Phương Tây đã đánh mất quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây đối với các tuyến giao thông biển quan trọng trên Biển Đỏ / Kênh đào Suez hiện có thể đang ở mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, ngay cả khi so với thời điểm cạnh tranh với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Trong quãng thời gian 2022-23, Nga và Trung Quốc, mặc dù chịu những hạn chế về chiến lược của riêng mình, nhưng đã có những bước tiến lớn đối với sự hiện diện ở khu vực Biển Đỏ / Suez, trong khi Mỹ và các cường quốc châu Âu đang phải thoái lui. Khả năng của Mỹ đang suy yếu, đối với việc gây ảnh hưởng hoặc ngăn chặn các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ethiopia, Sudan, Yemen và Somalia.

Tình hình khu vực

Eritrea và Ethiopia, trên thực tế, đã kết thúc mối quan hệ hợp tác ngắn ngủi trong 5 năm qua và cả hai quốc gia đang tăng cường liên kết với Moscow, Bắc Kinh, Riyadh, Abu Dhabi và Tehran, trong khi Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang tự thay đổi các ưu tiên của họ từ Washington sang Moscow và Bắc Kinh. Và Ảrập Xêút và UAE cũng đang cải thiện quan hệ với Iran, quốc gia hiện là một phần cơ sở của khối chiến lược Á - Âu mới với Nga và Trung Quốc.

Ngay cả trong thời kỳ Liên Xô có ảnh hưởng ở Ai Cập, Ethiopia, Somalia và hai nửa Yemen (khi đó) trong một số năm Chiến tranh Lạnh, phương Tây vẫn có thể đảm bảo an toàn cho hoạt động thương mại tự do qua Suez và Biển Đỏ vì Liên Xô không thể xây dựng được một cơ sở an toàn trong khu vực để triển khai sức mạnh của chính mình. Giờ đây, Mỹ đang chứng kiến ​​sự suy giảm mạnh mẽ về khả năng gây ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, bao gồm cả Israel và Ảrập Xêút.

Thật vậy, một cách muộn màng, nỗ lực của chính quyền Joe Biden nhằm thực hiện Hiệp định Abraham 2020 và “quên” đi những lời xúc phạm đối với Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã thất bại hoàn toàn. Israel không cần sự ủng hộ của Mỹ trong việc âm thầm xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với Ảrập Xêút. Có khả năng Jerusalem thậm chí có thể thấy “sự hỗ trợ” muộn màng của Washington là một trở ngại đối với mối quan hệ của của Israel với Ảrập Xêút.

Phương Tây đã đánh mất tuyến đường biển quan trọng nhất?
Tổng thống Joe Biden (phải) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan tham dự cuộc gặp song phương tại một khách sạn ở Jeddah, Ảrập Xêút, vào ngày 16/07/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Trong sự chuyển đổi mới này của khu vực Biển Đỏ / Suez, ngay cả khi không tính đến việc Ảrập Xêút và UAE nhanh chóng liên kết với Trung Quốc và Nga, khả năng Washington giành lại các đồng minh cũ vẫn bị hạn chế bởi các sự kiện ở Mỹ và trong khu vực. Các cuộc đối đầu dân sự và khu vực liên quan đến Ethiopia và Eritrea, cùng với cuộc nội chiến ở Sudan, là những yếu tố năng động quan trọng ngoài sự phát triển chiến lược thông thường của khu vực và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga.

Eritrea và Ethiopia hiện phải đối mặt với sự rạn nứt ngày càng tăng, ngay sau khi Thủ tướng Ethiopia, Tiến sĩ Abiy Ahmed Ali, được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 vì đã giúp chấm dứt xung đột Ethiopia - Eritrea. Tổng thống Eritrea Isaias Afewerke đã trở thành người ủng hộ lớn nhất của ông Abiy, và quan hệ song phương đã hồi sinh và thịnh vượng, đặc biệt là khi ông Abiy đè bẹp cuộc nổi dậy của nhóm Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). TPLF, khi nó nắm quyền ở Ethiopia cho đến năm 2018, là động lực của cuộc xung đột với Eritrea.

Trong thời kỳ này, ông Isaias nhiều lần ám chỉ về triển vọng khôi phục liên minh hoàn chỉnh giữa Eritrea và Ethiopia. Tuy nhiên, ông Abiy nhận thấy rằng rất khó để ông ấy có thể cạnh tranh được với sức mạnh của ông Isaias. Giờ đây, ông Isaias đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với người dân Amhara của Ethiopia khi họ phải đối mặt với sự chống đối ngày càng tăng từ các nhóm người Oromo của Ethiopia. Ông Abiy, người có một nửa dòng máu Oromo, hiện được xác định hoàn toàn là người Oromo và vươn lên nắm quyền với tư cách là người đứng đầu phe Oromo của Đảng Thịnh vượng theo chủ nghĩa dân tộc. Gần đây, ông đã tăng cường các hành động quân sự, sử dụng Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ethiopia để chống lại lực lượng dân quân chính thức và lực lượng dân quân Fano không chính thức của Vùng Amhara.

Mỹ đang làm gì?

Vậy Mỹ đang làm gì để giành lại ảnh hưởng trong khu vực?

