Nga: Phương Tây đánh lạc hướng dư luận về vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Nga cho biết, lập luận trong một bài báo của tờ The New York Times ngày 7/3 rằng một ‘nhóm thân Ukraine’ mờ ám đã đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hồi năm ngoái là điều không đáng tin cậy vì nó nhằm mục đích ‘đánh lạc hướng dư luận’.

Nga hoài nghi thông tin nhóm thân Ukraine phá hoại Nord Stream

Ông Leonid Slutsky, một thành viên cấp cao của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) cho biết: “[Lập luận] trong bài báo của tờ New York Times là một phương thức ‘đánh lạc hướng dư luận’ khỏi thủ phạm thực sự bằng cách đổ lỗi cho một nhóm phiến quân ít người biết đến”.

“Ai có thể tin được rằng một hoạt động [phá hoại] ở quy mô như thế này… lại do một nhóm phá hoại chưa từng được biết đến thực hiện?”, ông Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia, cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Theo đó, bài báo của tờ New York Times lập luận rằng "thông tin tình báo mới" mà các quan chức Hoa Kỳ có được cho thấy vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt chiến lược Nord Stream hồi năm ngoái đã được thực hiện bởi một "nhóm thân Ukraine".

Các quan chức Hoa Kỳ (ẩn danh) được trích dẫn trong bài báo cũng nhanh chóng khẳng định rằng "không có bằng chứng" nào cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoặc bất kỳ phụ tá hàng đầu nào của ông có liên quan đến vụ tấn công này.

Các quan chức này cũng xác nhận rằng, thủ phạm cũng không hành động theo mệnh lệnh của “bất kỳ quan chức chính phủ Ukraine nào”.

Bài báo của tờ New York Times cho hay, chính các quan chức này "từ chối tiết lộ bản chất của thông tin tình báo, cách thức thu thập thông tin tình báo hoặc bất kỳ chi tiết nào về sức mạnh của bằng chứng mà thông tin đó chứa đựng".

Ngay sau khi tờ New York Times xuất bản bài báo trên, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelenskyy, đã tuyên bố rằng Ukraine "hoàn toàn không liên quan" đến vụ phá hoại đường ống Nord Stream.

"Thật vô nghĩa", ông Podolyak viết trên Twitter.

Một biển báo hướng giao thông hướng tới lối vào của đường dây dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc Đức, vào ngày 7/9/2020. (Ảnh Getty Images),Nord Stream 2 phá sản
Một biển báo hướng giao thông hướng tới lối vào của đường dây dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc Đức, vào ngày 7/9/2020. (Ảnh Getty Images)

Thụy Điển và Đan Mạch ngừng điều tra vì lo ngại về ‘An ninh quốc gia’

Các đường ống Nord Stream dài hơn 1.223 km chạy dưới đáy biển Baltic, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến các nhà ga năng lượng ở Đức.

Vào tháng 9/2022, các đường ống này đột nhiên bị rò rỉ ở vùng lãnh hải của Thụy Điển và Đan Mạch, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng trên khắp Tây Âu.

Thụy Điển và Đan Mạch nhanh chóng kết luận rằng vụ việc này là hành động phá hoại. Tuy nhiên, các cuộc điều tra chung giữa hai nước này với Đức xung quanh sự cố trên đột ngột bị dừng lại do ba chính phủ viện dẫn những lo ngại về vấn đề "an ninh quốc gia".

Về phần mình, Moscow đã nhanh chóng "gán" vụ phá hoại đường ống là một "hành động khủng bố" và đã nhiều lần kêu gọi các cuộc điều tra bổ sung.

Có thời điểm, giới chức Nga tuyên bố rằng họ có trong tay bằng chứng cho thấy Vương Quốc Anh đã tham gia vào vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, cho đến nay Moscow vẫn chưa công khai các bằng chứng này.

Trong khi đó, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gọi các cuộc tấn công đường ống là "một hành động phá hoại" có chủ ý, trong khi Moscow đổ lỗi cho phương Tây. Không bên nào cung cấp được bằng chứng liên quan đến vụ việc.

Tuy nhiên, 5 tháng sau khi xảy vụ việc, cả truyền thông Mỹ và châu Âu đều “phớt lờ” câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm cho hành động phá hoại đường ống dẫn khí đốt tốn kém nhất trong lịch sử này.

Hôm 8/2, nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh đã đăng một bài báo có tiêu đề: “How America Took Out The Nord Stream Pipeline” (tạm dịch: Mỹ đã phá hủy đường ống Nord Stream như thế nào) trên nền tảng Substack. Bài báo khẳng định rằng chính phủ Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về vụ phá hủy một phần đường ống Nord Stream.

