Sa hoàng Nga: Không giữ đầu cho binh lính, phải trả giá bằng đầu mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến giờ người ta vẫn thắc mắc, nếu lúc ấy, Sa hoàng Nga không đưa ra những mệnh lệnh phù phiếm, mà biết nghĩ hơn cho binh lính, thì số phận nước Nga, châu Âu, thế giới và chính gia đình ông có thể đã khác đi.

Thử nghiệm tại Mặt trận phía Bắc

Khi Thế chiến I đã lan khắp châu Âu, vào mùa đông năm 1916, một con tàu hơi nước tên là St. Peter đã cập cảng Arkhangelsk, một thị trấn cảng gần Bắc Cực của Đế quốc Nga. Con tàu đến từ Brest, Pháp và chở theo 15.000 chiếc mũ bảo hiểm bằng thép của Pháp. Những chiếc mũ bảo hiểm này là một phần của cuộc thử nghiệm dành cho quân đội Đế quốc Nga. Giống như tất cả quân đội của cả hai phe trong cuộc Đại chiến, Nga cũng mất đi một số lượng binh lính không thể chấp nhận được do vết thương ở đầu.

Thật không may, trong khi các quân đội khác ở châu Âu đã bắt đầu phát triển mũ bảo hiểm bằng thép thì Nga lại chưa làm gì cả. Tuy nhiên, các quan chức quân sự Nga đã lưu ý đến tính hiệu quả của những chiếc mũ bảo hiểm bằng thép đang được Đồng minh Pháp sử dụng và tìm cách mua một số lượng nhỏ để thử nghiệm trên thực địa.

Ngày 22/10/1915, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy cấp cao ra lệnh mua 15.000 mũ bảo hiểm của Pháp. Lệnh được chuyển cho A. Ignatiev, đặc phái viên quân sự Nga ở Pháp, người đã thương lượng việc mua mũ bảo hiểm từ người quản lý quân đội Pháp với giá 75.000 franc. Vào ngày 10/11/1915, Bộ Tổng tham mưu đã ban hành một thông cáo tới Tổng cục trưởng Quân đội Hoàng gia rằng, một sư đoàn của quân đội chính quy sẽ được trang bị mũ bảo hiểm của Pháp trên cơ sở thử nghiệm.

Những chiếc mũ bảo hiểm bằng thép của Pháp được biết đến một cách thông tục với cái tên “Adrian” theo tên nhà phát triển của nó là Đại tá Louis Auguste Adrian. Đại tá Adrian nảy ra ý tưởng về mũ bảo hiểm bằng thép sau cuộc trò chuyện với một người lính Pháp, người này đã sống sót sau một vết thương do mảnh đạn nhờ đặt một chiếc nắp nồi dưới chiếc mũ len của anh ta. Từ cuộc trò chuyện đó, Đại tá tiến tới thiết kế chiếc mũ bảo hiểm bằng thép đầu tiên của quân đội Pháp, một chiếc mũ có thể làm giảm đáng kể vết thương ở đầu và cứu sống vô số người.

Sau khi tới Nga, những chiếc mũ bảo hiểm Adrian đã được gửi bằng đường sắt đến Rezhitsa ở Latvia ngày nay, nơi chúng được người chỉ huy của Mặt trận phía Bắc tiếp nhận. Đến tháng 7 năm 1916, những chiếc mũ bảo hiểm cuối cùng đã được phân phát cho binh lính Nga trên chiến trường và cuộc thử nghiệm bắt đầu. Những người đầu tiên nhận được chúng là thành viên của Tập đoàn quân số 5.

Mặt trận Riga 1916. Một vài thành viên của biệt đội Súng trường Latvia này đội mũ bảo hiểm Adrian. Họ là những người đầu tiên trong Quân đội Nga đội mũ bảo hiểm bằng thép. Sự tương phản giữa màu sắc của mũ bảo hiểm và huy hiệu cho thấy những chiếc mũ bảo hiểm này được sơn màu xanh lam. Nguồn: Alexander & Sons Restoration.

Mũ bảo hiểm mà chỉ huy Mặt trận phía Bắc nhận được không khác gì mũ mà lính Pháp đội. Mũ bảo hiểm được sơn màu xanh lam phù hợp với quân phục chiến đấu của Pháp nhưng chỏi màu với quân phục kaki mà Quân đội Đế quốc Nga mặc. Và thêm một ý kiến nữa của A. Ignatiev, đó là mũ và phù hiệu Nga cũng chỏi nhau.

Ngay từ trước khi được cấp cho quân đội Nga, những chiếc mũ bảo hiểm này đã chịu nhiều lời chỉ trích. Mặc dù một nghiên cứu của Pháp cho thấy rằng đội mũ bảo hiểm bằng thép đã loại bỏ được 3/4 tổng số vết thương ở đầu, nhưng vào ngày 12/3/1916, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Tối cao đã ban hành nghị quyết phản đối việc sử dụng chúng. Bản thân Sa hoàng đã ra phán quyết chống lại việc quân đội Hoàng gia sử dụng mũ bảo hiểm bằng thép, vì tin rằng nó sẽ làm giảm vẻ ngoài hào hoa của binh lính. Do sự can thiệp của Sa hoàng, việc mua thêm mũ bảo hiểm đã bị dừng lại.

Mũ bảo hiểm M15 Adrian gắn phù hiệu Sa hoàng. Chiếc mũ bảo hiểm này vốn được sơn màu xanh lam và là phiên bản đầu tiên được cấp cho tiền tuyến quân Nga ở Mặt trận phía Bắc. Nguồn: Alexander & Sons Restoration.

Sự đảo ngược quyết định của Sa hoàng

Bất chấp sự không khoan nhượng của Sa hoàng về mũ bảo hiểm thép, các thành viên khác trong chính phủ Nga không để cho ý tưởng này bị dập tắt. Trong mùa xuân và mùa hè năm 1916, các thành viên của Duma Quốc gia Nga cũng như Hội đồng Quốc phòng Đặc biệt đã đến thăm các quốc gia Đồng minh như Bỉ, Anh, Pháp và Ý, để thảo luận về tính hiệu quả của những chiếc mũ thép mà quốc gia họ sử dụng. Hầu hết các quốc gia này đã trang bị mũ bảo hiểm bằng thép trong hơn một năm, và đã ghi chép đầy đủ hồ sơ an toàn của chúng.

Hội đồng rất ấn tượng với kết quả này và quyết định kiến ​​nghị Tham mưu trưởng của Tổng Hành dinh M.V. Alekseyev đề nghị Quân đội Nga trang bị mũ bảo hiểm bằng thép. Hội đồng cũng trực tiếp kêu gọi Sa hoàng thay đổi quyết định trước đó và cho phép quân đội trang bị mũ bảo hiểm bằng thép. Nỗ lực của những người ủng hộ việc sử dụng mũ bảo hiểm bằng thép đã có kết quả. Sau khi tranh luận gay gắt, Sa hoàng đã đảo ngược quyết định của mình và cho phép tiếp tục mua mũ bảo hiểm bằng thép từ người Pháp.

Được sự cho phép của Sa hoàng, Alekseyev đã viết thư cho Bộ trưởng Chiến tranh D.S. Shuvaev yêu cầu mua ngay 2 triệu mũ bảo hiểm Adrian. Như một dấu hiệu cho thấy tình hình cấp bách, có lẽ vì sợ Sa hoàng có thể rút lại quyết định, Alekseyev đã yêu cầu tiến hành mua bán mà không cần chờ kết quả thử nghiệm thực địa đang được tiến hành bởi Tập đoàn quân số 5. Đơn đặt hàng một lần nữa được chuyển đến A. Ignatiev, đặc phái viên quân sự của Nga ở Pháp, người đã đàm phán một thỏa thuận với Pháp về việc mua 2 triệu chiếc mũ bảo hiểm. Theo thỏa thuận, 250.000 chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên được sơn màu xanh lam và được gắn phù hiệu Cộng hòa Pháp.

Người ta đã đồng ý rằng những chiếc mũ bảo hiểm này sẽ được đưa lên ngay khi bộ phận vận tải chuyên trách sẵn sàng. Trong khi những chiếc mũ bảo hiểm tiếp theo sẽ được vận chuyển với số lượng 18-20.000 lô với kỳ vọng chúng sẽ đến Nga trước khi mùa vận chuyển kết thúc. Lô mũ bảo hiểm đầu tiên được nhận vào đầu tháng 10 năm 1916. Có vẻ mọi thứ đều suôn sẻ, khi Kho Darnitski tại Kiev báo cáo đã nhận được 146.000 chiếc mũ bảo hiểm vào ngày 19/10/1916.

Lính súng trường Latvia thuộc Tập đoàn quân số 5 của Nga vào mùa hè năm 1917. Trong một đội gồm 8 người chỉ có 3 người đội mũ bảo hiểm. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng

Hai triệu mũ bảo hiểm vẫn là không đủ để trang bị cho quân đội Nga, và đến ngày 22 tháng 9 năm 1916, Tổng tư lệnh M.V. Alekseyev đề xuất mua thêm 1,5 triệu mũ bảo hiểm Adrian từ Pháp. Việc vận chuyển mũ bảo hiểm từ Pháp sang Nga gặp khó khăn vì các cảng bị đóng băng, khiến việc giao hàng gặp khó khăn trong mùa đông và đầu mùa xuân. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, tàu ngầm U-boat của Đức cũng rình mò trên các tuyến đường vận chuyển phía bắc. Ba tàu hàng chở tổng cộng 160.000 chiếc mũ bảo hiểm đã bị tàu ngầm Đức đánh chìm vào năm 1916 và 1917.

Thật không may, ngay cả khi số mũ bảo hiểm đã được chuyển giao, vẫn có những vấn đề khác xảy ra. Vào ngày 12/1/1917, một vụ nổ đạn vô tình tại cảng Romanov-on-Murman đã phá hủy một lượng lớn mũ bảo hiểm Adrian. Những chiếc mũ bảo hiểm còn lại được gửi bằng đường sắt đến các kho tiếp tế khác nhau để cấp cho các đơn vị tiền tuyến. Quá trình này diễn ra chậm và có thể mất vài tuần.

180.000 mũ bảo hiểm khác dành cho Nga vẫn ở cảng Brest của Pháp, chưa được giao do Cách mạng Bolshevik bùng nổ. Con tàu cuối cùng chở mũ bảo hiểm Adrian từ Pháp rời Brest vào tháng 9 năm 1917. Tất cả đã nói lên rằng 1.977.000 chiếc mũ bảo hiểm Adrian đã được vận chuyển từ Pháp đến Nga. Mặc dù số lượng mũ bảo hiểm được vận chuyển dường như rất lớn nhưng nó không đủ để trang bị cho Quân đội Đế quốc Nga đông đúc.

Số lượng những chiếc mũ bảo hiểm thực sự được Ban Hậu cần Nga phân phát cho những người lính chỉ có thể ước lượng. Những bức ảnh chụp một số đơn vị Nga cho thấy hầu hết binh lính của đơn vị đó đều nhận được mũ bảo hiểm. Tuy vậy, những bức ảnh phổ biến hơn về các đơn vị tiền tuyến lại tạo ấn tượng rằng, chỉ một số người lính may mắn nhận được mũ bảo hiểm. Với nguồn cung mũ bảo hiểm đang thiếu hụt, sẽ hợp lý nếu tập trung phân phối chúng cho các đơn vị tiền tuyến vốn cần kíp hơn. Ngay cả vào cuối năm 1917, sau khi hầu hết mũ bảo hiểm Adrian đã được giao, hầu hết các bức ảnh về các đơn vị Nga cho thấy chỉ một số lượng nhỏ mũ bảo hiểm được đội.

Mũ Adrian M15 nguyên bản của Đế quốc Nga được cho là sản xuất vào giai đoạn 1916-17. Nguồn: Alexander & Sons Restoration.

Xanh thẫm và kaki

Đối với những người lính Nga may mắn nhận được một chiếc mũ bảo hiểm Adrian, nó được sơn màu xanh lam hoặc kaki. Người Pháp đã sơn mũ bảo hiểm của họ màu xanh lam kể từ khi chúng được lưu hành lần đầu vào cuối năm 1915. Màu này được sử dụng đơn giản vì nó phù hợp với đồng phục của Pháp vào thời điểm đó. A. Ignatiev chắc chắn đã nhận thức được thực tế này, và thích chiếc mũ bảo hiểm được sơn màu phù hợp với màu kaki ô liu của quân phục Nga. Do nhu cầu rất cấp bách nên không có thời gian chờ sơn lại.

Chứng thực sự cấp bách đó, A. Ignatiev đã kiến ​​​​nghị với Tướng Joffre, Tư lệnh và Tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng Pháp, rằng lô mũ bảo hiểm đầu tiên phải được lấy luôn từ lực lượng dự bị của Pháp. Những chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên được chuyển đến Nga đó vốn được sơn màu xanh lam, và được cấp cho quân đội Nga bất chấp việc không phù hợp với quân phục.

Bắt đầu từ giữa năm 1916, người Pháp đã ra lệnh thay đổi màu sắc quân phục của quân đội thuộc địa của họ từ màu xanh lam sang màu tương tự kaki ô liu, và được gọi là màu mù tạt. Sự thay đổi về đồng phục đòi hỏi mũ bảo hiểm cấp cho các đơn vị thuộc địa phải được sơn màu mù tạt để đồng điệu, và các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm bắt đầu dự trữ sơn mù tạt. Màu sắc mới này rất giống với đồng phục kaki ô liu mà quân đội Nga đang mặc. Cần lưu ý rằng màu sắc của mù tạt có nhiều sắc thái từ nâu vàng đến ô liu đậm hơn, tùy thuộc vào nhà máy nào trong số 8 nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm. Sau đợt giao hàng đầu tiên với 250.000 chiếc mũ bảo hiểm, màu mù tạt đã có sẵn, và theo yêu cầu của A. Ignatiev, tất cả những lần giao mũ bảo hiểm Adrian dành cho Nga sau đó đều được sơn màu mù tạt .

Phù hiệu

Một trong những đặc điểm nổi bật của mũ bảo hiểm Adrian của Đế quốc Nga là phù hiệu đại bàng hai đầu được gắn ở mặt trước. Đại bàng hai đầu là biểu tượng chính trên quốc huy của Đế quốc Nga, và thường được coi là biểu tượng của Nhà Romanov. Con đại bàng thường xuyên xuất hiện trên các thiết bị quân sự của Nga thời đó, và được đặt ở mặt trước của mũ bảo hiểm sẽ giúp nhận biết người đội là một người lính của Đế quốc Nga.

Trong khi chuyến giao mũ bảo hiểm đầu tiên của Adrian có phù hiệu của Pháp, thì phù hiệu đại bàng hai đầu của Nga vẫn được sử dụng. Trên thực tế, huy hiệu này do chính A. Ignatiev phác thảo sau đó gửi đến các nhà máy mũ bảo hiểm của Pháp để sản xuất. Phù hiệu có kích thước 72 mm x 66 mm, được làm từ thép dập và sơn mù tạt để phù hợp với màu mũ bảo hiểm. Phù hiệu được gửi trong các hộp riêng biệt với mũ bảo hiểm và không được gắn vào mũ bảo hiểm cho đến khi đến Nga.

