Nga cảnh báo các quốc gia tiếp viện vũ khí cho Ukraine sau đàm phán ngừng bắn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (28/02), Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra cảnh báo rõ ràng đối với các quốc gia Liên minh Châu Âu cung cấp vũ khí cho lực lượng phòng thủ Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga hồi tuần trước (từ ngày 24/02 cho đến nay).

Bộ Ngoại giao nói với hãng thông tấn Interfax: “Sẽ có một phản ứng cứng rắn đối với các hành động của Liên minh Châu Âu. Nga sẽ tiếp tục bảo đảm đạt được các lợi ích quốc gia sống còn bất chấp các lệnh trừng phạt hay mối đe dọa của họ. Đã đến lúc các quốc gia phương Tây nhận ra rằng sự thống trị hoàn toàn của họ trong nền kinh tế toàn cầu từ lâu đã không còn".

Nga cảnh báo các quốc gia tiếp viện vũ khí cho Ukraine

Sau đó, họ cảnh báo rằng “các công dân và Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến việc vận chuyển vũ khí có tính sát thương, nhiên liệu, và dầu nhờn cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hậu quả nào của những hành động được thực hiện ngay giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra".

Bộ khẳng định: “Họ không thể không hiểu được mức độ nguy hiểm của những hậu quả này". Bộ không nêu chi tiết về sự trừng phạt hay hình phạt nào mà Nga có thể giáng xuống.

Cuối tuần qua (26-27/02), các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu đã đồng ý gửi khoảng 560 triệu USD vũ khí, đạn dược, và viện trợ cho quân đội Ukraine trong bối cảnh nước này chống lại cuộc xâm lược từ Nga.

“Đây là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu tài trợ cho việc mua cũng như vận chuyển vũ khí và các thiết bị khác cho một quốc gia đang bị tấn công", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong một cuộc họp báo. “Đây là một thời điểm trọng đại trong lịch sử", bà nói thêm.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. (Ảnh STEPHANIE LECOCQ/POOL/AFP qua Getty)
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. (Ảnh STEPHANIE LECOCQ/POOL/AFP qua Getty)

Đồng thời, Liên minh Châu Âu đã đóng cửa không phận của mình đối với tất cả các phi cơ Nga, bao gồm cả phản lực cơ thương mại và phi cơ tư nhân. Nhưng các quan chức NATO và Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki hôm thứ Hai (28/2) đã bác bỏ việc thực thi vùng “cấm bay” đối với Ukraine, cho rằng hành động như vậy sẽ khiến Mỹ và NATO đối đầu trực tiếp với Nga.

Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông John Kirby bác bỏ những khẳng định của Nga rằng các nước phương Tây đang làm leo thang cuộc xung đột này.

Ông nói với các phóng viên ở Hoa Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin “là người đang làm leo thang vấn đề này và vẫn đang tiếp diễn hành động đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Các Lực lượng Vũ trang của Ukraine, như cách mà chúng tôi và các nước NATO khác đang làm, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách giúp họ tự vệ".

Cùng ngày, vòng đàm phán đầu tiên nhằm ngăn chặn cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào ngoại trừ việc tiếp tục đàm phán. Một trợ lý cấp cao của ông Putin kiêm trưởng phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky, nói rằng cuộc hội đàm kéo dài khoảng năm giờ và các đặc phái viên “đã tìm thấy một số điểm nhất định có thể thấy trước được các quan điểm chung". Ông cho biết họ đồng ý tiếp tục các cuộc thảo luận này trong những ngày tới.

Đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine kết thúc mà không có thỏa thuận

Đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine tại một nước thứ ba hôm 28/02 đã không mang lại kết quả nào, các quan chức cho biết sau khi cuộc gặp kết thúc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cử các quan chức hàng đầu làm trung gian khi các lực lượng của Nga và Ukraine tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, bao gồm cả gần các thành phố lớn như Kyiv. Các cuộc đàm phán được tổ chức tại Belarus, nước đã cho phép các lực lượng Nga hành quân qua trong chiến tranh.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky, nói với các phóng viên sau khi các cuộc đàm phán kết thúc rằng mục tiêu chính là thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov (thứ 4 tính từ bên phải), Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky (thứ 2 tính từ bên phải) và các thành viên khác của cả hai phái đoàn bước vào hội trường để hội đàm tại khu vực Gomel của Belarus vào ngày 28/2/2022, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. (Ảnh của Sergei KHOLODILIN qua Getty Images)

“Các bên đã xác định một số chủ đề ưu tiên mà theo đó một số quyết định nhất định đã được hình dung", ông Podolyak nói. “Các bên đang quay trở lại thủ đô của họ để có khả năng thực hiện các quyết định này. Các bên đã thảo luận về khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai trong thời gian gần nhất, nơi những vấn đề này sẽ được phát triển một cách thiết thực".

Ông Vladimir Medinsky, người đứng đầu phái đoàn Nga, cho biết cuộc đàm phán kéo dài năm giờ này bao gồm việc tìm ra các điểm thỏa thuận về các mục chưa xác định trong nghị trình và đưa ra một thỏa thuận để tiếp tục đàm phán.

“Cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra trong những ngày tới tại biên giới Ba Lan-Belarus. Đã có một thỏa thuận liên quan. Trước cuộc gặp, cả hai phái đoàn, trưởng đoàn sẽ tham khảo ý kiến ​​của lãnh đạo các nước về vị thế đàm phán của họ,” ông Medinsky cho hay.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nga cảnh báo các quốc gia tiếp viện vũ khí cho Ukraine sau đàm phán ngừng bắn