Một số đồng minh châu Âu truyền thống của Mỹ, chẳng hạn như Ý và ở một mức độ nào đó là Vương quốc Anh, đã bắt đầu thực hiện các hành động độc lập với Washington trong khu vực. Mỹ vẫn duy trì phần lớn cam kết quân sự tốn kém của mình đối với khu vực, đặc biệt là với căn cứ ở Bahrain và Qatar, đồng thời chi trả nhiều chi phí cho các lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia (đặc biệt là Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp 150, 151 và 152 ở Biển Đỏ, Biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư) để chống cướp biển và buôn lậu vũ khí trong khu vực.

Điều đó, giống như sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Qatar, đã không giúp xây dựng lại ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đỏ, và ngay cả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên với Lực lượng Vũ trang Ai Cập cũng không dẫn đến việc Ai Cập quay trở lại phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ quốc phòng.

Trung Quốc và Nga

Phương Tây đã đánh mất tuyến đường biển quan trọng nhất?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rời đi sau tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: Grigory Sysoyev/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

Đồng thời, trong khi mở rộng liên kết với Ảrập Xêút và UAE, Trung Quốc và Nga cũng đã bắt đầu thực hiện các cam kết nghiêm túc về tài chính và hỗ trợ quân sự cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Ethiopia và Eritrea. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường và các quan chức chủ chốt khác của Trung Quốc đã dành cho ông Isaias sự chào đón lớn trong chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh vào ngày 14–19 tháng 5. Bắc Kinh đã hứa cung cấp khoản đầu tư bổ sung 10 tỷ USD vào quốc gia Biển Đỏ. Căn cứ hải quân của Trung Quốc ở nước láng giềng Djibouti, tại Obock, trên Vịnh Tadjoura, được cho là sẽ có phạm vi hoạt động lớn hơn ở Biển Đỏ nhờ được tiếp cận các cảng của Eritrea.

Liệu Trung Quốc có đủ khả năng đầu tư 10 tỷ USD vào Eritrea hay không (chưa tính đến các kế hoạch hiện có khác) vẫn là điều còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, điều đó cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn cam kết với chiến lược Biển Đỏ của mình bất chấp căng thẳng hiện đang ở mức cao giữa ông Isaias và ông Abiy.

Sau đó, vào ngày 31/05, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng. Nga và Eritrea có kế hoạch ký kết “một số” thỏa thuận hợp tác. Những thỏa thuận này, giống như thỏa thuận với Trung Quốc, sẽ liên quan đến việc chuyển giao vũ khí. Ông Isaias đã tiếp nối các cuộc họp ở Bắc Kinh bằng một chuyến thăm tới Moscow vào ngày 31/05, kỷ niệm - giống như trường hợp với Trung Quốc - 30 năm quan hệ ngoại giao. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Isaias tới Moscow. Các nguồn tin của Ethiopia cho biết Nga đã cam kết khoản viện trợ mới khoảng 900 triệu USD cho Eritrea.

Mỹ bất lực

Trước đó, Eritrea đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn dắt để chống lại Nga do cuộc chiến Ukraine. Các nguồn tin ở Asmara (thủ đô Eritrea) nói rằng, điều này phản ánh thực tế rằng Mỹ đã liên tục cô lập Eritrea và Asmara ít nhiều đã “từ bỏ” Washington. Đáng chú ý, Israel duy trì quan hệ tốt đẹp với Eritrea, Ethiopia, Sudan và Ai Cập.

Mỹ từ lâu đã duy trì quan điểm thù địch đối với Eritrea, bỏ qua các cơ hội đạt được quan hệ tốt đẹp, bất chấp tầm quan trọng chiến lược của Eritrea đối với an ninh Biển Đỏ. Ông Isaias, mặc dù vẫn duy trì sự kiểm soát chuyên quyền mạnh mẽ đối với Eritrea, nhưng đã chỉ ra rằng ông có thể tái hòa nhập đất nước của mình vào một liên minh được hồi sinh với Ethiopia và phát triển năng lực hải quân của liên minh mới ở Biển Đỏ. Ông Isaias, mặc dù được cho là một người cấp tiến (ông đã được huấn luyện quân sự vào những năm 1970 ở Trung Quốc), cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với chế độ quân chủ Ethiopia.

Vì vậy, liệu Bắc Kinh và Moscow - cả hai đều đang cạnh tranh về mặt chiến lược ở châu Phi - đã chọn phe giữa Eritrea và Ethiopia, hay họ hy vọng có thể môi giới cho việc khôi phục hòa bình khu vực?

Mỹ không có đòn bẩy ở Asmara, và bị nghi ngờ nghiêm trọng ở Addis Ababa (thủ đô Ethiopia), vì chính quyền Biden đã tích cực tài trợ cho cuộc nổi dậy của nhóm Tigray chống lại chính phủ Abiy. Trong khi đó, những nỗ lực của Washington nhằm môi giới hòa bình trong cuộc nội chiến ở Sudan đạt được rất ít sức hấp dẫn.

Liệu Ai Cập, trước tình hình này, sẽ buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào các thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh và Moscow, trong bối cảnh Washington dường như không thể phản ứng? Liệu các quốc gia phương Tây khác, cảm nhận được sự mất mát to lớn đối với một đường biển quan trọng, sẽ theo đuổi các chính sách độc lập?

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).



BÀI CHỌN LỌC

Phương Tây đã đánh mất quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng nhất?