Mỹ: Tiểu bang Indiana kêu gọi người dân xóa TikTok ‘do ĐCSTQ kiểm soát’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (23/12), Tổng chưởng lý tiểu bang Indiana, ông Todd Rokita, đã kêu gọi cư dân tiểu bang này bảo vệ quyền riêng tư của họ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách xóa 'ứng dụng mạng xã hội lừa đảo' TikTok khỏi điện thoại của họ.

Hôm 7/12, Tổng chưởng lý tiểu bang Indiana Todd Rokita đã công bố hai vụ kiện riêng biệt đối với ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu. Cả hai vụ việc đều liên quan đến điều mà ông mô tả là “tuyên bố sai sự thật” của công ty về ứng dụng này.

Hôm 23/12, ông Rokita tiếp tục khuyến khích công dân tiểu bang Indiana không nên chờ đợi những "hành động" của Nhà Trắng đối với ứng dụng TikTok, ứng dụng mà các chuyên gia bảo mật từ lâu đã cảnh báo là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

"Cư dân tiểu bang Indiana không nên chờ đợi Quốc hội Mỹ hoặc chính quyền ông Biden hành động chống lại phần mềm mạng xã hội lừa đảo này. Chúng ta phải là người chủ động", ông Rokita nói trong một tuyên bố.

Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc buộc các công ty trong nước phải hợp tác với các cơ quan tình báo mỗi khi được yêu cầu. TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, họ sẽ không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của ĐCSTQ đối với dữ liệu người dùng.

Văn phòng của ông Rokita nhấn mạnh rằng, hơn 130 triệu người Mỹ, bao gồm 2/3 thanh thiếu niên Mỹ, tuyên bố rằng, TikTok thu thập thông tin cá nhân của họ và có khả năng gửi trực tiếp cho chính quyền Trung Quốc.

Ứng dụng này ra mắt tại Trung Quốc với tên gọi "Douyin" vào tháng 9/2016 và nhanh chóng thu hút 100 triệu người dùng Trung Quốc chỉ trong một năm. Ứng dụng này đã được khởi chạy trên phạm vi toàn cầu với tên gọi TikTok vào tháng 9/2017 và thu hút khoảng một tỷ người dùng hoạt động trên phạm vi toàn cầu vào năm 2020.

Người dùng TikTok đang cung cấp dữ liệu cho cơ quan tình báo của ĐCSTQ, chuyên gia mạng cảnh báo Tiktok thu thập dữ liệu người dùng và gửi về Trung Quốc, quy định của Mỹ đối với các công ty như Tiktok, những lo ngại về TikTok ngày càng gia tăng, ĐCSTQ khao khát kiểm soát dữ liệu người dùng
Người dân đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

'Các mối đe dọa nước ngoài'

Theo tổng chưởng lý tiểu bang Indiana, khả năng TikTok cho phép ĐCSTQ tiếp cận “trực tiếp với thiết bị cá nhân của hàng triệu người Mỹ” khiến nó trở thành “mối quan ngại lớn hơn” so với "các hình thức tiếp cận quá mức của Big Tech” khác từ các tập đoàn Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc coi TikTok là mối nguy hiểm lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Casey Fleming, Giám đốc điều hành của công ty chiến lược tình báo và an ninh BlackOps Partners, trước đây từng tuyên bố rằng, ĐCSTQ đang tham gia vào “cuộc chiến không giới hạn” nhằm tìm cách thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới.

Ông tuyên bố: “ĐCSTQ kiểm soát tất cả công nghệ xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, cho dù được sản xuất hay tạo ra ở Trung Quốc”.

“TikTok là một nền tảng gián điệp được vũ khí hóa do ĐCSTQ kiểm soát và [nó hiện đang] nằm trong tay của hầu hết con em chúng ta. Chiến tranh ngày nay chính là như thế - chiến tranh hỗn hợp. Chính phủ Hoa Kỳ cần cấm ngay lập tức [ứng dụng này]”, ông nói thêm.

Ông Rokita nói rằng, ĐCSTQ từng tuyên bố rằng mong muốn của Trung Quốc là “trở thành cường quốc thống trị thế giới” và công nghệ của TikTok “là một phần của mục tiêu đó”.

Ông nói: “Chúng tôi cần những người yêu nước, những người [sẵn sàng] chiến đấu chống lại những mối nguy hiểm do ứng dụng này gây ra và những ứng dụng khác chắc chắn sẽ xảy ra".

Công cụ giám sát

Về cốt lõi, TikTok được các quan chức Hoa Kỳ coi là một “công cụ giám sát tinh vi” và "ngụy trang" dưới cái mác là một ứng dụng mạng xã hội thú vị.

Theo một quan chức Hoa Kỳ, người đã làm chứng tại một Ủy ban của Hạ viện Mỹ về việc bảo vệ các quân nhân và cựu chiến binh khỏi các vụ lừa đảo vào tháng 7, ứng dụng này cũng phổ biến với các quân nhân Hoa Kỳ, những người không coi đó là mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Ông Rokita giải thích: “Ứng dụng này không chỉ chứa đầy những thứ độc hại rất không phù hợp với trẻ em mà còn khiến chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài. Cụ thể, nó cho phép một doanh nghiệp Trung Quốc, do ĐCSTQ kiểm soát, thu thập dữ liệu của chúng ta".

Ứng dụng này đã bị cấm trên các thiết bị công của chính phủ các tiểu bang Mỹ, tuy nhiên nó vẫn cực kỳ phổ biến với người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Ông Rokita kêu gọi người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền tiểu bang Indiana chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của họ khỏi ĐCSTQ. Văn phòng của ông cho biết, TikTok nắm bắt và theo dõi sự chú ý cũng như hành vi của người Mỹ bằng điện thoại thông minh của chính họ.

Các vụ kiện tụng

Tổng chưởng lý tiểu bang Indiana Todd Rokita đã công bố hai vụ kiện riêng biệt đối với ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu vào ngày 7/12, cả hai đều liên quan đến điều mà ông mô tả là “tuyên bố sai sự thật” của công ty về ứng dụng này.

Ông Rokita cho biết trong một tuyên bố: “Ứng dụng TikTok là một mối đe dọa nguy hiểm và độc hại do một công ty Trung Quốc gây ra cho những người tiêu dùng Indiana cả tin. Với hai vụ kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ buộc TikTok chấm dứt các hành vi sai trái, lừa đảo và gây hiểu lầm, vi phạm luật của tiểu bang Indiana".

Vụ kiện đầu tiên cáo buộc rằng, TikTok đã dụ dỗ trẻ em sử dụng nền tảng này bằng cách xuyên tạc số lượng nội dung khiêu dâm, ngôn từ tục tĩu và đề cập đến ma túy một cách “không thường xuyên”, trong khi thực tế ứng dụng này chứa đầy những thứ mà ông mô tả là “những ví dụ cực đoan về nội dung như vậy”.

Đơn khiếu nại cũng tuyên bố rằng, việc quảng bá TikTok là an toàn và có thể chấp nhận được đối với trẻ vị thành niên từ 13 đến 17 tuổi là một khía cạnh quan trọng trong mô hình kinh doanh của công ty.

Vụ kiện thứ hai khẳng định rằng, TikTok kiểm soát một lượng lớn dữ liệu và thông tin cá nhân có độ nhạy cao về người tiêu dùng tiểu bang Indiana và lừa dối những người tiêu dùng này rằng, các dữ liệu này được bảo vệ khỏi ĐCSTQ.

TikTok bị cáo buộc sử dụng mã JavaScript để theo dõi dữ liệu người dùng

Theo một nhà nghiên cứu từng làm việc cho Google và Twitter, TikTok ghi lại các thao tác gõ phím của người dùng bằng trình duyệt trong ứng dụng trên thiết bị Apple, bao gồm mật khẩu và số thẻ tín dụng.

Nhà phát triển ứng dụng và nhà nghiên cứu quyền riêng tư Felix Krause đã công bố một báo cáo về những rủi ro liên quan đến việc một số ứng dụng iOS đưa mã JavaScript vào trình duyệt của bên thứ ba.

TikTok đã xác minh sự tồn tại của mã này trong ứng dụng iOS nhưng tuyên bố rằng họ không sử dụng mã này.

TikTok từ lâu đã phản ứng trước những lo ngại về quyền riêng tư bằng cách đảm bảo với người dùng rằng, dữ liệu của họ được lưu trữ ở Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Buzzfeed đưa tin vào ngày 17/6 rằng, 14 tuyên bố của 9 nhân viên khác nhau của TikTok chỉ ra rằng, “các kỹ sư ở Trung Quốc đã có quyền truy cập vào dữ liệu của Hoa Kỳ, ít nhất là từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022".

Sau bài báo này, TikTok mới thừa nhận rằng dữ liệu của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ và Úc có thể được truy cập ở Trung Quốc.

Ông Brendan Carr, một Ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), nói với Quốc hội Mỹ vào tháng 7 rằng, luồng dữ liệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ được gửi về Trung Quốc là “đặc biệt đáng lo ngại”, vì ĐCSTQ “có thành tích tham gia vào hoạt động gián điệp và các hành vi bất chính khác”.

Ông Carr cũng nêu quan ngại về nội dung được truyền tải trên ứng dụng video của Trung Quốc.

“Các kỹ sư ở Bắc Kinh rất giỏi trong việc sử dụng các thuật toán. Họ quyết định những nội dung được hiển thị cho người dùng ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu", ông Carr nói

Ông nói thêm rằng: “Cho dù đó là một chiến dịch gây ảnh hưởng nước ngoài hay các nội dung khác, điều đáng chú ý là Trung Quốc không cho phép TikTok được sử dụng ở nội bộ Trung Quốc, nhưng họ vẫn cho phép các loại chiến dịch gây ảnh hưởng này diễn ra trên phạm vi toàn cầu”.

Tòa Bạch Ốc lên tiếng về những tiết lộ trong vụ 'Twittergate' Giám đốc FBI Christopher Wray tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 25/05/2022. (Ảnh: Bonnie Cash/Pool/Getty Images)Những lo ngại này đã khiến Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray tuyên bố rằng TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện (House Homeland Security Committee), ông Wray nhấn mạnh rằng, TikTok đã gây ra mối lo ngại an ninh đáng kể đối với Mỹ.

Ông Wray nói: “Tôi cho rằng chúng tôi có những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia, ít nhất là khi nhìn TikTok từ [góc độ] của FBI".

“Những lo ngại đó bao gồm khả năng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng phần mềm này để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán đề xuất của TikTok. Thuật toán này có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng nếu họ muốn. Ngoài ra, [chính phủ Trung Quốc] cũng có thể kiểm soát phần mềm này trên hàng triệu thiết bị, tạo điều kiện để nó xâm nhập về kỹ thuật đối với các thiết bị cá nhân của người dùng".

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Tiểu bang Indiana kêu gọi người dân xóa TikTok ‘do ĐCSTQ kiểm soát’