Người trình độ càng thấp càng thích nói 3 điều này, cần chú ý giữ khoảng cách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quỷ Cốc Tử có câu: "Khẩu giả, tâm chi môn hộ dã", đại ý là: Phẩm chất của một người như thế nào, có thể đánh giá được qua những gì người đó nói ra.

Người ăn nói tuỳ tiện nhìn qua tưởng có vẻ “thẳng tính", nhưng thực ra là họ không chỉ tự hạ thấp bản thân mà còn vô tình làm tổn thương người khác.

Còn người có phẩm đức cao thượng thường chú trọng tu khẩu. Chỉ khi kiểm soát được lời ăn tiếng nói của mình, con đường phía trước mới rộng mở, hanh thông hơn.

Vậy người có phẩm chất thấp kém thường nói 3 điều nào? Chúng ta cùng theo dõi để biết đường tránh nhé!

Lời tiêu cực

Đôi khi chúng ta cảm thấy tâm trạng không tốt chưa chắc xuất phát từ tự thân, mà có thể là do chúng ta đã nhận quá nhiều năng lượng xấu từ những người tiêu cực xung quanh.

Những người này luôn có thói quen suy nghĩ tiêu cực khi gặp bất cứ chuyện gì. Kết quả là họ khiến bản thân ngày càng chán nản, bi quan, ít hy vọng vào cuộc sống và dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm.

Họ thường trút năng lượng tiêu cực của mình bằng cách phàn nàn mọi thứ với những người xung quanh. Sau đó họ cảm thấy thoải mái hơn phần nào nhưng hậu quả là tâm trạng của người nghe lại bị ảnh hưởng xấu đi.

Cổ nhân có câu: “Nhân sinh 10 điều thì có 9 điều không như ý".

Những người hạnh phúc không phải vì cuộc sống của họ luôn thuận buồm xuôi gió, mà là vì họ có một thái độ sống lạc quan, tích cực. Với cảnh giới như vậy, ngay cả khi có những điều không như ý xảy ra, họ vẫn có thể xử lý chúng một cách ổn thoả và bình tĩnh.

Ai cũng có một “từ trường” nhất định và đều ảnh hưởng lẫn nhau. Vậy nếu bạn luôn tiếp xúc với những người tràn đầy năng lượng tích cực thì bạn mới có thể nuôi dưỡng tâm hồn của mình ngày càng tươi sáng, lạc quan, yêu đời.

Thích tranh cãi

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có thể bắt gặp một số người luôn thích thể hiện bản thân bằng cách tranh luận hơn thua với người khác. Họ luôn bác bỏ ý kiến của người khác kể cả nó có đúng đi chăng nữa.

Trên thực tế, ai cũng đều có cách nhìn nhận vấn đề, quan điểm của riêng mình và đa số đều tôn trọng sự khác biệt của người khác.

Nhưng người thích tranh luận hơn thua thì chỉ biết nhìn nhận vấn đề từ góc độ của bản thân và luôn đi chỉ trích, áp đặt người khác, khiến ngày càng mất lòng các mối quan hệ xung quanh.

Những người này tư duy rằng, chỉ khi tranh cãi và giành phần thắng về mình thì họ mới có được sự ngưỡng mộ từ người khác. Họ không nghĩ được rằng, hành động đó đang khiến bản thân mất đi sự yêu mến, tin tưởng của người khác, bạn bè tốt cũng ngày càng xa lánh họ.

Đôi khi, thảo luận với nhau về đúng sai không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng nếu sa đà vào tranh luận chỉ để thắng người khác thì sẽ gây ra mâu thuẫn không cần thiết.

Lão Tử có câu: “Đại biện nhược nột”, đại ý là: Những người thông minh đều rất khiêm tốn, không tranh giành cao thấp với người khác, những người như vậy mới có thể dễ dàng có được hạnh phúc, tương lai rộng mở.

Những người thực sự hiểu biết, họ không muốn tranh giành thắng thua trong những cuộc thảo luận. Bởi vì họ hiểu và chấp nhận những ý kiến bất đồng, khác biệt về tư duy, quan điểm của mỗi người. Chỉ những ai làm được điều này mới có được sự tín nhiệm, tin tưởng của người khác.

Không chân thật

Khổng Tử có câu: "Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân", đại ý rằng người đạo đức giả thường hay dùng lời nói để lấy lòng người khác, nếu không đề phòng thì chúng ta rất dễ rơi vào “bẫy” của họ.

Ai cũng có xu hướng thích nghe những lời ngon ngọt, dễ nghe, nhưng những người giỏi nịnh hót thường là những người không đáng tin nhất.

Những người này thường hay thể hiện họ rất có năng lực và muốn người khác phải tin tưởng. Tuy nhiên khi đến lúc cần thực hiện sự việc, lời hứa của mình thì họ lại tìm cách thoái thác, trốn tránh.

Họ sở dĩ ngay từ đầu luôn nói một cách hào sảng như vậy đơn giản chỉ để người khác tin tưởng và giúp đỡ họ một cách nhanh nhất. Sau đó theo thời gian họ mới lộ ra “bộ mặt" thật của mình.

Những người đạo đức giả thường nói "tiền không thành vấn đề". Họ thường dùng câu nói này để lấy lòng, lừa gạt người khác. Đến khi cần đóng góp thì họ mới lộ ra là kẻ keo kiệt. Bởi vì lợi ích, tiền tài luôn là thứ thử lòng người rõ ràng nhất.

Tục ngữ có câu: “Biết người biết mặt, không biết lòng”.

Vậy đối với những người giỏi “ngụy trang”, chúng ta nên thận trọng và sớm nhìn ra bản chất của họ mới tránh được những tổn thất không đáng có.

Lời kết

Lão Tử có câu: “Biết người khác là thông minh, biết chính mình mới là trí tuệ chân chính”. Ý nói rằng trí tuệ lớn nhất của một người là có thể nhận ra ai đáng kết giao và người nào cần tránh xa.

Vậy mới nói nhân sinh là một chặng đường dài, chỉ khi chọn được đúng bạn hiền, chúng ta mới có thể được tương trợ và ngày càng tiến xa, giảm thiểu tổn thất không đáng có.

Cuối cùng, chúc bạn và tôi có đủ trí huệ để kết giao đúng người!

Theo Tống Vân - Aboluowang

Tuyết Nhi biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người trình độ càng thấp càng thích nói 3 điều này, cần chú ý giữ khoảng cách