. Không có dấu vết gì của việc xây dựng

Mặc dù toàn bộ hang động có liên quan đến khoảng 1 triệu mét khối đá, vẫn không có bằng chứng khảo cổ học nào phát hiện ra số lượng đá lớn như vậy đã được mang đi. Không có công cụ nào được phát hiện trong khu vực, cũng không có bất kỳ tài liệu lịch sử nào đề cập đến hang động này. Điều này rất không bình thường khi xem xét đến toàn bộ quy mô của dự án. Nguồn gốc của hang động hoàn toàn bí ẩn.

3. Các bức tường được chạm trổ

Trong mỗi một hang động được phát hiện, từ sàn đến trần, gần như tất cả các bề mặt đều được chạm khắc các đường thẳng song song nhau. Người ta tự hỏi liệu công việc đòi hỏi nhân lực nhiều như vậy chỉ để dùng với mục đích trang trí? Hay chúng tượng trưng cho điều gì khác nữa?

Longyou Xiaonanhai Shishi 2016.12.11 15-56-30.jpg
Các đường chạm khắc dài chạy song song trên trần hang. (Zhangzhugang / Wikimedia Commons / CC BY-SA 4.0)

4. Cách bảo tồn

Một trong những câu hỏi đầy thách thức là làm cách nào mà các hang động này giữ được vẹn toàn cấu trúc trong hơn 2.000 năm. Không hề có dấu hiệu sụp đổ, không có cọc bằng cao su, không có bất cứ hư hại gì, mặc dù tường chỉ có độ dày 50 cm. Qua hàng thế kỷ, khu vực này đã trải qua vô số các trận lũ lụt, thiên tai và chiến tranh, các ngọn núi cũng thay đổi hình dáng. Vậy mà bên trong các hang động này, hình dáng, kiểu cách và những trạm trổ đều rất sắc nét và chính xác – như thể chúng mới được xây vào ngày hôm qua.

5. Làm việc trong bóng tối?

Bởi vì các động này rất sâu, một số khu vực ở đáy động không hề được ánh sáng chiếu tới, hoàn toàn tối đen như mực. Và chúng lại được trang trí với hàng ngàn đường thẳng song song trên các bức tường, cột và trần. Vậy làm cách nào mà người cổ đại có thể làm việc trong bóng tối? Ở đây không lưu lại dấu tích về vật dụng gì dùng để chiếu sáng.

6. Ai xây dựng?

Không có bất cứ ý tưởng gì về việc ai là người xây dựng những hang động này. Các nhà khoa học khẳng định rằng, thật phi lý nếu những người dân bình thường lại làm được những việc nặng nhọc giống voi ma mút như vậy. Chỉ có hoàng đế mới có thể tiến hành được một dự án vĩ đại thế này. Vậy tại sao lại không có tài liệu nào ghi lại việc xây dựng này?

7. Sự chuẩn xác khó tin

Quy mô của các hang động Long Du vô cùng tráng lệ và vĩ đại. Thiết kế công phu và khoa học, chính xác trong từng tiểu tiết, chúng toát lên một sự lành nghề phi phàm. Những họa tiết trang trí trên tường, cột và trần đều rất phức tạp. Mỗi động đều như một tòa nhà vĩ đại, chúng không thông nhau mà hoàn toàn tách biệt.

Longyou Xiaonanhai Shishi 2016.12.11 15-49-15.jpg
Các hang không thông nhau mà hoàn toàn tách biệt. (Zhangzhugang / Wikimedia Commons / CC BY-SA 4.0)

Các nhà khoa học cho biết: “Ở đáy của mỗi động, người cổ đại không thể nhìn thấy những người khác đang làm gì ở động bên cạnh. Nhưng việc xây dựng ở bên trong mỗi động phải được làm song song cùng nhau để bức tường có thể giữ được. Vì vậy bộ máy đo đạc phải rất hiện đại. Phải có trước bản vẽ thiết kế về kích thước, vị trí và khoảng cách giữa các động”.

Với các thiết bị tối tân, những nhà điều tra đã đo được kích thước của các bức tường, chúng đều siêu chính xác. Thật không hiểu họ đã làm cách nào?

8. Mục đích làm hang động

Một số nhà khảo cổ học đã cho rằng, đây là nơi chôn cất các hoàng đế, hoặc để cất giữ báu vật. Nhưng sự giải thích này rất miễn cưỡng, cho đến nay, không tìm thấy vật thể nào hay khu mộ nào. Nó cũng không phải nơi khai thác khoáng sản. Không phải nơi trú ẩn cho chiến tranh.

Quần thể hang động Long Du cho đến nay vẫn là một thế giới cổ đại dưới lòng đất, rộng lớn, tuyệt đẹp và hiếm có. Nó được coi là “kỳ quan thứ 9 của thế giới cổ đại”. Còn quần thể cung điện kỳ bí trên đỉnh đá Sigiriya được xem như là kỳ quan thứ 8.

Rõ ràng, người cổ đại đã đạt được những thành tựu vĩ đại, và chúng là những điều bí ẩn mà con người ngày nay chưa thể lý giải được.

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ quan nào xứng với danh hiệu Kỳ quan thứ 8 và thứ 9 của thế giới cổ đại?