Mặc dù lô hàng mũ bảo hiểm đầu tiên được sơn màu xanh lam, không có phù hiệu Sa hoàng nào được đặt hàng bằng bất kỳ màu nào khác ngoài mù tạt. Ngay cả trong những bức ảnh đen trắng, cũng có thể thấy sự tương phản giữa phù hiệu Sa hoàng màu mù tạt và những chiếc mũ bảo hiểm màu xanh lam. Theo một cách nào đó thì điều này mang lại nguy cơ người lính trở nên lấp lánh trước họng súng quân địch.

Tiểu đoàn xung kích Đầu lâu

Cuộc tấn công cuối cùng của Nga trong Đại chiến được lên kế hoạch vào mùa hè năm 1917. Nó được gọi là Cuộc tấn công Kerensky, theo tên của Alexander Kerensky, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Để chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng này, 30 đơn vị tình nguyện được huấn luyện đặc biệt và gom lại để thành lập ra Tiểu đoàn Xung kích. Các đơn vị này được giao nhiệm vụ nguy hiểm là thăm dò, khai thác những điểm yếu trong tuyến phòng ngự của địch. Do tính chất khá nguy hiểm của công việc của tiểu đoàn xung kích, các chỉ huy quân sự Nga đã cố gắng trang bị mũ bảo hiểm cho phần lớn những người lính này.

Một tiểu đoàn phụ nữ, các bức ảnh cho thấy họ không nhận được mũ bảo hiểm bằng thép. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Do tính chất nguy hiểm của nhiệm vụ, các đơn vị này đã lấy đầu lâu làm phù hiệu của họ. Một số tiểu đoàn trong số này đã sơn hình đầu lâu trắng ở mặt trước mũ bảo hiểm của họ thay cho phù hiệu Sa hoàng.

Một trong những tiểu đoàn xung kích nổi tiếng, được gọi là Biệt đội xung kích số 1 Kornilov, tiếp tục sử dụng phù hiệu đầu lâu trên mũ bảo hiểm của họ trong Nội chiến Nga khi chiến đấu trong hàng ngũ của Quân đội Bạch vệ.

Các thành viên của Tiểu đoàn xung kích Kornilov đội mũ bảo hiểm hình đầu lâu trong Nội chiến Nga. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Sự tương phản tại chiến trường Macedonia và Pháp

Quân đội Nga hành quân qua một thị trấn trên mặt trận Macedonian. Tất cả đều đội mũ bảo hiểm Adrian. Nguồn: Tư nhân.

Trong khi quân đội Nga ở Mặt trận phía Đông phải vật lộn để có được mũ bảo hiểm bằng thép, thì điều này không xảy ra ở nơi khác. Theo thỏa thuận với chính phủ Pháp, Nga đã gửi quân đến chiến đấu dưới sự chỉ huy của Pháp ở Pháp và trên mặt trận Macedonia. Là một phần của thỏa thuận, những người lính Nga này sẽ tiếp tục mặc quân phục của Nga nhưng sẽ nhận được vũ khí và trang bị của Pháp với chi phí do chính phủ Pháp chi trả. Điều này bao gồm mũ bảo hiểm của Adrian.

Chiếc mũ bảo hiểm Adrian mà những người lính Nga này đội ở Pháp và Macedonia không khác với những chiếc mũ mà quân đội của họ ở phía Đông đội. Khi quân đội Nga đến, họ được trao những chiếc mũ bảo hiểm Adrian màu mù tạt có phù hiệu Sa hoàng ở mặt trước. Bởi vì những đội quân này được trang bị trực tiếp từ quân đội Pháp, không giống như ở phía Đông, những đội quân Nga này đều nhận được mũ bảo hiểm Adrian mà không có sự thiếu hụt.

