Động thái bất ngờ của Đài Loan khi Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan hôm thứ Tư (12/4) cho biết họ đã thuyết phục thành công Trung Quốc thu hẹp đáng kể kế hoạch lập vùng cấm bay phía bắc hòn đảo, qua đó ngăn chặn sự gián đoạn đi lại trong khu vực giữa lúc căng thẳng cao độ ở eo biển Đài Loan bởi những cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc chưa bình luận về vùng cấm bay nhưng Hàn Quốc, quốc gia cũng được thông báo về kế hoạch, cho biết quyết định này được đưa ra do một vật thể rơi từ phương tiện phóng vệ tinh.

Bắc Kinh ban đầu thông báo cho Đài Bắc rằng họ sẽ áp đặt vùng cấm bay từ ngày 16 đến ngày 18/4. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải Đài Loan cho biết thời gian cấm bay đã giảm xuống chỉ còn 27 phút vào sáng Chủ nhật (16/4) sau khi kế hoạch trên bị phản đối.

Phía Đài Loan đã công bố một bản đồ cho thấy cái mà họ gọi là "khu vực hoạt động hàng không vũ trụ" của Trung Quốc ở phía đông bắc hòn đảo, gần một nhóm đảo nhỏ đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Vùng cấm bay nằm gần với các tuyến hàng không dân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như giữa Đài Loan và Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản trích dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết vùng cấm bay của Trung Quốc bao gồm cả những gì Nhật Bản tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Senkaku.

Yan Yu-hsien, phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, xác nhận vùng cấm bay này chồng lấn với vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. "Có rất nhiều chuyến bay quốc tế từ phía bắc Đài Loan tới Nhật và Mỹ", ông Yan nói.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhật cho biết vùng cấm bay có thể ảnh hưởng 60-70% số chuyến bay ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, cũng như đường bay từ Đài Loan tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Bắc Mỹ.

Trước đó, Reuters dẫn 4 nguồn tin quan chức giấu tên cho biết "Bắc Kinh dự kiến thiết lập vùng cấm bay ở phía bắc Đài Loan ngày 16-18/4", cảnh báo điều này có thể tác động đến vùng thông báo bay (FIR) của Đài Loan.

Chính phủ Nhật cho hay Trung Quốc đã thông báo cho họ về vùng cấm bay gần Đài Loan trong thời gian trên, thêm rằng điều này liên quan đến các hoạt động hàng không vũ trụ. Đây cũng là thời điểm diễn ra hội nghị ngoại trưởng G7 ở Nhật Bản.

Diễn biến này diễn ra sau nhiều ngày tập trận quân sự căng thẳng mà Trung Quốc đã tổ chức xung quanh Đài Loan để đáp trả cuộc gặp của Tổng thống Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California tuần trước.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) chụp ảnh với các binh sĩ công binh trong chuyến thăm quận Gia Nghĩa vào ngày 25 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: SAM YEH/AFP via Getty Images)

Bắc Kinh cho biết các cuộc tập trận - trong đó có khoa mục thực hành phong tỏa hòn đảo - là "lời cảnh báo nghiêm trọng chống lại sự thông đồng và khiêu khích của các lực lượng ly khai Đài Loan độc lập và các thế lực bên ngoài".

Một quan chức cấp cao của Đài Loan quen thuộc với tình hình nói với Reuters rằng do sự gián đoạn hàng không có thể xảy ra, Đài Bắc đã sử dụng "nhiều kênh" bao gồm ngoại giao, tình báo và cơ quan hàng không để thuyết phục Bắc Kinh kiềm chế kế hoạch ban đầu.

Quan chức này cho biết Đài Loan đã thông báo cho tất cả các bên sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu của Trung Quốc, bao gồm một số quốc gia thuộc Nhóm G7 có bộ trưởng ngoại giao chuẩn bị tới Nhật Bản để họp từ ngày 16-18/4.

“Mọi người đều thấy điều đó thật khó tin”, quan chức này nói.

Yan Yu-hsien, phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, cho biết vùng cấm bay sẽ nằm trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này, cách bờ biển Đài Loan khoảng 157 km về phía bắc.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư (12/4), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết ông không biết gì về câu chuyện vùng cấm bay.

Sóng dữ

Trung Quốc cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang đẩy hòn đảo vào "sóng dữ", sau cuộc gặp gần đây của bà này với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy.

"Bà Thái Anh Văn đã gây nguy hiểm cho Đài Loan. Bà ấy gần như hoàn toàn đứng về phía Mỹ và đang đẩy Đài Loan vào vùng biển nổi sóng dữ dội", phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan (TAO) của Trung Quốc, Chu Phượng Liên, hôm 12/4 cho hay.

"Tập trận là hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ", bà Chu cho hay. "Các thế lực bên ngoài đang tăng cường nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và biến Đài Loan thành công cụ. Chúng tôi sẽ không để khoảng trống cho bất kỳ hoạt động đòi độc lập nào".

Trung Quốc coi bà Thái Anh Văn là người theo chủ nghĩa ly khai và nhiều lần từ chối lời kêu gọi đàm phán của lãnh đạo này. Bà Thái nói rằng muốn hòa bình, nhưng chính quyền của bà sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công.

Trung Quốc tuyên bố kết thúc đợt tập trận hôm 10/4, song duy trì hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm nay cho biết trong 24 giờ qua, họ phát hiện 35 máy bay quân sự và 8 tàu hải quân Trung Quốc ở quanh hòn đảo. Trong số đó, 14 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan.

Bà Thái, người đã trở lại Đài Loan một ngày trước khi cuộc tập trận của Trung Quốc bắt đầu, tỏ ra thoải mái khi gặp các nhà lập pháp Canada hôm thứ Tư (12/4), nói rằng chuyến đi nước ngoài của bà đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ chống lại một kẻ xâm lược đang đe dọa nền tự do của hòn đảo.

“Thông qua chuyến đi này, chúng tôi một lần nữa gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng Đài Loan quyết tâm bảo vệ tự do và dân chủ, vốn đã giành được sự thừa nhận và ủng hộ từ các đối tác dân chủ của chúng tôi”, bà Thái nói khi gặp các nhà lập pháp Canada.

Trong một diễn biến khác, trong chuyến thị sát lực lượng hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam ngày 11/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho quân đội nước này đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi và xây dựng lực lượng, nâng cao mức độ hiện đại hóa.

Ông Tập cũng yêu cầu quân đội Trung Quốc "tăng cường huấn luyện quân sự hướng tới thực chiến, đổi mới các khái niệm và phương pháp tác chiến, cải thiện khả năng ứng phó kịp thời và phù hợp các tình huống phức tạp", kênh CCTV của Trung Quốc ngày 12/4 đưa tin.

Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Quốc ngày 9/4 công bố video mô phỏng đợt tập kích ồ ạt bằng tên lửa nhằm vào đảo Đài Loan. Nhiều chuyên gia nhận định đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai "các mục tiêu chính trên đảo Đài Loan và vùng biển xung quanh" trong một đợt tập trận mô phỏng tiến công.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Động thái bất ngờ của Đài Loan khi Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay