Người Anh và Mỹ quay lại với tiền mặt để ứng phó với lạm phát cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một cuộc khảo sát mới, các khoản thanh toán bằng tiền mặt đang thịnh hành trở lại, khi các hộ gia đình vật lộn ứng phó với lạm phát cao.

Sau nhiều thập kỷ giảm sử dụng tiền mặt, hiện nay tác động của lạm phát tăng nhanh đã đảo ngược xu hướng chuyển sang kỹ thuật số.

Hai hãng Credit Karma và The Harris Poll đã tiến hành một cuộc khảo sát vào tháng 3/2023, cho thấy 53% người trưởng thành ở Mỹ và 46% ở Vương quốc Anh hiện sử dụng tiền mặt nhiều hơn một năm trước, theo Bloomberg đưa tin.

Những con số này cao hơn 19% và 4% so với tỷ lệ những người không sử dụng tiền mặt nhiều hơn.

Khoảng 3/5 người dùng tiền mặt ở cả hai quốc gia cho biết, việc sử dụng tiền mặt giúp họ chi tiêu ít hơn.

Sự thay đổi sở thích dùng tiền mặt cũng là một phản ứng của người tiêu dùng đối với sự thống trị ngày càng tăng của các phương thức thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn như Apple Pay, hay Venmo, hay thẻ tín dụng thanh toán không tiếp xúc. Một số người cho rằng những phương thức kỹ thuật số này khiến họ quá dễ có khả năng chi tiêu quá đà.

Hơn hai phần ba trong số 3.171 người tham gia khảo sát thừa nhận rằng, các phương thức thanh toán kỹ thuật số khiến họ chi tiêu nhiều hơn dự định.

Giới trẻ gia tăng sử dụng tiền mặt

Lạm phát cao khiến người dân suy nghĩ cẩn trọng hơn về số tiền chi tiêu hàng ngày, đặc biệt là ở Vương quốc Anh, nơi lạm phát vẫn duy trì trên mức 10%.

"Khi thế giới đang trở lại bình thường sau đại dịch và giá cả tăng lên đáng kể, chúng tôi thấy rằng tiền mặt là một trong những cách quản lý tiền lâu dài nhất", Courtney Alev — phó giám đốc quản lý sản phẩm của Credit Karma — cho biết.

"Nó thực sự có thể được dùng trong tất cả các thế hệ và tình hình tài chính".

Cuộc khảo sát cho thấy, sự gia tăng trong việc sử dụng tiền mặt là đặc biệt rõ rệt ở các thế hệ trẻ, chẳng hạn như thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y) và thế hệ Z (Gen Z).

Những người tiêu dùng trẻ tuổi, mà đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn, hiện nay đang theo xu hướng "tích trữ tiền mặt" bằng cách xem các video trên TikTok hướng dẫn mọi người cách chia tiền mặt của mình vào các phong bì khác nhau để sử dụng cho các chi phí khác nhau, giống như cách mà ông bà của họ có thể đã làm trong thời Đại khủng hoảng.

Người tiêu dùng cũng đang sử dụng các mạng xã hội như Facebook để tránh các nhà bán hàng không chấp nhận tiền mặt.

Natalie Ceeney — chủ tịch của Cash Access UK — chia sẻ với Bloomberg, "rất nhiều lý luận về thanh toán nói là cần loại bỏ bớt rào cản" và rằng "thực ra thì, rất nhiều người muốn có lại rào cản".

Như MasterCard giới thiệu, "Trong tương lai [thanh toán] không rào cản, thì việc xếp hàng tại các quầy thanh toán sẽ tuyệt chủng; chúng ta thanh toán bằng cách sử dụng nhận dạng sinh trắc học của mình. Giải pháp kỹ thuật số thông minh hơn sẽ kết hợp sự thuận tiện và sự kiểm soát để loại bỏ những rắc rối trong thanh toán".

Nhiệm vụ của Cash Access là thúc đẩy khả năng tiếp cận tiền mặt dễ dàng hơn theo luật pháp, để ngăn chặn suy giảm sử dụng tiền mặt.

Bà Ceeney nói rằng, các nghiên cứu cho thấy doanh số bán hàng tăng mạnh khi các nhà bán hàng mà có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, chẳng hạn như các nhà bán hàng trong ngành thể thao, chuyển sang thanh toán không tiếp xúc.

"Một trong những lý do là, mọi người gia tăng khả năng chỉ cần chạm [thẻ] và mua hàng mà không cần phải nghĩ rằng 'Ôi trời, thật là nhiều tiền quá'".

Một số công ty công nghệ tài chính đang cố gắng hỗ trợ người tiêu dùng đang gặp khó khăn bằng cách giới thiệu các tính năng giúp đặt ra mức trần cho chi tiêu hàng ngày.

Tiền kỹ thuật số được đề xuất

Kết quả khảo sát của Credit Karma và The Harris Poll cho thấy, việc tiền mặt được sử dụng nhiều sau đại dịch có thể không phải chỉ là hiện tượng tạm thời, như báo cáo của Ngân hàng Anh (BOE) cũng xác nhận điều này.

BOE lưu ý vào tháng 10/2022 rằng, họ đã chứng kiến ​​sự phục hồi "được duy trì, cục bộ, trong việc sử dụng tiền mặt" sau đại dịch, và rằng tiền giấy đang lưu hành đã đạt gần mức cao nhất trong lịch sử.

Ngân hàng Nationwide Building Society của Anh báo cáo vào tháng 1/2023 rằng, hơn 30,2 triệu lượt rút tiền đã được thực hiện từ các máy ATM của mình vào năm 2022, tăng 19% so với năm 2021, trong lúc chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ngân hàng trung ương Anh cho biết, việc sử dụng tiền giấy và tiền xu đặc biệt phổ biến trong các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải vật lộn với chi phí tăng cao, từ chi phí thực phẩm đến tiền thuê nhà.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả Ngân hàng Anh, đang đẩy mạnh kế hoạch giới thiệu các phiên bản kỹ thuật số cho tiền tệ của mình. Đây là một động thái rất không được công chúng ưa chuộng.

Những người ủng hộ quyền riêng tư lo lắng về việc mất quyền riêng tư và khả năng bị chính phủ giám sát nếu việc sử dụng tiền kỹ thuật số trở thành bắt buộc.

Bản thân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đăng tải một tài liệu nêu lên lợi ích của đồng USD kỹ thuật số, nhưng các quan chức cho biết sẽ không có "Fedcoin" nếu không có bất kỳ động thái nào của Quốc hội.

Sự gia tăng liên tục việc sử dụng tiền mặt có thể phụ thuộc vào cách các ngân hàng trung ương chế ngự tỷ lệ lạm phát cao trong những tháng tới.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người Anh và Mỹ quay lại với tiền mặt để ứng phó với lạm phát cao