Nguyên tắc vàng để bảo quản tủ bếp bền đẹp như mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một căn bếp gọn gàng, sạch sẽ, tủ bếp luôn như mới là điều mà các chị em nội trợ luôn mong muốn sở hữu trong ngôi nhà của mình. Hãy “bỏ túi” những nguyên tắc vàng trong cách vệ sinh bảo quản để tủ bếp luôn như mới.

Ngày nay, với kiến trúc xây nhà hiện đại thường khép kín, gian bếp cũng thường được bố trí cùng với phòng khách. Vì vậy, nó có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ của căn nhà. Đặc biệt, trong gian bếp thì tủ bếp lại chiếm vị trí không nhỏ, thể hiện bộ mặt của gian bếp. Việc vệ sinh tủ bếp thường xuyên là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, để tủ bếp luôn bền đẹp như mới thì cần biết các nguyên tắc này.

Những sai lầm có thể mắc phải khi vệ sinh tủ bếp

  1. Dùng khăn ướt, nhiều dung dịch tẩy rửa

Trong quá trình vệ sinh tủ bếp, có nhiều người không để ý nên sử dụng khăn ướt thay vì khăn ẩm, cho nhiều dung dịch tẩy rửa khiến ẩm ướt bề mặt tủ, đặc biệt là với tủ làm từ chất liệu gỗ tự nhiên.

Chỉ cần xịt dung dịch tẩy rửa lên một miếng khăn mềm rồi lau chùi tủ bếp sau mỗi lần nấu nướng hoặc tuần lau 2-3 lần. Cách làm này sẽ giúp bạn làm sạch mọi vết bẩn bám trên tủ bếp, đồng thời giữ được chất lượng tủ bếp tốt để sử dụng lâu dài.

  1. Dùng miếng cọ rửa thô ráp

Với những vết bẩn “cứng đầu” bám trên tủ bếp, không nên dùng miếng cọ rửa thô ráp. Có nhiều gia đình thường tận dụng miếng cọ rửa xoong, nồi để đánh những vết bẩn trên tủ bếp. Tuy nhiên, những miếng cọ rửa có thô ráp sẽ để lại những vết xước vĩnh viễn trên bề mặt tủ bếp, khiến thẩm mỹ bề mặt của tủ bếp bị mất đi.

Nên dùng khăn mềm để lau bề mặt bếp (pexels)

Tủ bếp dù trên chất liệu nào cũng không nên dùng miếng cọ rửa thô ráp, thay vào đó hãy dùng miếng vải mềm, với những vết bẩn cứng đầu hãy dùng dung dịch tẩy rửa, làm ẩm vết bẩn đó rồi nhẹ nhàng lau đi vết bẩn, tránh tối đa làm xước bề mặt tủ. Bởi những vết xước đó lâu ngày sẽ bị bám bẩn, rất khó làm sạch lại gây mất thẩm mỹ cho gian bếp.

  1. Bỏ qua những chỗ khuất

Thường khi vệ sinh tủ bếp chúng ta chỉ lau qua bề mặt những nơi nhìn thấy và hay tiếp xúc, còn những nơi khuất thường không chú ý đến, những nơi như tay cầm, các đường viền, hoa văn trang trí tủ bếp,... chúng ta lại không chú ý đến.

Vì vậy khi làm vệ sinh tủ bếp, bạn cần thực hiện một cách toàn diện cả trong và ngoài, cũng đừng quên những nơi tiểu tiết, bên trong các góc khuất của tủ bếp.

Nguyên tắc vàng trong vệ sinh, bảo quản tủ bếp

Bất kỳ món đồ nội thất nào dù mua đắt tiền, bền đẹp đến mấy, nếu không biết cách bảo quản hợp lý, vệ sinh đúng cách thì sẽ khiến chúng mau chóng xuống cấp.

  1. Cách bảo quản tủ bếp khoa học

Nên thực hiện lau chùi khu bếp nấu hàng ngày, sau khi nấu nướng để căn bếp luôn sạch sẽ, thơm tho.

Khi vệ sinh các ngăn tủ, nên dùng nước ấm để dễ dàng lau đi vết bẩn khó ưa bám dính lâu ngày. Dùng bình xịt và khăn khô lau lại một lần toàn bộ bếp, tránh để lại những vết loang gây mất thẩm mỹ tổng thể gian bếp.

2. Cách bảo quản bề mặt đá tủ bếp

Đá nhân tạo có màu sắc rất bắt mắt, góp phần tô điểm cho căn bếp nhà bạn thêm hiện đại, sang trọng. Sử dụng nguyên liệu thiên nhiên có sẵn trong căn bếp đó là dấm chua để làm sạch bề mặt bếp. Chỉ cần nhỏ một chút giấm lên khăn khô, lau qua một lượt rồi sau đó lau lại bằng nước tẩy rửa sẽ khiến bề mặt đá trở nên bóng và sáng hơn.

3. Cách bảo quản kính ốp tủ bếp

Theo thời gian, quá trình sử dụng khiến dầu mỡ bám trên bề mặt kính, nếu bạn vệ sinh ngay sau đó thì vấn đề lau chùi sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Nếu lỡ để qua một thời gian thì có cách bảo quản tủ bếp nào khắc phục nhanh chóng không?

Hãy dùng những nguyên liệu có sẵn trong bếp như chanh, củ cải trắng, hành tây thái lát xoa trực tiếp lên bề mặt cần vệ sinh, sau đó dùng giấy hoặc khăn lau lại, kính ốp bếp sẽ trở nên sạch sẽ trông thấy, màu kính trong hơn.

Tuyết Liên (sưu tầm)



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên tắc vàng để bảo quản tủ bếp bền đẹp như mới