Các thành viên của Lực lượng Viễn chinh Nga ở Pháp bên thi thể đồng đội. Nguồn: Tư nhân.

Tiếp tục sử dụng

Nội chiến Nga nổ ra, cả Hồng vệ binh và Bạch vệ đều tận dụng những chiếc mũ bảo hiểm Adrian vốn chung gốc gác. Với chiến thắng của Hồng quân và sự thành lập Liên Xô, những chiếc mũ bảo hiểm này tiếp tục được bảo trì và tái sử dụng cho đến trước Thế chiến II. Những chiếc mũ bảo hiểm này cũng được đưa vào kho thiết bị quân sự của nhiều quốc gia mới ra đời sau sự tan rã của Đế quốc Nga. Những quân đội mới như Latvia, Lithuania, Estonia, Ba Lan và Phần Lan đều tiếp tục sử dụng những chiếc mũ bảo hiểm Adrian còn sót lại từ Thế chiến I.

Quân đội Latvia thành lập vào năm 1920. Tất cả họ đều đội mũ bảo hiểm Adrian sót lại từ Thế chiến I. Nguồn: Alexander & Sons Restoration.

Quá khứ không thể quay lại

Chiếc mũ bảo hiểm thép đã thể hiện những điểm yếu thâm căn cố đế và chí tử của Đế quốc Nga: một là chậm chạp trì trệ với những ý tưởng và mệnh lệnh hỡi ơi từ người đứng đầu; hai là phụ thuộc nặng nề vào năng lực sản xuất của đồng minh; ba là công tác hậu cần, trang bị vô cùng yếu kém. Rõ ràng quân đội Nga hiện lên trong mắt kẻ thù như là mắt xích yếu nhất. Nếu phải mở đường máu, chọn đối đầu giữa Anh - Pháp và Nga, thì kẻ thù chắc chắn sẽ đặt cược vào cửa Nga, và Đức đã chọn đúng như vậy. Dù chiến đấu tương đối sòng phẳng ở Mặt trận phía Đông, nhưng người Nga chưa từng dọa được người Đức, mà luôn khiến họ có cảm giác cố trả giá thêm là sẽ giải quyết xong. Kết cục hai nước bị tàn phá nặng nề, tạo tiền đề cho cách mạng cộng sản bùng nổ.

Quân đội Nga trong Thế chiến I. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Như đã nói, Nga đã chậm nhận ra lợi ích của mũ bảo hiểm bằng thép. Khi Sa hoàng cho phép mua mũ bảo hiểm thì đã gần như quá muộn. Số lượng mũ thép của quân đội Nga ở Mặt trận phía Đông là không đủ so với hầu hết các đội quân khác trong cuộc chiến. Với số mạng sống mà những chiếc mũ bảo hiểm bằng thép có thể đã cứu được, người ta đặt ra câu hỏi liệu toàn bộ Quân đội Đế quốc Nga có mũ bảo hiểm vào đầu năm 1916 thì sẽ có tác động gì? Liệu số lượng mạng sống được cứu có thay đổi cục diện ở phía Đông không? Và nếu thế, liệu Sa hoàng và gia đình ông có tiếp tục duy trì được vương triều, cũng như tránh khỏi số phận bị những người Bolshevik thảm sát hay không? Những sự kiện lớn trong lịch sử đôi khi là kết quả của những sự kiện nhỏ tưởng chừng như không quan trọng. Có lẽ một đế chế đã có thể được cứu nhờ một chiếc mũ bảo hiểm bằng thép.

“Giá như tôi có một chiếc mũ bảo hiểm!” Các tay súng người Latvia ở mặt trận Riga, chỉ có hai người lính ở đây nhận được mũ bảo hiểm. Nguồn: Alexander & Sons Restoration.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Sa hoàng Nga: Không giữ đầu cho binh lính, phải trả giá bằng đầu mình