Nghệ sỹ Hoàng Dũng đột ngột qua đời chiều mùng 3 Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 14/2 (mùng 3 Tết), nghệ sỹ Hoàng Dũng đột ngột qua đời vào lúc 14h15 phút tại Bệnh viện Huyết học Trung ương.

Nghệ sỹ Hoàng Dũng ra đi sau thời gian chiến đấu với bệnh tật, hưởng thọ 65 tuổi. Ông có thời gian dài chiến đấu và chữa trị tích cực nhưng đã không qua khỏi. Hiện tại, đồng nghiệp và người hâm mộ đã gửi lời vĩnh biệt người nghệ sĩ và chia buồn với gia đình nghệ sỹ Hoàng Dũng.

Trong lần cuối cùng lộ diện trước công chúng vào tháng 12/2020, nghệ sỹ Hoàng Dũng chia sẻ: "Tôi cũng cố gắng duy trì sức khỏe nhưng nhiều khi chỉ nói bằng mồm chứ không thực hiện được, ai cũng thế mà! Làm công việc là nghề nghiệp của mình, lại là đam mê của mình nên nhiều khi làm xong mới thấy mệt còn khi đi làm phim thì quên hết. Hiện tôi đang bị viêm cơ, ngay giờ phút này nếu ho chút cũng đau, lắm hôm tôi chỉ ngủ được 2 tiếng, ngồi dậy cũng khó. Đó không chỉ là lời cảnh báo cho việc làm việc quá sức mà là mình già thật rồi", theo Kênh 14.

Nghệ sỹ Hoàng Dũng làm Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2002. Năm 2007, ông giữ chức vụ Giám đốc và về nghỉ hưu vào năm 2017. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân năm 2007, theo VTC News.

Ngoài sân khấu, Hoàng Dũng còn tham gia rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Tướng về hưu, Gái già lắm chiêu (Điện ảnh), Người phán xử, Sinh tử, Trở về yêu thương, Về nhà đi con... Gần đây, vai ông trùm Phan Quân của ông trong phim "Người phán xử" để lại ấn tượng đối với người xem truyền hình.

Tiểu sử nghệ sỹ Hoàng Dũng

Hoàng Dũng tên thật là Hoàng Tiến Dũng, sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông đến với nghệ thuật hoàn toàn tình cờ. Theo lời ông kể, trong thời gian chờ kết quả thi đại học, ông được những người bạn cùng khu phố rủ thi tuyển vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đang lúc rỗi rãi, Hoàng Dũng theo chúng bạn cho biết, không ngờ đỗ thật. Cũng chính Hoàng Dũng kể lại ông vào được trường là nhờ sự bảo lãnh của thầy giáo, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga. Lý lẽ để nghệ sĩ Huỳnh Nga thuyết phục ban giám hiệu là: “Đào tạo 100 kỹ sư, còn hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng”.

Hoàng Dũng tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1978 rồi về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội, trụ sở ở số 8B Tạ Hiện. Năm 1993, Đoàn kịch Hà Nội được nâng cấp thành Nhà hát kịch Hà Nội và được cấp rạp Công Nhân. Ông đóng vai Quan Đăng trong phim ngắn Xét xử tài tình của loạt phim Cổ tích Việt Nam do Hãng phim Phương Nam thực hiện sản xuất năm 1996. Hoàng Dũng làm phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 2002 và làm giám đốc nhà hát từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 1 năm 2017 thì ông chính thức nghỉ hưu theo chế độ.

Hoàng Dũng có hai con trai, người con lớn Hoàng Duy cũng từng tham gia đóng một số vai nhỏ trong các phim và hoạt cảnh truyền hình.

Vợ của ông không làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật cho nên rất ít khi xuất hiện trước công chúng.

Hoàng Dũng vẫn bảo, nếu như không có vợ ông, chắc chắn sẽ không có 1 NSND Hoàng Dũng như hiện tại. Ông luôn cảm thấy rất may mắn khi vợ không những chỉ ủng hộ mà còn theo sát ông trên con đường nghệ thuật.

Bà dành thời gian xem các bộ phim ông đóng và thường thì chỉ đưa ra những nhận xét ngắn gọn. Nhưng mà dù chỉ là 1 câu, ông cũng có thể hiểu được “vị khán giả đặc biệt” này có hài lòng đối với vai diễn của mình hay không.

Ngay cả khi đã giữ vai trò trưởng đoàn kịch, đã được phong tặng danh hiệu NSƯT, Hoàng Dũng vẫn rất sẵn lòng dành thời gian rảnh rỗi để trông cửa hàng, dọn hàng giúp vợ.

Khi ông trở thành Giám đốc Nhà hát Kịch, bận rộn với việc cơ quan, thì ông vẫn không quên bữa tối của gia đình. Dù cho có đi ăn cùng đối tác, đi liên hoan cùng với anh em, chỉ cần vợ phần cơm, ông sẵn sàng về nhà ăn thêm 1 bữa tối nữa để cho vợ vui.

(Theo: Nghệ sĩ Việt)

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ sỹ Hoàng Dũng đột ngột qua đời chiều mùng 3 Tết