Trích dẫn một nguồn ẩn danh trong bài báo này, ông Hersh tuyên bố chính phủ của Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch phá hủy cơ sở hạ tầng này từ trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Để hỗ trợ cho lập luận của mình, ông Hersh đã trích dẫn lời khẳng định của Tổng thống Joe Biden ngay trước thềm cuộc xâm lược của Moscow rằng “nếu Nga xâm lược Ukraine… thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Mỹ sẽ 'kết liễu' đường ống này”.

Khi được hỏi về những tuyên bố của nhà báo Hersh trong một cuộc phỏng vấn của đài Fox News, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby khẳng định rằng, bài báo đó là "câu chuyện hoàn toàn sai sự thật".

Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến Nord Stream 1 điêu đứng và nhấn chìm 11 tỷ USD của Nga xuống đáy biển Baltic. (Ảnh: Getty Images)

Nga: 'Phương Tây muốn che giấu danh tính của thủ phạm thực sự'

Hôm 8/3, Tham tán Đại sứ quán Nga tại Mỹ Andrey Ledenev cho biết, những tuyên bố trong bài báo của tờ New York Times nhằm mục đích che giấu danh tính của thủ phạm thực sự.

Trao đổi với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, ông Ledenev nói rằng Mỹ tìm cách "đẩy trách nhiệm từ những lãnh đạo đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công sang một số cá nhân tưởng tượng nào đó".

Ông nói: “Chúng tôi coi những vụ ‘rò rỉ’ ẩn danh không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm gây nhầm lẫn cho những người đang thực sự cố gắng tìm hiểu tận cùng tội ác nghiêm trọng này”.

Trước đó, hôm 7/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố chính phương Tây phải trả lời các câu hỏi chính thức của Nga liên quan đến vụ nổ đường ống Nord Stream thay vì tiết lộ thông tin vụ việc với truyền thông.

Về phần mình, chính phủ Đức đã thừa nhận những tuyên bố trong bài báo của tờ New York Times, đồng thời nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết: "Kể từ đầu tháng 10/2022, Công tố viên Liên bang Đức đã bắt tay vào điều tra vụ việc. Do đó, cơ quan này có quyền kiểm soát thủ tục này”.

Đồng thời, ông John Kirby lập luận rằng các cuộc điều tra của Đức, Thụy Điển và Đan Mạch phải được phép tiến hành theo lộ trình của họ.

“Tổng thống Mỹ tin rằng đó là một hành động phá hoại. Đức cũng cho là như vậy. Tuy nhiên chúng ta phải chờ kết quả sau cùng khi những cuộc điều tra đã hoàn tất. Khi đó chúng ta mới có thể đưa ra các hành động tiếp theo”, ông Kirby cho biết.

Gói trừng phạt mới của EU lên Nga có thể phản tác dụng và làm lợi cho Trung Quốc
Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn khí Nord Stream 2, gần Lubmin, Đức, ngày 02/02/2022. (Ảnh: Sean Gallup / Getty Images)

Đức kêu gọi các bên ‘thận trọng’, tránh đưa ra cáo buộc vội vàng

Kể từ đó, Đài phát thanh truyền hình ARD và báo Die Zeit của Đức cho rằng thủ phạm thực hiện vụ tấn công gồm 6 người (trong đó có 1 phụ nữ) và những người này sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh vào Đức.

Theo đó, nhóm biệt kích này đã sử dụng hộ chiếu giả và thuê một chiếc du thuyền khởi hành từ cảng Rostock phía Bắc nước Đức vào ngày 6/9/2022. Chiếc du thuyền này có mặt trên đảo Christiano của Đan Mạch ở biển Baltic vào ngày hôm sau (7/9/2022), theo tờ Reuters.

Theo nguồn tin chi tiết, một công ty có trụ sở tại Ba Lan đã thuê lại chiếc du thuyền này và nó thuộc sở hữu của hai người Ukraine. Hôm 26/9/2022, các đường ống Nord Stream đã rò rỉ do bị cài chất nổ dưới đáy biển Baltic, bảy tháng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Truyền thông Đức cho hay các điều tra viên hồi tháng 1 vừa qua đã phát hiện dấu vết thuốc nổ bên trong khoang lái của chiếc du thuyền kể trên nhưng họ vẫn chưa xác nhận được danh tính của những cá nhân liên quan đến vụ việc.

Tại cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh Châu Âu (EU) ở Stockholm (Thụy Điển) hôm 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius đã kêu gọi các bên thận trọng, tránh đưa ra những cáo buộc vội vàng về vụ nổ đường ống.

"Đó rất có thể là một chiến dịch 'cờ giả' được dàn dựng để đổ lỗi cho Ukraine", ông Pistorius cho biết. Cờ giả là hoạt động được dàn dựng nhằm đổ trách nhiệm cho bên khác.

Ông nói thêm rằng: "Đức phải điều tra tường tận xem rốt cuộc nhóm ‘thân Ukraine’ có [phá hoại đường ống Nord Stream] theo mệnh lệnh của chính phủ Ukraine hay không”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga: Phương Tây đánh lạc hướng dư luận về vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream