Quan chức Ngân hàng Anh: Người dân cần chấp nhận rằng mình đã nghèo đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Anh cho biết, lạm phát cao sẽ tiếp tục tồn tại trừ khi người dân chấp nhận rằng họ đã nghèo đi.

Chỉ số giá tiêu dùng của Vương quốc Anh giảm nhẹ xuống 10,1% trong tháng 3/2023, từ mức 10,4% trong tháng 2, nhưng vẫn ở mức hai con số, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết.

Huw Pill — nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh — cho rằng tình trạng lạm phát kéo dài một phần là do người lao động và các doanh nghiệp mà đã phản ứng trước chi phí cao hơn bằng cách yêu cầu mức lương cao hơn hoặc tăng giá sản phẩm hay dịch vụ.

Điều này làm tăng thêm lạm phát, đẩy giá cả lên cao hơn nữa trong toàn nền kinh tế, ông Pill cho biết.

Phát biểu trên podcast Beyond Unprecedented của Trường Luật Columbia, ông Pill nói: "Vương quốc Anh — nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên lớn — đang phải đối mặt với tình trạng là, giá của những thứ mình mua từ những nơi khác trên thế giới đã tăng rất nhiều, so với giá của những gì mình đang bán cho những nơi khác trên thế giới, chủ yếu là các dịch vụ trong trường hợp của Vương quốc Anh".

"Bạn không cần phải là một nhà kinh tế học để nhận ra rằng, nếu những gì bạn đang mua tăng giá lên rất nhiều so với những gì bạn đang bán, thì bạn sẽ bị thiệt hại nặng nề".

"Vì vậy, bằng cách này cách khác ở Vương quốc Anh, ai đó cần phải chấp nhận rằng họ đã nghèo đi và cần chấm dứt việc cố gắng duy trì sức mua của mình bằng cách tăng giá cả, cho dù là thông qua tăng lương hay bắt khách hàng gánh chi phí năng lượng, v.v.".

"Những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ là sự không sẵn lòng chấp nhận điều đó, vâng, tất cả chúng ta đều nghèo đi và tất cả chúng ta đều phải chịu phần mình".

"Cố gắng chuyển chi phí đó sang một trong những đồng bào của chúng ta và nói, 'chúng tôi sẽ ổn thôi, nhưng họ cũng sẽ phải chịu phần của chúng tôi' — trò chơi chuyền hàng cho nhau mà đang diễn ra ở đây này, trò chơi đó tạo ra lạm phát, và phần lạm phát đó có thể sẽ dai dẳng".

'Thiếu nhạy cảm'

Nhận xét của ông Pill đã gây phản ứng dữ dội từ các công đoàn và các doanh nghiệp nhỏ.

Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ nói rằng, những bình luận của ông Pill là "thiếu hiểu biết".

Liên đoàn này tuyên bố trên Twitter: "Các doanh nghiệp nhỏ sẽ rất tức giận một cách chính đáng trước những bình luận thiếu nhạy cảm từ ông Pill, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển những khoản tăng chi phí khổng lồ sang cho khách hàng — mà trong nhiều trường hợp là không đủ để lấp đầy khoảng trống vốn".

Amanda Gearing thuộc công đoàn GMB cho biết, việc quan chức ngân hàng này muốn "một số người lao động được trả lương thấp nhất ở đất nước này không nhận tăng lương khi lạm phát cao thế này" là "thật sự thái quá".

Bà nói với chương trình Today của BBC: "người dân không đủ tiền để sống, họ không thể trả tiền thuê nhà hay có thức ăn trên bàn".

Thomas Moore — giám đốc đầu tư cấp cao tại Abrdn — nói với BBC 5Live rằng những nhận xét của ông Pill là "tấm vải đỏ đối với bò tót".

Nhưng ông nói thêm, "Bạn có thể thấy đằng sau tất cả những điều này, ông ấy nói lên một điều quan trọng là — chừng nào lạm phát còn cao, chúng ta sẽ còn đòi hỏi mức lương cao hơn, và chừng nào chúng ta còn đòi hỏi mức lương cao hơn, lạm phát sẽ còn cao".

'Có chừng mực'

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức ngân hàng trung ương Anh đưa ra những lập luận như vậy.

Năm ngoái, thống đốc ngân hàng trung ương Andrew Bailey đã kêu gọi người dân đừng yêu cầu tăng lương nhiều.

Ông nói với BBC vào tháng 2/2022: "Chúng ta cần có chừng mực trong việc thương lượng lương, nếu không nó sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát".

Tháng trước, ông Bailey đã cảnh báo các doanh nghiệp không nên tăng giá "để vượt qua lạm phát".

"Nếu tất cả giá cả đều cố gắng vượt qua lạm phát, chúng ta sẽ có lạm phát cao hơn", ông chia sẻ với BBC vào ngày 24/3, một ngày sau khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất từ ​​4 lên 4,25%.

Ông cho biết lạm phát cao hơn "làm tổn hại người dân" và cảnh báo ngân hàng sẽ tăng lãi suất một lần nữa nếu giá cả tiếp tục tăng.

"Tôi muốn nói với những người đang định giá: hãy hiểu rằng, nếu chúng ta có lạm phát nhúng, thì lãi suất sẽ phải tăng hơn nữa và lạm phát cao hơn thực sự không mang lại lợi ích gì cả", ông nói thêm.

Ngân hàng thực phẩm

Giá cả tăng liên tục đang gây áp lực lớn lên ngân sách hộ gia đình trên khắp Vương quốc Anh.

Tuần trước, ONS cho biết lạm phát lương thực đạt mức cao nhất trong 45 năm qua, ở mức 19,1% vào tháng 3.

Theo số liệu mới từ hãng tư vấn và nghiên cứu số liệu Kantar, lạm phát hàng tạp hóa tại Anh đã giảm nhẹ trong tháng 4 so với mức 17,5% của tháng 3, nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu mức giá cao hơn 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đã khiến ngày càng có nhiều người dựa dẫm vào các ngân hàng thực phẩm.

Theo tổ chức từ thiện Trussell Trust, tổng cộng 2.986.203 kiện thực phẩm khẩn cấp đã được phân phát từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023 — đây là số kiện kỷ lục mà các ngân hàng thực phẩm tại Anh của Trussell Trust từng phân phát trong một năm.

Con số này cho thấy mức tăng 37% so với năm trước và nhiều hơn gấp đôi con số được phân phát bởi các ngân hàng thực phẩm trong cùng kỳ 5 năm trước, theo tổ chức từ thiện này cho biết.

Hơn 760.000 người đã lần đầu tiên sử dụng ngân hàng thực phẩm trong mạng lưới của Trussell Trust trong năm qua, tăng 38% lượng người dùng lần đầu so với cùng kỳ năm trước.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Ngân hàng Anh: Người dân cần chấp nhận rằng mình đã nghèo đi